Thay đổi để thích nghi và giảm thiểu thiệt hại

Mỗi khi bước vào mùa mưa, người dân một số xã thuộc huyện Chương Mỹ (Hà Nội) như Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến… lại đối mặt với nguy cơ bị ngập lụt, cuộc sống bị đảo lộn…

Theo một số cụ cao niên trên địa bàn, lũ rừng ngang năm nào cũng có, nhưng lũ không lớn thì sẽ rút nhanh, còn nếu gặp mưa to thì sẽ gây ra ngập lụt nghiêm trọng. Năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, lượng mưa đo được tại Chương Mỹ chỉ trong hai ngày 23 và 24-7-2024 lên tới 324,4mm. Kết hợp với nước thượng nguồn đổ về thì như một lẽ tất yếu, lũ rừng ngang xuất hiện.

Huyện Chương Mỹ ngập sâu trong đợt mưa lũ vừa qua

Huyện Chương Mỹ ngập sâu trong đợt mưa lũ vừa qua

Phương án đã có

Khái niệm “lũ rừng ngang” được hiểu là nước lũ từ thượng nguồn các huyện Lương Sơn, Kim Bôi… (tỉnh Hòa Bình) đổ về, kết hợp với lượng nước mưa trên địa bàn.

Một số xã thuộc huyện Chương Mỹ có đặc điểm địa hình gò đồi phức tạp, xen kẽ các vùng thấp, trũng, nhiều khu vực chỉ có cao độ từ +4m đến +8m; mặt cắt dòng sông Tích, sông Bùi nhỏ; mực nước tại sông Đáy (nơi tiếp nhận lũ từ sông Bùi) ở mức cao, gây khó khăn cho việc tiêu thoát.

Huyện Chương Mỹ vốn nằm trong lưu vực sông Bùi, khi mưa lớn nước lũ lên rất nhanh gây ngập lụt.

Bàn về giải pháp phòng chống lũ rừng ngang, trước đây, đề tài “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tiêu úng và phòng chống lũ rừng ngang khu vực hữu sông Bùi thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ” đã được đưa ra tại hội thảo do Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức.

Theo đó, để giảm thiểu thiệt hại do lũ rừng ngang gây ra, nhóm nghiên cứu cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận về phòng chống lũ. Đó là, dành không gian để chứa nước; từ chống lũ triệt để sang né tránh, thích nghi; từ tiêu úng tập trung sang phân tán.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các phương án di dân tại chỗ một phần thôn Bùi Xá (xã Thủy Xuân Tiên); nâng cấp hệ thống đường, trường, trạm đảm bảo cao độ chống lũ. Đặc biệt, không xây dựng kênh cắt lũ, chỉ xây dựng đê ngăn và cải tạo sông, suối để tăng cường khả năng thoát lũ; xây dựng đê hữu Bùi thành 4 khu vực khép kín, có kết nối dọc sông Bùi để quản lý, ứng phó với cao trình đê chống lũ từ 7m đến 8m; xây dựng trạm phân tán, tiêu nước triệt để. Các chuyên gia đồng ý nhóm giải pháp của đề tài, đồng thời đề nghị nhóm nghiên cứu lấy mức ngập lụt năm 2018 làm cơ sở xây dựng phương án, làm rõ hơn các giải pháp công trình và phi công trình trong phòng chống lũ.

Lũ lụt những ngày qua đã khiến 6.345m đê thuộc địa bàn 12 xã tại Chương Mỹ ngập trong nước; 24 thôn, xóm bị ngập từ 0,5 đến 2m. Chính quyền địa phương phải sơ tán 3.754 nhân khẩu; hơn 5.000 nhân khẩu cần cứu trợ

Chia sẻ về đề tài này, ông Nguyễn Duy Du - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống thiên tai Hà Nội cho biết, đây là đề tài cấp thành phố do các chuyên gia thuộc Viện Quy hoạch thủy lợi chủ trì, thực hiện. Đề tài đã được Sở Khoa học và công nghệ Hà Nội tổ chức thẩm định, nghiệm thu thời gian vừa qua.

