Thay đổi chóng mặt

Chính phủ Chile mới đây thông qua dự luật về làm việc tối thiểu trong tuần, theo đó giảm từ 45 xuống còn 40 giờ một tuần.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Cùng với Chile giảm số giờ làm việc, nhiều quốc gia như Ireland, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh... đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Thử nghiệm cho thấy việc giảm số giờ làm việc mang lại nhiều kết quả khả quan.

Giảm số giờ làm việc đồng nghĩa mọi người hoàn thành nhiều công việc hơn trong thời gian ngắn hơn. Năm 2019, Microsoft Nhật Bản giới thiệu mô hình tuần làm việc 4 ngày đã giúp tăng 40% năng suất.

Khoảng 9 trong 10 nhân viên tham gia thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày trên thế giới cho biết họ muốn tiếp tục mô hình làm việc này. Mức độ hài lòng trung bình là 9,1/10. Các chỉ số về căng thẳng, kiệt sức, mệt mỏi, xung đột công việc - gia đình... đều giảm.

Đồng thời, sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động được cải thiện, tăng khả năng cân bằng công việc - cuộc sống cá nhân và tăng mức độ hài lòng về cuộc sống nói chung.

Ngoài ra, khi số ngày lao động giảm, số lượng khí thải carbon cũng giảm. Về lâu dài, một tuần làm việc ngắn hơn có thể là chìa khóa để cắt giảm lượng khí thải carbon toàn cầu.

Nhu cầu làm việc ngắn hơn được thúc đẩy sau dịch Covid-19, khi nhiều ý tưởng công việc ngỡ như không thể hoạt động lại vận hành trơn tru như làm việc từ xa, làm việc online...

Hơn nữa, Covid-19 khiến con người trân trọng cuộc sống, sức khỏe tinh thần cùng các mối quan hệ xung quanh hơn. Công việc, dù vẫn quan trọng, nhưng không phải là nhu cầu cao nhất mà họ sẵn sàng đánh đổi mọi khía cạnh khác trong cuộc sống để thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, người lao động muốn thay đổi giờ làm việc xuất phát từ thái độ bất mãn với thời gian làm việc kéo dài. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đã thử nghiệm tuần làm việc 4 giờ trong bối cảnh nước này chật vật đối phó với nạn “làm việc đến chết”. Các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng nổi tiếng với tình trạng làm việc quá sức.

Vì lẽ đó, ngày càng nhiều người lao động, tổ chức xã hội, công đoàn trên thế giới đề xuất giảm giờ làm việc. Năm 2023 được nhiều người chọn là năm bước ngoặt của phong trào tuần làm việc 4 ngày với ngày càng nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã và đang thử nghiệm mô hình này.

Tuy nhiên, không phải chính phủ quốc gia nào cũng đồng tình với sáng kiến trên bởi việc rút ngắn thời gian làm việc có thể cản trở cuộc chạy đua phát triển kinh tế, nhất là tại những quốc gia phát triển. Hơn nữa, việc quản lý, luật lao động, chính sách phúc lợi... cũng sẽ phải thay đổi theo mô hình giảm giờ làm việc.

Đơn cử, Trung Quốc đã thẳng thắn gạt bỏ ý tưởng cắt giảm giờ làm việc khi các nhà lập pháp đề xuất một tuần làm việc 36 tiếng, tương đương 4,5 ngày. Bộ Lao động nước này khẳng định “chẳng có cơ sở thực tiễn nào để rút ngắn thời gian làm việc”, chưa kể hành động này sẽ khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí và gánh nặng.

Thế giới có thể đang mơ về một tuần làm việc ngắn mà vẫn đảm bảo năng suất lao động cao nhưng không phải tất cả đều sẵn sàng đánh đổi quy trình vận hành hiện nay để mạo hiểm cho một mô hình mới.

Nguyễn Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-chong-mat-post636369.html