Khẩn trương ứng phó lũ lớn trên sông ở Hà Nội

Trước tình hình thời tiết, thiên tai cấp bách, sáng 10-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương về công tác ứng phó.

Nước sông lên cao, nhiều điểm úng ngập

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến công tác ứng phó mưa bão, lũ lớn trên các sông trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Mai

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến công tác ứng phó mưa bão, lũ lớn trên các sông trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Mai

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Sáng 10-9, lũ trên sông Thao tại Bảo Hà, Yên Bái đang lên; lũ trên sông Lô (Tuyên Quang), sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Hồng (Hà Nội) cũng đang lên nhanh. Mực nước các sông trên địa bàn Hà Nội hiện đang ở mức cao: Sông Tích, sông Bùi, sông Cầu trên báo động 3; sông Cà Lồ trên báo động 2, sông Đáy trên báo động 1; mực nước sông Hồng tại An Cảnh lúc 9h là 7,23m (mực nước báo động I là 7,0m).

Tại thời điểm 6h30 ngày 10-9, trên địa bàn thành phố còn một số điểm úng ngập ở lưu vực sông Tô Lịch: Vĩnh Hưng, đường 2,5 hồ Đền Lừ, Thái Hà, Quan Nhân, Triều Khúc. Lưu vực sông Cầu Bây trên địa bàn huyện Quốc Oai ngập úng 5 xã, với 109 hộ (Cấn Hữu 50 hộ; Phú Cát 8 hộ; Liệp Tuyết 23 hộ; Tuyết Nghĩa 10 hộ, Đông Yên 18 hộ). Trên địa bàn huyện Chương Mỹ ngập úng 3 thôn: Bùi Xá (xã Thủy Xuân Tiên), Đồng Dâu (xã Tốt Động), Khôn Duy (xã Hữu Văn), với 273 hộ.

Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm 7h ngày 10-9, diện tích lúa bị đổ là 24.842ha; lúa bị ngập 2.476ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 4.046ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 3.924ha, thủy sản bị ảnh hưởng 453ha; nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng 69.550m2; gia súc chết 29 con; gia cầm chết, thất lạc 37.508 con; cây xanh gãy đổ 110.133 cây (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác)..

Mức nước sông Hồng qua khu vực Hà Nội lên nhanh.

Mức nước sông Hồng qua khu vực Hà Nội lên nhanh.

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, mực nước sông Bùi đang trên báo động III, mực nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng 10-40cm. Các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng như: Xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ. Các khu dân cư ở bãi dọc sông Bùi cũng bị ngập.

Tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, do nước dâng xóm Ngoài Đê và xóm Minh Khai, thôn Đĩnh Tú có 29 hộ và xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ có 24 hộ (230 nhân khẩu) nước đã ngập sân nhà dân.

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, trên địa bàn xã Cần Kiệm, sông Tích dâng làm ngập 27 hộ với 90 nhân khẩu khu vực ngoài đê; xã Lại Thượng có 17 hộ với 67 nhân khẩu và xóm Đò, xóm Bến, thôn Lại Thượng bị ngập đường giao thông ngõ, xóm. Các hộ dân đã chủ động kê kích tài sản, đồ đạc và khắc phục sinh hoạt, hiện tại chưa phải di dời.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, nhiều diện tích lúa, chuối, thủy sản của huyện đã bị ngập, nhiều diện tích bị mất trắng. Mưa lớn dẫn đến úng ngập cục bộ một số địa bàn, đặc biệt là xã Vật Lại 50 hộ dân bị ngập, hiện chính quyền địa phương đang hỗ trợ sơ tán đến nơi an toàn. Tại xã Minh Châu, 5 tàu neo đậu trên sông Hồng đã làm hư hỏng tuyến đường ống dẫn nước sạch về xã, nên huyện đang cho sửa. Huyện Ba Vì kiến nghị, hồ suối Hai mực nước rất cao, đề nghị thành phố cho phép phân luồng giao thông bờ đập suối Hai để bảo đảm an toàn đập...

Bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân

Kết luận hội nghị, cho biết hiện tại, công tác phòng, chống lụt bão ở Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát và các địa phương đã rất chủ động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, tiếp tục chủ động từ sớm, từ xa; thực hiện đúng phương châm "4 tại chỗ" để giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt về người.

Nước lũ sông Bùi vượt báo động cấp III, tràn vào khu dân cư xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).

Nước lũ sông Bùi vượt báo động cấp III, tràn vào khu dân cư xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).

Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Xây dựng huy động lực lượng xử lý cây xanh nhanh nhất để “bộ mặt” đô thị trở lại như bình thường. Sở Y tế và cấp ủy, chính quyền các địa phương chủ trì tổ chức thăm hỏi, động viênhộ dân bị thiệt hại do bão số 3.

