Thay đổi định kiến về giới
Sau bốn năm triển khai chuỗi hoạt động về xóa bỏ định kiến và bình đẳng giới, đã có hơn 11 triệu người tiếp cận những thông điệp thách thức các định kiến giới có hại, chia sẻ kiến thức và thúc đẩy những quan điểm và hành động hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo tổng kế Dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” do Oxfam tại Việt Nam và Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn (CISDOMA) tổ chức ngày 26/3.
Theo Oxfam, dự án được triển khai trong vòng bốn năm, từ năm 2020-2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, góp phần xóa bỏ các khuôn mẫu và định kiến giới phổ biến về vai trò của nam và nữ giới trong gia đình và xã hội, khả năng lãnh đạo của nữ giới, và khuôn mẫu nam tính độc hại thông qua tăng cường lồng ghép giới trên truyền thông đại chúng.
Dự án với sự tham gia của hơn 14.000 thanh niên và sinh viên tại một số trường đại học trong khối ngành báo chí-truyền thông-quảng cáo. Đồng thời với đó là sự thay đổi trong lồng ghép giới vào hoạt động truyền thông quảng cáo từ 50 doanh nghiệp và công ty sáng tạo nội dung cùng 19 cơ quan báo chí trên cả nước.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, tổ chức Oxfam tại Việt Nam, chia sẻ: “Dự án đã đạt được và vượt xa mong đợi, các kết quả của dự án có ý nghĩa lớn thể hiện tinh thần giới trẻ Việt Nam trong việc xóa bỏ định kiến giới trong đời sống xã hội và trên các phương tiện truyền thông đại chúng”.
Truyền thông, đặc biệt là truyền thông đại chúng, có ảnh hưởng lớn tới việc hình thành quan điểm và thực hành trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, theo nghiên cứu đầu vào của Dự án cho thấy, ở Việt Nam, phim ảnh, các chương trình phát thanh, truyền hình, quảng cáo, truyền thông xã hội và các loại hình văn hóa đại chúng khác thể hiện những khuôn mẫu và định kiến về giới một cách khá phổ biến; đặc biệt là việc đóng khung vai trò giới, định kiến về khả năng lãnh đạo của phụ nữ và khuôn mẫu về nam tính của đàn ông.
Dự án đã triển khai cách tiếp cận toàn diện thông qua sự kết nối hành động giữa ba nhóm: thanh niên, báo chí, và truyền thông quảng cáo của doanh nghiệp.
Bà Kristina Bunde, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đánh giá Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với EU, đây là dự án duy nhất về chủ đề giới có sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ, các nhà báo, khu vực tư nhân tham gia. Dự án khai mở tiềm năng của giới trẻ để giải quyết một trong những thách thức lớn trong nhận thức.
Được biết, các chiến dịch truyền thông xã hội mang tên Genderation - Thế hệ bình đẳng giới của Dự án đã tạo không gian thu hút nhiều thảo luận cởi mở của thanh niên về các định kiến giới. Dự án còn có sự đồng hành của năm trường đại học là Học viện Phụ nữ, Đại học Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Đà Nẵng, và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thay-doi-dinh-kien-ve-gioi-423237.html