Thay đổi nhận thức của người dân nhờ tuyên truyền pháp luật

Những năm gần đây, tình trạng người dân vi phạm pháp luật, quy chế biên giới giảm, an ninh-trật tự trên địa bàn luôn ổn định, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống... là thực tế được ghi nhận tại địa bàn biên giới xã Cô Ba và xã Thượng Hà (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng).

Có được những kết quả đó, xuất phát từ những buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng) triển khai trong thời gian qua.

Đầu giờ sáng những ngày cuối tháng 11, trời biên giới se lạnh, những lùm cỏ trên lối mòn nối từ đường tuần tra biên giới vào cột mốc 588 do Đồn Biên phòng Cô Ba quản lý đẫm sương và mưa đêm. Lúc này, ông Lục Văn Lẹo ở thôn Phiêng Mòn, xã Cô Ba tay cầm rựa, tay cầm chổi đã có mặt ở cột mốc 588. Ông tranh thủ nhổ cỏ, phát quang, quét dọn sạch sẽ quanh cột mốc, sau khi quan sát không có gì bất thường, ông mới rời đi.

 Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại thôn Phiêng Sáng, xã Cô Ba.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại thôn Phiêng Sáng, xã Cô Ba.

Trước đây ông Lục Văn Lẹo và nhiều người dân trong thôn Phiêng Mòn cho rằng công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới là nhiệm vụ riêng của Bộ đội Biên phòng, không liên quan gì đến người dân. Chính vì vậy, ông Lẹo và nhiều người dân luôn thiếu nhiệt tình khi Bộ đội Biên phòng cần hỗ trợ. Để phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba đã xác định phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, PBGDPL cho người dân, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ và hành động của người dân.

Theo đó, chỉ huy Đồn Biên phòng Cô Ba đã phân công cán bộ, chiến sĩ xuống tận thôn Phiêng Mòn để 5 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, cùng bảo vệ đường biên cột mốc) với người dân. Được tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về bảo vệ biên giới, ông Lẹo đã thay đổi và trở thành người nhiệt tình trong việc bảo vệ cột mốc. Ông Lục Văn Lẹo cho biết: “Với tôi, hiện nay việc thăm nom cột mốc đã trở thành thói quen nên đều đặn mỗi tuần tôi lại đi kiểm tra cột mốc vài ba lần. Đi kiểm tra thấy có gì bất thường là tôi báo ngay với bộ đội ở dưới đồn để mọi người còn xử lý”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Đồn Biên phòng Cô Ba quản lý hơn 19km đường biên giới với 33 vị trí cột mốc thuộc 2 xã: Cô Ba, Thượng Hà. Trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, chính vì vậy, Đồn Biên phòng Cô Ba lựa chọn những nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật phù hợp với từng thôn, xóm và từng đồng bào dân tộc sao cho hiệu quả cao nhất.

Ông Quan Văn Chung, Trưởng thôn Phiêng Sáng, xã Cô Ba cho biết: “Trong các buổi họp xóm, sinh hoạt chi bộ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba thường xuyên lồng ghép tuyên truyền PBGDPL đến mỗi người dân... Đối với những việc đột xuất, cán bộ biên phòng còn đến từng nhà dân để tuyên truyền giúp mọi người trong thôn hiểu và chấp hành tốt các quy định pháp luật, tình hình an ninh-trật tự được giữ vững”.

Với quyết tâm không để bất kỳ một người dân nào bị “hổng” về pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cô Ba luôn tìm tòi những cách làm sáng tạo, kiên trì bám địa bàn, bám dân. Phối hợp với địa phương tổ chức biên soạn và thu âm các nội dung PBGDPL bằng tiếng dân tộc để đồng bào dễ tiếp cận; treo băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp-phích ở những địa điểm dễ nhìn, dễ thấy, có nhiều người dân qua lại.

Trung úy Trương Phúc Khoa, Đội trưởng Đội Vũ trang (Đồn Biên phòng Cô Ba) chia sẻ: “Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều khi cán bộ nói nhưng đồng bào không hiểu được, nên tranh thủ những buổi tuần tra, phát quang đường tuần tra biên giới, tập trung khoảng 100 người là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên địa bàn, chúng tôi tranh thủ “cầm tay chỉ việc” ngay. Ví dụ như trong quá trình phát quang đường tuần tra, tôi chỉ cho người dân biết phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới được quy định ra sao; chỗ nào không được phép canh tác, săn bắt, chăn thả gia súc... Tôi thấy nhờ có thực tế giúp bà con nắm bắt và hiểu rất nhanh”.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Văn Khâm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cô Ba cho biết: “Để tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác tuyên truyền PBGDPL cho người dân, ngoài việc triển khai thực hiện các mô hình chuyên sâu về pháp luật, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật để răn đe.

Mặt khác, đơn vị luôn chú trọng đến việc xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, các công trình dân sinh, chăm lo chính sách an sinh xã hội... để nâng cao đời sống nhân dân, từ đó, nhân dân tích cực giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

Bài và ảnh: HỒNG THỊNH TRANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thay-doi-nhan-thuc-cua-nguoi-dan-nho-tuyen-truyen-phap-luat-753841