Các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai, lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý các địa phương có sông, nhất là khu vực vùng bãi sông Hồng, đặc biệt quan tâm hỗ trợ người dân, bảo đảm an toàn cao nhất về con người. Các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai thường xuyên bị ngập lụt do lũ rừng ngang và nước sông Bùi, sông Tích dâng cao; một số khu dân cư ven sông Hồng... cần có phương án di dời khi có nguy cơ.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm được tình hình mưa lũ để không bị động, bất ngờ; chủ động các phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức, Quốc Oai có đồi núi cao, khi có nguy cơ sạt lở, phải tổ chức di dời dân ngay.

Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý, phải tính toán kỹ hơn các vấn đề như tái định cư cho các hộ dân sống ở khu vực ven sông thường xuyên bị ảnh hưởng bằng các cơ chế đặc thù để bà con ổn định đời sống.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy:
Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Mai

Bà Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam huyện Đan Phượng. Ảnh: Nguyễn Mai

Huyện Đan Phượng có nhiều xã ven sông Hồng, như: Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng, Hồng Hà, Trung Châu, Thọ An… Trước tình hình nước sông Hồng lên cao, huyện Đan Phượng đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động lực lượng tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân vạn chài ở 2 xã: Hồng Hà, Trung Châu và các hộ dân sống ven sông di dời người và tài sản về nơi an toàn.

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã nắm tình hình tại các cơ sở Hội, huy động Ban Chấp hành và hội viên nòng cốt sẵn sàng tham gia cùng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền đến nhân dân về diễn biến nước sông và kỹ năng phòng tránh, bảo đảm an toàn về người và tài sản; thu hoạch sớm các loại nông sản và di dời 28 hộ chăn nuôi ngoài bãi sông về nơi an toàn.

Ngay trong sáng 10-9, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng đã hỗ trợ nông dân các xã: Hồng Hà, Trung Châu thu hoạch rau, chuối và các hoa màu bên bãi sông. Hội cũng kêu gọi nhân dân mua ủng hộ bà con vùng ngập lũ và đã bán hết nông sản trong buổi trưa. Công tác hỗ trợ vẫn đang được tiếp tục, nhằm hỗ trợ tối đa cho nhân dân khu vực ảnh hưởng ổn định đời sống và giảm thiệt hại.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Trần Hùng:
Ứng trực 24/24h để xử lý các sự cố

Ông Trần Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai. Ảnh: Hoàng Sơn

Ông Trần Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai. Ảnh: Hoàng Sơn

Do nước sông Tích lên cao đã gây ngập úng 5 xã: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên với 117 hộ, 427 nhân khẩu. Để chủ động ứng phó với lũ và mưa lớn có thể xảy ra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, như: Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp tình hình cụ thể tại địa phương; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; đặc biệt lưu ý các xã: Đông xuân, Phú Mãn, Đông Yên, Phú Cát, Đồng Quang, Cộng Hòa - nơi có các sườn đồi, tập trung đông dân cư.

Đối với các xã có sự cố về đê, như: Cấn Hữu, Tuyết Nghĩa, Phú Cát, Sài Sơn, Đồng Quang, Tân Hòa…, huyện đã sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Đồng thời, huyện tổ chức trực ban 24/24h theo dõi chặt chẽ tình hình, tổng hợp toàn diện tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, bão, lũ, thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Viết Tân:
Khẩn trương sơ tán người và tài sản

Ông Nguyễn Viết Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Kim Nhuệ

Ông Nguyễn Viết Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Kim Nhuệ

Các cấp chính quyền và người dân vùng rốn lũ Hoàng Văn Thụ vừa dồn lực khắc phục hậu quả cơn bão số 3, vừa khẩn trương chủ động sơ tán người, tài sản phòng tránh lũ rừng ngang.

Đến hết ngày 10-9, xã Hoàng Văn Thụ đã sơ tán được 64 hộ, 265 nhân khẩu ở 5 thôn: Thuần Lương, Văn Phú, Văn Sơn, Hòa Bình, Yên Trình đến nơi an toàn và vẫn đang tiếp tục di chuyển người và tài sản cho người dân. Hình thức sơ tán chủ yếu tại chỗ, nhà thấp trũng lên cao, nhà yếu đến nhà kiên cố. Ngoài ra, xã còn 2 điểm sơ tán ở thôn Văn Phú và Văn Sơn. Xã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về mực nước, dự báo mực nước lũ. Các tiểu ban đến từng hộ gia đình vận động, hỗ trợ nhân dân sơ tán người đến nơi an toàn. Hiện tại, các hộ dân vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt cao đã di chuyển tài sản.

Trước đó, xã Hoàng Văn Thụ đã huy động 120 người là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và phương tiện, vật tư đắp bao đất chống tràn 200m đê Bùi 2; đồng thời, triển khai phương án sơ tán người và tài sản.

Nguyễn Mai

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khan-truong-ung-pho-lu-lon-tren-song-o-ha-noi-677467.html