Thay đổi mức tăng học phí, các trường đại học điều chỉnh ra sao?

Thực hiện Nghị định 97/2023 về khung học phí mới, một số trường đại học tại TP.HCM đã có những điều chỉnh tăng hoặc giảm cho phù hợp so với mức mà trường đã thu ban đầu.

Vừa qua, một số trường đại học (ĐH) tại TP.HCM đã có những thông báo điều chỉnh mức thu học phí năm học 2023-2024 đối với sinh viên các hệ đào tạo ĐH.

Việc điều chỉnh này xuất phát từ Nghị định 97/2023 của Chính phủ ban hành từ tháng 12-2023, sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục...

Tuy nhiên, do thời điểm ban hành Nghị định 97/2023 vào cuối năm 2023, khi các trường ĐH đang thực hiện năm học mới 2023-2024 nên hầu như các trường đã có phương án thu học phí. Vì vậy, một số trường đã phải họp bàn lại và điều chỉnh theo hướng giảm hoặc tăng cho phù hợp với quy định mới.

Giảm và hoàn trả học phí

Mới đây nhất là Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có thông báo giảm mức đóng học phí và hoàn trả mức chênh lệch đối với các ngành đào tạo bác sĩ, dược sĩ năm học 2023-2024.

Theo đó, đối với sinh viên chính quy năm nhất và năm hai các ngành y khoa, răng hàm mặt và dược sĩ xuống còn 24,5 triệu đồng/học kỳ (giảm 3,1 triệu đồng so với trước đó).

Còn khối các ngành khác ở năm nhất, năm hai; sinh viên chính quy năm ba trở lên; ngành Y học Việt Đức vẫn giữ mức thu học phí như trường đã thông báo từ đầu năm học 2023-2024.

Cụ thể, các khối ngành cử nhân (điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng) là 31,64 triệu đồng/năm.

Sinh viên chính quy từ năm ba trở lên, học phí là 27,685 triệu đồng/năm đối với tất cả các ngành đào tạo ĐH.

Sinh viên khoa Y Việt - Đức (chương trình hợp tác đào tạo giữa trường và ĐH Y khoa Johannes Gutenberg, ĐH Mainz - Cộng hòa Liên bang Đức), học phí là 209 triệu đồng/năm.

Tương tự, từ đầu năm học này, Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng quyết định điều chỉnh mức thu học phí năm học 2023-2024 theo hướng giảm cho các sinh viên nhập học từ năm 2019 trở về trước. Đây là những khóa sinh viên được tuyển sinh khi trường chưa thực hiện chuyển sang cơ chế tự chủ và từ đầu năm học, trường đã thu theo mức mới nhưng cao hơn mức trần của quy định ở Nghị định 97.

Cụ thể, khối ngành y dược (bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt, y học dự phòng, y học cổ truyền, dược sĩ) sẽ giảm từ 27,6 triệu đồng/năm học xuống còn 21,84 triệu đồng/năm học.

Khối ngành sức khỏe khác (cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học, phục hình răng, y tế công cộng, dinh dưỡng) sẽ được giảm từ 20,9 triệu đồng/năm xuống còn 18,5 triệu đồng/năm học.

Còn nhóm sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2020 trở về sau, trường vẫn giữ nguyên mức thu như đã thông báo từ đầu năm học. Tức là mức học phí của 09 ngành học trong năm học 2023-2024 dao động từ 41,8 đến 77 triệu đồng/năm học. Mức này cũng được điều chỉnh tăng hơn so với năm trước khoảng 10-15%. Trong đó, răng hàm mặt là ngành có học phí cao nhất, kế đến là y khoa.

 Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM

Đồng loạt tăng học phí ở các khóa

Vừa qua, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng đã chính thức công bố mức tăng học phí mới, áp dụng đối với các trình độ đào tạo của trường theo Nghị định 97. So với các năm trước, mức học phí tăng khá cao.

Theo đó, từ năm học 2023-2024 này, mức học phí thấp nhất ở hệ chính quy văn bằng 1 với 31,25 triệu đồng/năm học áp dụng cho đào tạo chính quy ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh. Mức cao nhất là 165 triệu đồng/năm học áp dụng với chương trình chất lượng cao giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.

Trường cũng đưa ra khung mức học phí dự kiến kể từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027, tăng mỗi năm học không quá 12,8%. Cụ thể như sau:

Theo lý giải của trường, trường được Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025, tức tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Hơn nữa, trường đã được cấp giấy chứng nhận đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục (chu kỳ 2) nên theo quy định, trường được tự xác định mức học phí các chương trình đào tạo trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do trường ban hành.

Trường cũng thông tin mức tăng học phí mới thực ra đã được trường ban hành từ đầu năm học 2021-2022, nhưng để thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn với xã hội vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trong các năm 2021, 2022 và 2023 trường hoãn áp dụng mức mới.

Tuy nhiên, suốt ba năm học qua không tăng học phí khiến trường gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo, bởi không có nguồn thu để tăng thu nhập của giảng viên, người lao động, nhất là với người có học hàm, học vị cao…

Do đó, khi Nghị định 97/2023 ban hành, trường bắt đầu thực hiện lộ trình học phí mới này.

Tương tự, từ đầu năm học, Trường ĐH Mỹ Thuật TP.HCM thông báo thu mức học phí 11,7 triệu đồng/năm học với ĐH chính quy. Nhưng sau khi Nghị định 97 ban hành, trường đã điều chỉnh thu theo mức tăng mới là 12 triệu đồng/năm học.

Theo quy định ở Nghị định 97/2023, mức trần học phí (mức cao nhất được thu) ở các ĐH công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học này là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành. Cụ thể như sau:

Những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,1 triệu đồng/tháng trong năm học 2023-2024.

Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT hoặc tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-doi-muc-tang-hoc-phi-cac-truong-dai-hoc-dieu-chinh-ra-sao-post788354.html