Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường 'địa hình'

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng 'vượt địa hình' do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng tôm, cua tại Cà Mau đang phải đối diện với không ít tồn tại, hạn chế. Tổ chức sản xuất còn manh mún, liên kết hợp tác sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững; sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, biến đổi khí hậu; tình hình dịch bệnh luôn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phát triển sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi và xây dựng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn... Ðây là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục.

Chông chênh trong sản xuất

Tại Hội thảo chuyên đề “Ðổi mới sáng tạo trong nuôi trồng thủy sản và giải pháp công nghệ đối với ngành tôm, cua tỉnh Cà Mau”, tổ chức vào tháng 7/2024, phóng viên Báo Cà Mau gặp gỡ và trao đổi cùng Tiến sĩ Phạm Thu Hiền, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung của Australia (CSIRO). Tiến sĩ Phạm Thu Hiền nhận định, ngành tôm, cua Cà Mau đang phải đối diện với nhiều thách thức. Khó khăn đến từ biến đổi khí hậu, yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường nhập khẩu trên thế giới. Bên cạnh đó, còn có các khó khăn liên quan đến cạnh tranh trên thị trường, làm thế nào để tăng năng suất, giảm giá thành, tăng tỷ lệ sống của tôm nuôi.

Sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, do đó khi biến đổi khí hậu tác động mỗi lúc một nghiêm trọng hơn thì nghề nuôi của người dân khó có thể tránh khỏi bị tác động. Ðiều này càng thấy rõ hơn đối với con cua trong khoảng 3 năm trở lại đây, tình trạng cua chết xảy ra liên tục mỗi khi thời tiết chuyển mùa.

Toàn tỉnh có khoảng 252.000 ha nuôi cua với hình thức chủ yếu là kết hợp trong vuông tôm. Những năm gần đây, tình trạng cua chết đã gây ra không ít khó khăn cho người dân.

Toàn tỉnh có khoảng 252.000 ha nuôi cua với hình thức chủ yếu là kết hợp trong vuông tôm. Những năm gần đây, tình trạng cua chết đã gây ra không ít khó khăn cho người dân.

Anh Nguyễn Hải Âu, ấp Thuận Long, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ: “3 năm gần đây, khi đầu mùa mưa và vào mùa nắng nóng, năm nào cũng xảy ra tình trạng cua chết. Từ thu nhập 1-2 triệu đồng một ngày khi vào con nước, có thời điểm tụt xuống còn chưa được 200 ngàn đồng”.

Bắt đầu từ năm 2020, tình trạng cua nuôi trên địa bàn tỉnh chết rải rác, gây thiệt hại cho người dân, nhất là tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi, Phú Tân và Cái Nước. Theo thống kê, năm 2021 diện tích cua bệnh toàn tỉnh hơn 20.000 ha, thiệt hại trung bình từ 15-20%. Năm 2022, cua chết gây thiệt hại với tỷ lệ cao hơn, cụ thể như huyện Năm Căn thiệt hại từ 30-100%; Ngọc Hiển từ 50-100%; Cái Nước từ 20-100%; Ðầm Dơi từ 10-70%... Bước sang năm 2023, toàn tỉnh có hơn 12.000 ha cua nuôi của người dân chết, với mức độ thiệt hại từ 20-60%. Năm 2024, tình trạng cua chết vẫn tiếp tục được ghi nhận.

Tham gia đề tài khảo sát và nghiên cứu mầm bệnh trên cua nuôi của tỉnh Cà Mau, PGS.TS Trần Thị Tuyết Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Thủy sản, thuộc Trường Ðại học Cần Thơ, chỉ ra: “Bệnh trên cua xảy ra tập trung trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, mang tính lặp lại và liên tiếp từ năm 2020 cho đến nay. Dấu hiệu bệnh lý ghi nhận giống nhau ở các vùng nuôi và qua các năm. Bước đầu đã xác định một số nguyên nhân gây cua chết, nhưng hiện nay chưa có giải pháp phòng, trị bệnh”.

Cua được xác định là vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, nên khi xảy ra tình trạng cua chết đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan đến từ thời tiết thì chính hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ đang là nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó đặc biệt là tôm, cua phải đối mặt thêm nhiều khó khăn đến từ giá thành, chi phí đầu vào, rào cản thị trường...

