Thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp người dân Phước Sơn thoát nghèo bền vững
Huyện miền núi Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đang có những mô hình mới, khai thác tiềm năng thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp với ưu tiên gắn cùng chuỗi liên kết và thể hiện vai trò nòng cốt của HTX. Qua đó giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn có HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng được đánh giá là điểm sáng về mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, đem lại hiệu quả xã hội rất tốt cho địa phương.
HTX nâng tầm gạo lứt đen
HTX này đã giúp gạo lứt đen của xã Phước Năng trở thành sản phẩm đạt OCOP 3 sao và đang nâng cấp lên OCOP 4 sao. Ngoài ra, HTX còn cung cấp các loại nông sản, phân bón, vật liệu xây dựng…

Lúa lứt đen được sản xuất theo phương pháp hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX, cho biết ngày càng có nhiều người dân đã tin tưởng và chọn đồng hành cùng HTX. Thời gian tới HTX sẽ tiếp tục vận động người dân sản xuất giống lúa lứt đen với quy mô lớn hơn, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, bền vững. Để gạo lứt đen Phước Sơn đủ sản lượng cung cấp cho thị trường và nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao.
Hiện nay có 600 hộ dân ở huyện Phước Sơn đang đầu tư cho giống lúa lứt đen đầy tâm huyết của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng. Bởi hiện tại gạo lứt đen của HTX đang được ưa chuộng trên địa bàn huyện Phước Sơn và tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, đã có hai công ty tại Tp.Hà Nội đặt sản phẩm gạo lứt đen với số lượng lớn.
Thời gian qua HTX đã nhờ đến sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tập trung sản xuất giống lúa này. Đồng thời, HTX đầu tư 4 máy cấy, 1 máy gieo, hơn 30.000 khay gieo mạ cho người dân và hướng dẫn cho người nông dân quy trình sản xuất, gieo cấy để lúa đạt chất lượng, sản lượng cao.
Theo vị giám đốc HTX, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp chính là nguồn động lực để HTX tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP này và thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư máy tách màu để giảm bớt công đoạn sàng lọc, phân tách gạo trắng lẫn vào gạo lứt đen.
Như chia sẻ của chị Hằng: "Trước đây chứng kiến cánh đồng của người dân địa phương tuy rộng nhưng sản xuất không đạt năng suất. Có hộ làm 3 - 4 sào ruộng nhưng vẫn không đủ ăn. Điều đó làm cho bản thân chị luôn trăn trở làm sao để giúp bà con thuận theo xu hướng nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp xanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật và thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tôi quyết tâm đưa giống lúa lứt đen của địa phương vào OCOP".
Thực ra, trên thị trường hiện nay có nhiều cơ sở, doanh nghiệp bán gạo lứt đen nhiều mức giá, đa dạng. Tuy nhiên, nếu gạo lứt đen của HTX đạt chuẩn OCOP 4 sao sẽ càng gây dựng được lòng tin với khách hàng về một sản phẩm chỉn chu từ công đoạn sản xuất đến đóng gói, an toàn và chất lượng.
Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn cũng dành sự quan tâm và ủng hộ mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng để làm cơ sở nhân rộng mô hình. Đây cũng chính là cuộc vận động bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo phong tục tập quán, cần phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng hiệu quả của nghề trồng lúa nước, đảm bảo an ninh lương thực trong nhân dân.

Vai trò nòng cốt của HTX gắn với mô hình mới đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở Phước Sơn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong trồng lúa hữu cơ.
HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Phước Năng đã và đang áp dụng phương pháp sản xuất nông nghiệp không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không cho năng suất cây trồng cao nhưng đó là một lợi thế để sản xuất ra dòng sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ mà thế giới đang hướng đến. Chính vì vậy, chính quyền huyện Phước Sơn đã tuyên truyền vận động nhân dân tham gia cùng HTX, cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn của HTX và đẩy mạnh hoạt động truyền thông về mô hình sản xuất lúa hữu cơ của huyện Phước Sơn.
Không chỉ với mô hình của HTX nêu trên, Phước Sơn đang tìm kiếm sức bật từ những mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân và bà con dân tộc thiểu số.
Thời gian qua huyện này đã thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đến nay trên địa bàn Phước Sơn đã thành lập mới 15 tổ hội nông dân nghề nghiệp với trên 150 hội viên nông dân tham gia. Các mô hình này phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Sau khi thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp, bà con địa phương được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, được hỗ trợ vay vốn nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân nếu có nhu cầu để đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo đất sản xuất…
Theo đánh giá bước đầu, có 3 xã trong huyện đang thực hiện hiệu quả mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm”. Các mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng chí hướng sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng thụ) đã mang lại nhiều sản phẩm và thu nhập, giúp nông dân cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Nhờ thấy rõ quyền lợi và tính cộng đồng, người dân hưởng ứng nhiệt tình, tham gia sôi nổi.
Từ điểm sáng của các tổ hội nông dân, các cơ sở hội trên địa bàn huyện Phước Sơn đã tích cực tuyên truyền, động viên hội viên thành lập các tổ hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất, tăng thu nhập. Và từ các tổ hội nghề nghiệp này sẽ tiến tới thành lập các tổ hợp tác, HTX, thúc đẩy liên kết sản xuất hàng hóa, giúp nông dân phát triển bền vững.
Ưu tiên gắn với chuỗi liên kết
Với những mô hình mới như vậy trong sản xuất nông nghiệp cũng là cách để Phước Sơn phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 22,06%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo 16,98%, cận nghèo 5,08%.

Huyện Phước Sơn đã và đang thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Thực ra, với mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo thì Phước Sơn cần cố gắng nhiều hơn nữa, ngoài nguồn lực hỗ trợ của ngân sách Trung ương, tỉnh thì huyện và mỗi người dân, mỗi hộ nghèo của huyện cần có ý thức vươn lên thoát khỏi diện nghèo, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm mang tính bền vững.
Chính vì vậy, huyện này đang tập trung xây dựng các vùng, khu sản xuất tập trung như: Vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu tập trung kết hợp sắp xếp, bố trí dân cư tại xã Phước Chánh và Phước Năng quy mô 590 ha; khu chăn nuôi tập trung xã Phước Hiệp, Phước Hòa, với diện tích mỗi khu khoảng 40ha,...
Ngoài ra, Phước Sơn sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh đất đai gắn liền với loài cây lâm nghiệp để trồng rừng phù hợp với điều kiện sinh thái theo từng vùng, phát triển trồng cây nguyên liệu (keo) ở các xã vùng trung và vùng thấp; phát triển trồng Quế, cây Dổi lấy hạt và các loài cây lâm nghiệp có giá trị cao khác ở vùng cao để hỗ trợ người dân phát triển trồng rừng theo hướng thâm canh, xen canh để sử dụng có hiệu quả diện tích đất. Đặc biệt là ưu tiên gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững.
Để giúp người dân, đồng bào thiểu số ở Phước Sơn thoát nghèo bền vững, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng địa phương tuyên truyền các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới để khuyến khích bà con địa phương tham gia.
Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc của Liên minh HTX Việt Nam phối hợp các phòng chuyên môn của Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ quảng bá liên kết đầu ra sản phẩm cho các HTX của Phước Sơn là chủ thể sản phẩm OCOP của huyện. Nhất là tư vấn, đào tạo tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm; tư vấn hồ sơ sản phẩm tham gia Chương trình OCOP…