Thay đổi quan trọng, nhưng vô hình trên iPhone 16e

iPhone 16e là thiết bị đầu tiên dùng modem 5G do Apple tự phát triển, bước tiến lớn trong chiến lược thoát phụ thuộc Qualcomm.

iPhone 16e được Apple ra mắt vào ngày 19/2. Đây được xem là bản nâng cấp cho iPhone SE thế hệ thứ 3. Bên cạnh thiết kế, màn hình hay chip xử lý, thiết bị có một thay đổi quan trọng nhưng “vô hình” với người dùng.

Bên trong iPhone 16e là modem 5G đầu tiên do Apple tự phát triển, dùng để gọi điện và kết nối mạng. Đây là thành quả mới nhất trong nỗ lực dài hơi của Táo khuyết nhằm tự chủ công nghệ, không phải trả hàng tỷ USD mỗi năm cho Qualcomm.

Tại Mỹ và một số thị trường khác, iPhone 16e sẽ lên kệ vào cuối tháng 2 với giá khởi điểm 600 USD. Con số này cao hơn so với iPhone SE 3 năm 2022 (430 USD).

Phép thử của Apple

Từ khi ra mắt năm 2016, iPhone SE được định vị là smartphone giá phải chăng, không có nhiều tính năng cao cấp so với dòng iPhone tiêu chuẩn hay Pro. Doanh số iPhone SE cũng không quá cao. Theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, dòng máy này chỉ chiếm 1% tổng doanh số iPhone năm 2024, rất cần bản nâng cấp để tăng sức hút.

“Với thiết kế nhỏ gọn và giá thấp hơn, iPhone SE phù hợp những người thích điện thoại nhỏ nhưng cấu hình cao. Model này đặc biệt phổ biến tại Nhật Bản và phân khúc trả trước ở Mỹ”, nhà phân tích Varun Mishra cho biết.

 Thiết kế của iPhone 16e. Ảnh: Apple.

Thiết kế của iPhone 16e. Ảnh: Apple.

Nhìn chung, doanh số iPhone SE không quá cao. Do đó, bản kế nhiệm (iPhone 16e) sẽ giúp Apple thử nghiệm modem 5G trên quy mô nhỏ, trước khi đưa lên các model phổ biến hơn.

“Đây là một phép thử. Apple muốn thu thập dữ liệu thực tế về độ hiệu quả của modem trước khi đưa vào iPhone 17”, Edward Snyder, CEO Charter Equity Research, chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực mạng không dây, trả lời WSJ.

Snyder dự kiến 20% lượng iPhone 17 bán ra vào cuối năm sẽ tích hợp modem Apple. Những thiết bị còn lại vẫn dùng chip di động do Qualcomm cung cấp. Nếu modem Apple hoạt động đủ tốt, Snyder dự đoán công ty sẽ hoàn toàn “chia tay” Qualcomm trong khoảng 2 năm tới.

Đồng quan điểm, Ben Bajarin, CEO công ty nghiên cứu Creative Strategies, nhận định modem Apple sẽ không tích hợp mọi tính năng giống Qualcomm, nhưng có thể giúp công ty thử nghiệm trước khi tích hợp lên các sản phẩm khác, kể cả iPad hay Mac.

Bí mật bên trong Apple C1

Modem 5G nằm trong hệ thống phụ được Apple đặt tên C1, chứa các thành phần quan trọng như bộ xử lý và bộ nhớ. Về cơ bản, modem rất khó sản xuất do phải tương thích hàng trăm nhà mạng. Chỉ có Qualcomm, MediaTek, Samsung hay Huawei là những cái tên nổi bật trong lĩnh vực.

 iPhone 16e và modem C1 được thử nghiệm tại cơ sở nội bộ của Apple. Ảnh: Reuters.

iPhone 16e và modem C1 được thử nghiệm tại cơ sở nội bộ của Apple. Ảnh: Reuters.

Việc đưa modem 5G tự phát triển lên iPhone 16e là bước đầu trong chiến lược giảm phụ thuộc vào Qualcomm, công ty bị Apple coi là kẻ thù trong thời gian dài.

“C1 giúp mở rộng các lợi ích của Apple silicon. Đó là modem đầu tiên do Apple thiết kế và là modem tiết kiệm điện nhất từng có trên iPhone, mang lại kết nối di động 5G nhanh và đáng tin cậy”, Apple giới thiệu chip C1 trong bài ra mắt iPhone 16e.

Dựa trên thông báo của Apple, trang tin 9to5Mac nhận định lý do khiến công ty muốn thay thế Qualcomm một phần đến từ mức tiêu thụ năng lượng. Hãng công bố thời lượng pin của iPhone 16e dài hơn 6 tiếng so với iPhone 11, và 12 tiếng so với tất cả thế hệ iPhone SE.

Phí bản quyền cũng là yếu tố khiến Apple muốn độc lập sản xuất modem 5G. Tuy nhiên, “kết nối di động 5G nhanh và đáng tin cậy” sẽ là yếu tố then chốt.

