Thay đổi để thu phục học trò

Trên bước đường đổi mới toàn diện GD hiện nay, thầy cô thay đổi cách quản lý, yêu quý, tôn trọng và công bằng sẽ đem lại hạnh phúc cho người học.

Tiết học thực hành của cô và trò Trường THCS Yên Ninh (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh minh họa: ITN

Tiết học thực hành của cô và trò Trường THCS Yên Ninh (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh minh họa: ITN

Làm chủ lớp học

Học sinh phổ thông có những lời lẽ và hành vi thô bạo, phản giáo dục với thầy, cô giáo là hiện tượng đáng báo động trong các nhà trường. Bên cạnh nguyên nhân do các em chưa được gia đình, nhà trường quan tâm sâu sát, còn có yếu tố chủ quan là năng lực quản lý lớp học của giáo viên.

Quản lý lớp học là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm chất lượng giáo dục trong giờ học chính khóa hay ngoại khóa. Qua đó, giáo viên nắm bắt, ngăn chặn những hành vi trái quy định, vi phạm đạo đức và việc thực hiện nội quy, quy định của học sinh. Quản lý lớp học là công việc bắt buộc của tất cả cán bộ, giáo viên góp phần xây dựng và phát triển, thực hiện và hoàn thành mục tiêu giáo dục. Giáo viên, dù chủ nhiệm hay bộ môn, trừ sự cố bất khả kháng, đều phải chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng về quản lý học sinh.

Do vậy, ngoài chuẩn bị chu đáo kế hoạch bài học, thầy cô cần tìm hiểu, gần gũi học sinh, nắm thông tin và nếu có sự khác lạ, cần xử lý từng bước: Trao đổi với học sinh, giáo viên chủ nhiệm và báo tổ trưởng, ban giám hiệu hoặc phụ huynh (tùy tình huống). Khi có tình huống giáo dục, nếu các phương pháp xử lý bằng kỷ luật tích cực hoặc bắt buộc không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường giáo dục và thầy cô. Bình tĩnh và tìm cách kiểm soát lớp học, tránh tình hình diễn biến nghiêm trọng hơn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Quản lý lớp học thế nào?

Lớp học là một tập hợp nhiều học sinh. Trong tập thể ấy, mỗi trò có cá tính riêng biệt, hoàn cảnh sống và gia đình khác nhau nên quản lý lớp học cần linh hoạt. Không có phương pháp quản lý học sinh nào tốt nhất và cũng không có nhà giáo nào quản lý học sinh giỏi nhất.

Đối tượng giáo dục phổ thông là trẻ em, thiếu nhiều kỹ năng và rất yếu thế trước cuộc đời. Mỗi em mỗi cá tính và hoàn cảnh, càng nhỏ tuổi càng hiếu động và không dễ “điều khiển”. Vì vậy, mỗi lời nói hay việc làm của thầy cô đều có nguy cơ bị trò biến thành trò vui cười trong giờ học.

Học sinh ngủ, không quan tâm, không sách vở, không ghi bài hoặc làm việc riêng trong giờ…, thầy cô môn nào cũng gặp, chỉ là ít hay nhiều. Nóng vội trách mắng hoặc “dọa” báo bố mẹ, báo nhà trường có thể làm trò lo sợ và phản ứng gay gắt. Đặc biệt, thầy cô không làm chủ được cảm xúc, đấu khẩu với trò càng nguy hiểm. Với trò cá biệt, hình phạt ít phát huy tác dụng. Kỹ năng kiềm chế, trì hoãn, hướng số đông vào hoạt động chính để kết thúc giờ học rất quan trọng. Lắng nghe và thấu cảm sẽ tạo nên sự khách quan, công bằng, học trò thấy mình được tôn trọng tất nhiên nghe thầy cô. Cảm hóa từng học trò cá biệt là cách tốt nhất để thu phục cả tập thể học trò.

Từ vụ việc diễn ra trong trường học lâu nay cho thấy, quan niệm về học sinh cá biệt có thiên hướng về quy kết. Học trò có cá tính hay “cãi” nên thầy cô xếp nhóm cá biệt thì thật không công bằng. Năng lực ứng xử mau lẹ, tố chất thông minh của trò cá tính khác hẳn những trò không muốn học, làm gì nói gì tùy thích. Tôi nghĩ, “lớp chọn”, “lớp dốt nhất, lười nhất” trong nhà trường có thể tạo ra phân biệt và không bình đẳng. Bố mẹ và con học “lớp đặc biệt” gần như mất động lực phấn đấu: “Con học gì đâu, cho xong rồi đi làm. Em hết cách rồi…”. Bởi vậy, bình đẳng trong quản lý, giáo dục sẽ tránh được mặc cảm phân biệt, học sinh sẽ thấy mình được tôn trọng và có trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình…

Theo kinh nghiệm cá nhân, quản lý lớp học, giáo viên chủ nhiệm lợi thế hơn. Không phải quyền xếp loại hạnh kiểm mà vì chủ nhiệm luôn gần gũi, chia sẻ và đồng tình đã chiếm được cảm mến. Giáo viên bộ môn, nếu không khéo léo, linh hoạt quản lý lớp sẽ dễ dẫn đến thầy trò không hiểu nhau. Sự việc trò bỏ ra ngoài, không thực hiện yêu cầu và tấn công cô giáo ở Trường THCS Văn Phú (Sơn Dương, Tuyên Quang) là sai phạm đạo đức nghiêm trọng. Sự cố này cho người dạy học kinh nghiệm xương máu, thầy cô nên gặp gỡ, tạo thân thiện để thầy trò hiểu nhau. Thấu hiểu và tôn trọng học sinh cá tính sẽ cho các thầy cô quyền lực của người thầy, người cha.

Thiết nghĩ, ai đã chọn nghề nào phải chuyên chú nghề đó. Những hiểu biết về trò sẽ giúp thầy cô điều chỉnh cách tiếp xúc, phương pháp dạy học và cách lôi kéo trò cá biệt quỹ đạo học đường. Trên bước đường đổi mới toàn diện giáo dục hiện nay, thầy cô thay đổi cách quản lý học sinh.

Yêu quý, tôn trọng và công bằng sẽ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho học trò. Học trò hạnh phúc, thầy, cô giáo sẽ hạnh phúc.

Nguyễn Văn Lự

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-doi-de-thu-phuc-hoc-tro-post669442.html