Đạm Cà Mau (DCM) có thể được khấu trừ thuế VAT tới 500 tỷ đồng/năm

Dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi với việc đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT kỳ vọng sẽ được thông qua vào tháng 10 tới đây và có hiệu lực kể từ đầu năm sau.

Đạm Cà Mau được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp phân bón niêm yết hưởng lợi trực tiếp từ việc đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT.

Đạm Cà Mau được kỳ vọng là một trong những doanh nghiệp phân bón niêm yết hưởng lợi trực tiếp từ việc đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT.

Dự thảo Luật Thuế Giá trị Gia tăng (VAT) sửa đổi đã được Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5 - tháng 6/2024).

Tại Phiên thảo luận chiều ngày 24/06/2024 thuộc kỳ họp Quốc hội thứ 7, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với việc đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT thay vì không chịu thuế VAT như hiện nay.

Trước đây, khi áp dụng Luật Thuế VAT năm 2008, phân bón là đối tượng chịu thuế VAT 5%. Tuy nhiên, Luật số 71 ban hành ngày 26/11/2014 đã quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế VAT từ ngày 1/1/2015.

Do đó doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế VAT đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc, và dịch vụ có liên quan, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Khi doanh nghiệp bán sản phẩm, giá bán phải bao gồm toàn bộ các chi phí này, khiến sức cạnh tranh suy giảm so với các mặt hàng phân bón nhập khẩu.

Nếu Dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi được thông qua với việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% thì doanh nghiệp phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào.

Theo đánh giá của Chứng khoán Dầu khí (PSI), do số thuế VAT đầu ra được tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, điện… phục vụ sản xuất phân bón đa phần chịu mức thuế suất VAT 10%, nên các doanh nghiệp phân bón cơ bản được hoàn thuế VAT.

Đáng chú ý, hiện các đại biểu Quốc hội có 2 luồng ý kiến thảo luận về mức thuế suất VAT áp dụng đối với phân bón là 0% hay 5% và các đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính cần có báo cáo đánh giá chi tiết hơn về tác động của việc áp thuế VAT 5% đối với phân bón đến người nông dân, đến giá phân bón trong nước.

Bộ Tài chính hiện đang tiến hành nghiên cứu và sẽ trình chính thức dự thảo vào kỳ họp Quốc hội thứ 8 dự kiến diễn ra trong tháng 10/2024.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Các hãng chứng khoán và doanh nghiệp phân bón trong nước hiện kỳ vọng Dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10 tới đây và chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2025.

Dựa trên các yếu tố về thị phần, điều kiện kinh doanh, Chứng khoán Dầu khí nhận định Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) sẽ là một trong các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp, tích cực nhất nếu phân bón bị đánh thuế VAT 5%.

Chi phí kinh doanh sản xuất đầu vào của Đạm Cà Mau hiện rơi vào khoảng 8.500 - 10.000 tỷ đồng. Nếu Luật Thuế VAT mới được áp dụng từ đầu năm sau, Đạm Cà Mau có thể được khấu trừ khoảng 425 - 500 tỷ đồng thuế VAT đầu vào kể từ năm 2025, tương ứng khoảng 38,7% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này trong năm 2023, theo ước tính của Chứng khoán Dầu khí.

Bên cạnh đó, sức cạnh tranh của các mặt hàng phân bón Đạm Cà Mau so với các sản phẩm nhập khẩu sẽ được cải thiện. Qua đó, kỳ vọng giúp Đạm Cà Mau mở rộng thêm thị phần và thúc đẩy sản lượng tiêu thụ.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm--co-the-duoc-khau-tru-thue-vat-toi-500-ty-dong-nam-126681.htm