Thay đổi để thích ứng

Cả nhân loại đón Năm mới 2022 trong bối cảnh thật đặc biệt: Cuộc sống đảo lộn với bao thử thách khó khăn, sự đoàn viên dịp đầu năm mới cũng phải đặt trong phạm trù bình thường mới khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến thể Omicron.

Tấm bảng của phường Hàng Trống phía ngoài Nhà thờ Lớn yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm thông điệp 5K để phòng dịch. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tấm bảng của phường Hàng Trống phía ngoài Nhà thờ Lớn yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm thông điệp 5K để phòng dịch. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Đại dịch COVID-19 đã gây ra quá nhiều hệ lụy cho toàn thế giới trong vòng 2 năm qua và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi bình diện của đất nước ta. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tình hình phòng, chống dịch nước ta đã có chuyển biến quan trọng. Đến nay, hầu hết các địa phương vẫn duy trì hợp lý các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nơi đủ điều kiện, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và có nhiều chuyển biến tích cực trong ổn định đời sống nhân dân, phục hồi và tiếp tục phát triển kinh tế-xã hội.

Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế được đẩy mạnh rõ rệt theo hướng coi trọng hơn thị trường và củng cố các chuỗi cung ứng trong nước; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác. Hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, giải trí online ngày càng trở nên phổ biến và thường xuyên hơn trên cả nước.

Nhìn tổng thể, năm 2021 các điều kiện nền tảng của đất nước vẫn vững mạnh, lượng dự trữ ngoại hối tăng cao, tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát…, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Standard & Poor's và Fitch đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên "tích cực" kể từ khi đại dịch bùng phát. Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vinh danh phố cổ Hội An là “Điểm đến thành phố du lịch văn hóa hàng đầu châu Á”, vinh danh Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là “Điểm tham quan hàng đầu châu Á”; một số địa chỉ khác cũng được vinh danh là “Điểm đến du lịch bền vững hàng đầu châu Á” và “Công viên quốc gia hàng đầu châu Á”.

Các hàng quán khu vực phía trước Nhà thờ Lớn phần lớn đã tự đóng cửa do chỉ được bán hàng mang về và mở cửa đến 21h. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Các hàng quán khu vực phía trước Nhà thờ Lớn phần lớn đã tự đóng cửa do chỉ được bán hàng mang về và mở cửa đến 21h. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Những thành công có được trong năm qua là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chuyển hướng từ vừa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vừa phân công, phân cấp, phân quyền, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh; triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp y tế từ công tác xét nghiệm, điều trị, giảm số người tử vong, tiêm vaccine, đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; quản lý, kêu gọi, tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch…

Việt Nam đã chuyển sang chiến lược mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, đó là hướng tới cuộc sống “bình thường mới”, chủ động thích ứng linh hoạt và sống an toàn giữa đại dịch. Hàng loạt sự kiện quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Những thích ứng linh hoạt, quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, sự thay đổi mạnh mẽ, từ tư duy, nhận thức tới thói quen, lối sống của mỗi người được coi là sự thay đổi phù hợp, cần thiết trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn là mối đe dọa tiềm tàng.

Minh chứng là kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, quyết định dừng bắn pháo hoa, hạn chế các sự kiện tụ tập đông người, đồng thời với đẩy mạnh các biện pháp thiết thực phòng chống dịch bệnh… của Thủ tướng Chính phủ đã được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.

Có thể cảm nhận được, không khí dịp đầu năm mới có phần ít sôi động và còn tiềm ẩn những âu lo bởi làn sóng dịch COVID-19 được dự báo chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn. Nhưng trong trạng thái bình thường mới đã giúp chúng ta biết chấp nhận, đón năm mới với sự giản dị, trách nhiệm với cộng đồng.

Hà Nội triển khai thực hiện cách ly F0 tại nhà. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Hà Nội triển khai thực hiện cách ly F0 tại nhà. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Đặt trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xuất hiện tình trạng “siêu lây nhiễm” do biến chủng mới Omicron xuất phát từ các hoạt động tập trung đông người, thì sự cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh ở nước ta vào dịp Tết, các hoạt động lễ hội vào đầu năm mới là hoàn toàn có cơ sở. Đó cũng là lời nhắc nhở, là sự cẩn trọng cần thiết khi số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước thời gian gần đây có ngày ở mức trên dưới 17.000 người.

Năm 2022, cuộc chiến chống dịch COVID-19 dự báo vẫn tiếp tục cam go, nhiều sự kiện lớn có thể phải dừng hoặc tổ chức trực tuyến, người dân có thể vẫn phải thực hiện giãn cách... Tuy nhiên, Việt Nam đang ngày càng thích ứng hiệu quả với một cuộc sống bình thường mới. Một năm đầy sóng gió đã đi qua và mỗi chúng ta có quyền hy vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến, đất nước sẽ bình an đi qua đại dịch COVID-19.

Yến Nhi

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/thay-doi-de-thich-ung-20220105062336102.htm