Theo Reuters, C1 là hệ thống phụ phức tạp nhất mà Apple từng chế tạo, gồm modem băng tần sản xuất trên tiến trình 4 nm, và bộ thu phát tín hiệu sản xuất bằng quy trình 7 nm.

Tại cơ sở thử nghiệm của Apple, Johny Srouji, Phó chủ tịch cấp cao về Công nghệ Phần cứng, cho biết modem được thử nghiệm với 180 nhà mạng ở 55 quốc gia để đảm bảo hoạt động tại mọi thị trường mà công ty phân phối sản phẩm.

“Chúng tôi xây dựng nền tảng cho nhiều thế hệ. C1 là bước khởi đầu và chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến, đưa nó trở thành yếu tố khác biệt của công ty với công nghệ này”, Srouji nhấn mạnh.

 Hộp thử nghiệm modem C1 bằng cách mô phỏng nhiều điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau. Ảnh: Reuters.

Hộp thử nghiệm modem C1 bằng cách mô phỏng nhiều điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau. Ảnh: Reuters.

Một trong những điểm khác biệt được Apple chia sẻ gồm cách tích hợp chặt chẽ C1 với bộ xử lý của iPhone.

Ví dụ, nếu iPhone gặp tình trạng nghẽn mạng, bộ xử lý có thể gửi đến modem danh sách lưu lượng nhạy cảm nhất về thời gian để ưu tiên chúng trước các luồng dữ liệu khác, tạo cảm giác kết nối mạng nhanh hơn với người dùng.

C1 cũng trang bị hệ thống GPS tùy chỉnh và kết nối vệ tinh, cho phép liên lạc khi không có mạng di động. Dù vậy, con chip thiếu vài tính năng như băng tần mmWave, một trong những thế mạnh của Qualcomm.

Đại diện Apple không tiết lộ kế hoạch tích hợp mmWave, cũng như lộ trình sử dụng modem cho những thiết bị khác.

Làm chip không phải để cạnh tranh

Những năm gần đây, Apple phụ thuộc Qualcomm cho modem di động, song phản đối tiền bản quyền phải trả hàng năm. Năm 2017, Apple kiện Qualcomm về quy định cấp phép, cho rằng các điều khoản của hãng chip “phiền phức, vô lý và tốn kém”.

Hai bên giải quyết xong vụ kiện vào năm 2019. Ngay sau đó, Apple khởi động lại dự án sản xuất modem riêng (tên nội bộ Project Sinope) bằng cách mua lại bộ phận modem tại Intel, đối tác chip lớn của Táo khuyết thời điểm ấy.

Năm 2023, WSJ đưa tin đội ngũ chip tại Apple phải chạy đua thời gian cho dự án modem 5G, trong khi tốc độ có thể không nhanh bằng các dòng chip mới của Qualcomm. Trả lời phỏng vấn Fortune, phát ngôn viên Qualcomm nhấn mạnh modem của công ty được dùng trên nhiều smartphone hàng đầu thị trường.

“Những smartphone thương mại tốt nhất hiện nay sử dụng hệ thống modem RF 5G-Advanced mới nhất của chúng tôi, trang bị AI để tối ưu hóa cho các công nghệ mạng nhanh, dung lượng cao nhất tại mọi quốc gia”, người này cho biết.

 Thiết kế của iPhone 16e. Ảnh: Apple.

Thiết kế của iPhone 16e. Ảnh: Apple.

Nói với nhà đầu tư, các lãnh đạo Qualcomm ước tính thị phần modem cung cấp cho Apple sẽ giảm từ 100% (hiện tại) xuống thấp nhất 20% vào năm tới.

Trong hơn 10 năm qua, Apple đã thành công trong chế tạo chip xử lý, thành phần quan trọng của smartphone, tablet và máy tính. Tuy nhiên, công ty không lường trước những khó khăn khi phát triển modem 5G.

Kể cả khi phát triển C1, Apple vẫn phải trả phí bản quyền cho Qualcomm. Nhà phân tích Edward Snyder dự đoán đây sẽ là chủ đề nóng trong những năm tới, đặc biệt khi 2 công ty vẫn có thỏa thuận cấp phép đến tháng 3/2027.

Theo Reuters, cổ phiếu Qualcomm tăng khoảng 1% sau khi Apple ra mắt iPhone 16e. Theo Johny Srouji, mục tiêu của công ty không phải bắt kịp thông số kỹ thuật, thay vào đó là thiết kế sản phẩm phù hợp nhu cầu.

“Chúng tôi không phải nhà cung cấp thương mại để cạnh tranh Qualcomm, MediaTek hay những công ty khác. Tôi tin rằng Apple đang xây dựng thành phần thực sự khác biệt, mang đến lợi ích cho khách hàng”, ông nhấn mạnh.

Phúc Thịnh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nang-cap-lon-tren-iphone-16e-ma-nguoi-dung-khong-thay-post1532889.html