Chuỗi giá trị chưa thông

Liên kết xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất được xem là xu hướng tất yếu cho thời kỳ hội nhập hiện nay. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết để xây dựng vùng sản xuất theo hướng sinh thái, hữu cơ đạt các chứng nhận trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi khi chuỗi liên kết này rất dễ bị đứt gãy khi thị trường biến động.

Với 7 loại chứng nhận quốc tế khác nhau đã đạt được, Công ty TNHH Xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú là đơn vị thường xuyên liên kết với người dân trong tổ chức sản xuất. Ông Lâm Thái Xuyên, Giám đốc công ty, cho rằng, chuỗi giá trị ngành tôm Cà Mau vận hành chưa được trơn tru, nhịp nhàng, các mắt xích trong chuỗi này như liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hay giữa các doanh nghiệp với nhau trong cung cấp vật tư đầu vào, con giống, thuốc, thức ăn còn lỏng lẻo, dễ bị phá vỡ. Sự lỏng lẻo xuất phát bởi mức độ hài hòa lợi ích trong chuỗi chưa cao, lợi nhuận tập trung nhiều cho nhà cung ứng, bán hàng.

Ðây cũng chính là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tôm của Cà Mau cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh, giá sản phẩm tôm trong tỉnh hiện nay cao hơn một số nước, nhất là Ấn Ðộ và Ecuador. Có thời điểm tôm cùng kích cỡ nhưng giá trong tỉnh cao hơn gần 1 USD so với Ấn Ðộ và Ecuador.

Mặc dù vậy, người nuôi tôm vẫn cho rằng giá thành hiện nay gần như bà con còn lợi nhuận rất “mỏng”. Ông Trương Hoàng Ða, ấp Hiệp Thành, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi, chia sẻ, trong vụ nuôi trước, lần đầu tiên trong gần 7 năm qua 2 ao tôm của gia đình thu hoạch hơn 14 tấn loại 35 con/kg. Tuy nhiên, sau khi trừ hết chi phí, số lợi nhuận còn lại của cả 2 ao cũng chỉ hơn 300 triệu đồng, do tất cả các chi phí, nhất là thức ăn và thuốc thủy sản, đều tăng. Với khoảng lợi nhuận này tái đầu tư lại là hết, do đó, nếu vụ kế tiếp thành công thì còn đỡ, mà lỡ thất bại xem như thâm nợ.

Giá tôm thương phẩm giảm mạnh, khiến người nuôi tôm gặp không ít khó khăn.

Giá tôm thương phẩm giảm mạnh, khiến người nuôi tôm gặp không ít khó khăn.

Ðối với con cua, sự liên kết trong sản xuất hiện nay có thể nói là chưa có gì. Với sản lượng khoảng 25 ngàn tấn mỗi năm, thời gian qua người dân tiêu thụ chủ yếu thông qua hình thức thương lái thu gom về giao lại cho các đại lý phân phối. Hiện chỉ có Công ty Cổ phần Quốc tế Logistics Hoàng Hà, TP Hồ Chí Minh đã hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với một số hợp tác xã và đại lý thu mua. Thị trường xuất khẩu cua chủ yếu sang Trung Quốc, Singapore, Ðài Loan, Nhật Bản, Dubai, Thái Lan... Do phần lớn tiêu thụ tại Trung Quốc, nên khi thị trường này hạn chế hoặc tạm thời không nhập khẩu thì giá cua tại Cà Mau giảm thấp.

Tôm sú và cua Cà Mau đã phát triển thành thương hiệu được nhiều khách hàng trong nước và thế giới biết đến. Nhưng tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế, thị trường nhập khẩu thủy sản yêu cầu khắt khe hơn, hạ tầng sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu...đang là những thách thức lớn cần được tháo gỡ trong thời gian tới. Theo đó, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa để hoàn thành nhiệm vụ này.

Trên cơ sở tình hình bệnh và kết quả nghiên cứu của Trường Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ cho thấy, trong hệ thống nuôi cua thương phẩm của tỉnh Cà Mau đang có sự tồn tại của nhiều mầm bệnh nguy hiểm như: vi rút, vi khuẩn và ký sinh trùng. Ðây là những nguyên nhân gây ra tình trạng cua chết như đã qua và nhiều thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Nguyễn Phú - Chí Diện

Bài cuối: Chìa khóa mở rào

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thay-doi-de-phat-trien-ben-vung-nganh-hang-chu-luc-bai-2-vao-chang-duong-dia-hinh-a34244.html