Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để cuộc sống đồng bào thêm cải thiện

Triển khai thực hiện nội dung cam kết '5 có, 5 không' đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống đồng bào dân tộc Mông ở huyện Bắc Yên, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, người dân đoàn kết xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, xây dựng bản làng phát triển.

Huyện Bắc Yên có 7 dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 46%, với 13 dòng họ, sinh sống hầu hết ở 16 xã, thị trấn. Để tuyên truyền nội dung “5 có, 5 không” cho người dân hiểu, dân tin, từ đó áp dụng với thực tế cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quán triệt nội dung bản cam kết “5 có, 5 không”; vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành chương trình, hành động phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Người dân xã Tà Xùa thu hái chè cổ thụ.

Người dân xã Tà Xùa thu hái chè cổ thụ.

Thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, đồng bào dân tộc Mông đã tổ chức theo nghi thức truyền thống, nhưng loại bỏ những hủ tục, thách cưới và tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Đặc biệt, chấp hành Luật Hôn nhân gia đình, không ép hôn, tảo hôn, không lấy vợ lẽ, không thách cưới bằng bạc trắng; việc tổ chức ăn uống hai bên gia đình đều gọn nhẹ; tục bắt vợ, ép cưới đã chấm dứt. Ông Giàng Khua Nếnh, Trưởng dòng họ Giàng, bản Pa Cư Sáng, xã Hang Chú, cho biết: Từ khi thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, người dòng họ Giàng đã phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của bản. Khi xây dựng gia đình không để con cháu tảo hôn; lấy vợ, gả chồng không thách bạc trắng, hoặc lấy nhiều tiền; đa số các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3 trở lên.

Trong thực hiện nội dung “5 có”, người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực, biết thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ, giảm diện tích gieo trồng các loại cây trên nương kém hiệu quả sang trồng các loại cây giống mới có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, tăng diện tích khai hoang ruộng nước, chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, cung cấp ra thị trường nhiều nông sản có giá trị, như: Sơn tra, chè, dong riềng, thảo quả, sa nhân... Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào dân tộc Mông đã phát huy nội lực, khơi dậy ý chí, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong các phong trào xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế. Tiêu biểu như mô hình trồng sơn tra ở bản Nậm Lộng, HTX nấu rượu ở xã Hang Chú, trồng cây thảo quả ở xã Háng Đồng, chăn nuôi đại gia súc ở xã Hồng Ngài, trồng chè Tà Xùa, sản xuất và kinh doanh, chế biến dong riềng ở Làng Chếu...

Ở bản Cáo A, xã Làng Chếu, trước kia đồng bào Mông chỉ biết phát cỏ trồng lúa, ngô, sắn, năm nào được mùa thì tạm đủ ăn, năm nào mất mùa là đói, nên cái nghèo cứ bám lấy các hộ gia đình. Từ ngày được cán bộ huyện, xã về tuyền truyền vận động, người dân biết chuyển đổi cây trồng và ươm giống để trồng sơn tra. Gia đình anh Sồng A Mang, điển hình trong bản về phát triển kinh tế, trung bình mỗi năm thu nhập trên 1,5 tỷ đồng. Anh Sồng A Mang cho biết: Gia đình tôi có 6 ha sơn tra đã cho thu hoạch, ngoài ra còn trồng xen dong riềng, mỗi năm thu nhập từ 550-650 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình còn đầu tư mua máy công suất lớn để chế biến tinh bột dong. Trung bình mỗi năm gia đình thu mua và sơ chế từ 1,5-2 nghìn tấn dong cho bà con trên địa bàn.

Ông Hờ Lao Cang, Trưởng ban Dân vận huyện Bắc Yên, cho biết: Việc thực hiện cam kết “5 có, 5 không” đã và là một chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu thực tế của Đảng bộ huyện Bắc Yên. Đến nay, 100% số bản trong vùng đồng bào dân tộc Mông có đường giao thông đến trung tâm xã; trên 95% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 96% được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; huyện đã hỗ trợ gần 2.500 hộ nghèo, cận nghèo cây, con giống, vật tư nông nghiệp, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua lao động, sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc Mông.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thay-doi-nep-nghi-cach-lam-de-cuoc-song-dong-bao-them-cai-thien-49849