“Đề tài được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, có tính thực tiễn. Nếu các kết quả của đề tài được ứng dụng sẽ có vai trò và ý nghĩa quan trọng, kết hợp với một số giải pháp khác có thể giải quyết được phần nào tình trạng ngập lụt xảy ra trong những năm gần đây tại địa bàn huyện Chương Mỹ” - ông Nguyễn Duy Du cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Du, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo phức tạp, cực đoan và khó lường. Lũ rừng ngang luôn tiềm ẩn nguy cơ cho khu vực, chưa có các công cụ dự báo, cảnh báo sớm, địa hình dốc, hẹp nên cũng không thể cắt được hoàn toàn lũ rừng ngang.

Công tác triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài theo quy hoạch và theo chỉ đạo của thành phố còn gặp khó khăn do có khối lượng, kinh phí lớn, cần sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành và đặc biệt là sự đồng thuận của người dân khu vực ngập lụt khi phải thực hiện giải pháp di dời một phần dân cư ở nhưng vùng trũng thấp.

Hướng tới giải pháp căn cơ

Trước khi có những giải pháp toàn diện của thành phố, mong mỏi của người dân huyện Chương Mỹ là được đầu tư xây dựng con đường tránh lũ (từ thôn Nhân Lý xã Nam Phương Tiến, đến thôn Phương Hạnh xã Tân Tiến) dài khoảng 2km, chiều rộng 7m, cao trình khoảng 6,5m. Nếu có được con đường này, việc sống chung với lũ của người dân sẽ dề dàng hơn rất nhiều.

Về điều này, ông Nguyễn Duy Du khẳng định, việc đầu tư các dự án công trình đường giao thông trong khu vực phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, cũng là một trong những giải pháp phòng chống lũ quan trọng.

Hiện tại, thành phố cũng đã chỉ đạo các ngành có liên quan rà soát các danh mục công trình phòng chống lũ cần đầu tư, trong đó có các công trình đường cứu hộ cứu nạn.

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân gây ngập úng hiện nay ở Hà Nội và một số nơi là do việc nghiên cứu, xây dựng quy hoạch chưa tính toán thật sát với tốc độ phát triển đô thị.

Trước đây, quy hoạch của thành phố chưa được làm bài bản, chủ yếu định hướng về quy hoạch phát triển đô thị, các hạ tầng dịch vụ, dân cư, nhưng chưa đảm bảo yếu tố lâu dài. Cần phải có nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách bài bản, trong đó đề nghị nâng cấp hệ thống thoát nước của các đô thị.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: “Thực tế, Hà Nội đã quy hoạch hệ thống thoát nước từ năm 2010. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu lại do sự biến đổi thời tiết, do sự đô thị hóa quá nhanh khiến cho quy hoạch này có phần lạc hậu”.

Nói về giải pháp chống ngập úng, tiêu thoát nước cho Hà Nội nói chung, các chuyên gia đều bàn đến các giải pháp công trình và phi công trình. Đây là những giải pháp mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng và một số đô thị ở Việt Nam cũng áp dụng thành công.

Về giải pháp công trình, Hà Nội có thể chia khu vực thành lưu vực nhỏ để đường kính cống phải làm giảm xuống, phân tán lượng nước tập trung; phải cho nước mưa thấm xuống đất tối đa, đi qua hệ thống nước ngầm như qua các thảm cỏ, vừa chống suy thoát nước ngầm, vừa giảm lượng nước mưa tập trung vào cống gây úng ngập.

Ở các khu vực thiếu hồ điều hòa, có thể xây dựng thêm bể ngầm chứa nước mưa. Hệ thống cống, kênh, mương phải kết nối, xây dựng đầy đủ từ trên cao xuống thấp, đủ năng lực thoát nước. Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ thông tin, cái giải pháp chuyển đổi số dự báo.Một phần quan trọng nữa là sự thích ứng của người dân.

Thành phố cần có nguồn lực kinh tế để thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình và có sự ưu tiên. Nếu như giải quyết đồng bộ các tiêu chí đó, Hà Nội có thể giải quyết được căn cơ tình trạng úng ngập của thành phố.

P.H

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thay-doi-de-thich-nghi-va-giam-thieu-thiet-hai-post585692.antd