Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để cuộc sống tốt hơn

Thời gian qua, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai Dự án 8 - Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng trên địa bàn huyện Sơn Hòa tìm hiểu tài liệu phục vụ công tác truyền thông Dự án 8. Ảnh: THÁI HÀ

Thành viên Tổ truyền thông cộng đồng trên địa bàn huyện Sơn Hòa tìm hiểu tài liệu phục vụ công tác truyền thông Dự án 8. Ảnh: THÁI HÀ

Với nhiều hoạt động thiết thực, việc triển khai dự án góp phần nâng cao ý thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm; giúp phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Đẩy mạnh truyền thông phòng, chống tảo hôn

Bà Lê Thị Bích Hậu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hòa cho biết, trong năm 2023, 2024, huyện Sơn Hòa ra mắt và đưa vào hoạt động 38 tổ truyền thông cộng đồng (thuộc Dự án 8).

Nội dung tuyên truyền của các tổ truyền thông bám sát và giải quyết những vấn đề nổi cộm ở địa phương để qua đó giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đặc biệt là về tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đang có chiều hướng gia tăng hiện nay.

Xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) có 3 thôn: Thống Nhất, Xây Dựng và Hoàn Thành với hơn 400 hộ dân, trong đó có 85% là người đồng bào DTTS. Năm 2023, xã thành lập 2 tổ truyền thông cộng đồng ở 2 thôn Thống Nhất và Xây Dựng, đầu năm 2024 thành lập thêm 1 tổ ở thôn Hoàn Thành.

Từ khi đi vào hoạt động, Hội LHPN xã Suối Trai đã quán triệt tổ trưởng, tổ phó các tổ truyền thông nắm chắc ý nghĩa Dự án 8, đẩy mạnh truyền thông các nội dung của dự án trong các đợt sinh hoạt định kỳ cũng như ở những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với người dân.

Để giải quyết vấn đề tảo hôn đang nổi cộm hiện nay, từ đầu năm, Hội LHPN xã Suối Trai đã xây dựng kế hoạch thành lập 3 CLB “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết” ở 3 thôn. Với mô hình này, các gia đình có con đang đi học xa nhà sẽ tham gia CLB với những cam kết để gia đình nhắc nhở và can thiệp sớm giúp con cái không rơi vào tình trạng tảo hôn.

Chia sẻ về lý do gia tăng tảo hôn, bà Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Trai cho biết: “Suối Trai ở xa trung tâm huyện nên học sinh khi vào cấp 2, 3 thường phải xa nhà để ở trọ và đi học. Xa gia đình, không có người quản lý nên nhiều bé gái yêu sớm. Một số trường hợp các cháu mang thai, đến khi sinh mới báo cho gia đình. Địa phương bấy giờ mới có thông tin. Việc các bé gái yêu sớm, làm đám cưới sớm gây ra nhiều hệ lụy nên chúng tôi đang tập trung truyền thông phòng, chống tảo hôn”.

Cũng theo bà Hương, truyền thông Dự án 8 còn có những vấn đề khác như bình đẳng giới; chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em… Dù vậy, hội xem xét vấn đề nào cấp thiết sẽ tập trung truyền thông trước. “Sẽ cần thời gian để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhưng chỉ cần các thành viên tổ truyền thông nhiệt huyết, truyền thông kiểu mưa dầm thấm lâu thì dần dần người dân cũng sẽ hiểu và thay đổi”, bà Hương chia sẻ.

Góp phần thay đổi cuộc sống phụ nữ và trẻ em

Việc thực hiện Dự án 8 như một luồng gió mới với nhiều hoạt động tích cực đã và đang góp phần thay đổi cuộc sống của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Thực hiện Dự án 8, ngoài thành lập 52 tổ truyền thông cộng đồng, hội LHPN các cấp cũng đã thành lập 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 8 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi; tổ chức 1 cuộc đối thoại chính sách cấp xã; tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ và 2.660 hội viên tại các vùng dự án.

Việc triển khai các nội dung của Dự án 8 cho thấy nhận thức, ý thức của bà con nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được nâng lên rõ rệt. Các luật như: Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè, phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em… đã thực sự phát huy được hiệu quả trong cộng đồng.

Dù mới được thành lập nhưng CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) đã trang bị cho học sinh DTTS nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích; thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm và góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng núi.

CLB hiện có 32 thành viên. Năm 2023, Hội LHPN xã hướng dẫn các thành viên trong CLB tham gia cuộc thi Lắng nghe con nói do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức. Kết quả, sản phẩm truyền thông của CLB thôn Kỳ Đu với nội dung “Nỗi niềm mong ước” đã đạt giải nhì toàn quốc.

Ông Mang Vát, Bí thư Chi bộ thôn Soi Nga, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn Soi Nga cho biết, thời gian qua, tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn thôn ổn định, dù vậy thôn không lơ là việc truyền thông lồng ghép những kiến thức về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không phù hợp đến hội viên phụ nữ và người dân. Nhờ kiên trì với công tác tuyên truyền mà các tập tục lạc hậu nơi đây đã dần xóa bỏ, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án 8, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã nỗ lực phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan để thực hiện. Việc tăng cường công tác truyền thông đã làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và người dân về công tác phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; góp phần thúc đẩy các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thực hiện Dự án 8, hội LHPN các cấp đã thành lập 52 tổ truyền thông cộng đồng, 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 8 CLB thủ lĩnh của sự thay đổi; tổ chức 1 cuộc đối thoại chính sách cấp xã; tổ chức các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho cán bộ và 2.660 hội viên tại các vùng dự án.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/81/313886/thay-doi-nep-nghi-cach-lam-de-cuoc-song-tot-hon.html