Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm qua, xã Mường Khoa (Bắc Yên) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân khai thác lợi thế của địa phương, chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Người dân bản Pót, xã Mường Khoa (Bắc Yên) chăm sóc vườn cây ăn quả.

Người dân bản Pót, xã Mường Khoa (Bắc Yên) chăm sóc vườn cây ăn quả.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại trồng cây ăn quả của gia đình, anh Lừ Văn Ính, ở bản Pót, cho biết: Trước kia, 2 ha đất này chủ yếu trồng sắn và ngô, mỗi năm, sau khi trừ chi phí chỉ thu về hơn 20 triệu đồng. Khi xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng và được Nhà nước hỗ trợ cây giống, hệ thống tưới ẩm, tôi đã chuyển sang trồng xoài và nhãn. Năm ngoái, trừ chi phí gia đình thu về hơn 50 triệu đồng.

Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Mường Khoa đã chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện địa hình và khí hậu của địa phương, như: Xoài, nhãn, chuối... với tổng diện tích hơn 450 ha; ghép cải tạo hơn 10.500 cây ăn quả; chuyển đổi diện tích đất bỏ hoang sang trồng cây lâm nghiệp với hơn 50 ha trồng cây tếch... Một số hộ tiêu biểu như: ông Văn Nam, bản Pót; ông Lừ Văn Tấn, bản Chang; ông Lừ Văn Dự, bản Chạng; ông Lừ Văn Liểng, bản Phúc có thu nhập 150 đến 250 triệu đồng/năm từ cây ăn quả...

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND xã đã phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng bản để tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả, đất bỏ hoang sang trồng cây ăn quả và cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng; chú trọng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng.

Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTX Anh Tú bản Pót và HTX dịch vụ nông nghiệp bản Pá Nó... để nhân dân tận mắt thấy hiệu quả và học tập, áp dụng vào thực tế sản xuất gia đình. Ngoài ra, xã phối hợp với các cơ quan của huyện triển khai thực thực hiện tốt các chương trình, dự án của Nhà nước hỗ trợ sản xuất cho người dân, riêng năm 2020 đã hỗ trợ 14.000 cây ăn quả và 112.000 cây lâm nghiệp. Đặc biệt, liên kết với HTX Thanh Sơn ở xã Cò Nòi (Mai Sơn) ghép cải tạo vườn xoài, nhãn giống cũ và bao tiêu sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất.

Nói về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, ông Lừ Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thúc đẩy kinh tế của xã có bước phát triển tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15,9 triệu đồng năm 2015, lên hơn 32 triệu đồng 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,6% năm 2020.

Những kết quả đạt được trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mường Khoa đã phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả, nhất là làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ tự phát sang đầu tư thâm canh, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021, xã Mường Khoa tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân trồng mới 35 ha cây ăn quả và hơn 90 ha cây lâm nghiệp.

Huy Thành

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thay-doi-nep-nghi-cach-lam-trong-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-38498