Thay đổi quan điểm của người dân về hiến tặng mô, tạng
Dù còn nhiều rào cản trong hiến tặng mô, tạng, đặc biệt là giác mạc của người bệnh chết não, nhưng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc 'cho đi là còn mãi' những hành động nhân ái này đang dần được lan tỏa, trở thành nét đẹp văn hóa: Trao tặng giác mạc - Trao tặng món quà của ánh sáng, sự sống và tình người.
Ca hiến giác mạc đầu tiên và những thông điệp lan tỏa
Tháng 12/2024, gia đình chàng trai chết não 18 tuổi tại Phú Thọ quyết định hiến tặng mô, tạng giúp 6 người ở nhiều tỉnh thành khác nhau có được cuộc sống mới, khỏe mạnh và tươi sáng hơn. Đây cũng là ca hiến giác mạc đầu tiên tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực hiến tặng mô, tạng tại Bệnh viện.
Tiếp nối nghĩa cử cao đẹp đó, gia đình 2 người bệnh chết não khác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng đã quyết định hiến tặng các mô, tạng gồm tim, gan, thận và giác mạc. Qua đó, nâng tổng số ca hiến giác mạc lên thành 3 ca. Những giác mạc này được ghép cho 6 người bệnh đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, mang lại ánh sáng, niềm tin và hy vọng cho người bệnh.
Đây là minh chứng cho tinh thần nhân ái, sự sẻ chia của gia đình người hiến tạng. Những hành động cao đẹp này đã và đang góp phần lan tỏa ý nghĩa của việc hiến tặng các tạng và giác mạc, khẳng định sự tiến bộ trong y học và tinh thần nhân văn sâu sắc của cộng đồng.
Hiện nay, ghép giác mạc đang là giải pháp duy nhất cho những người bệnh không may bị thương tích hoặc các bệnh lý về giác mạc sau khi điều trị nội khoa đã thất bại. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn giác mạc hiến tặng tại Việt Nam vẫn rất khan hiếm. Cả nước đang có hàng nghìn người bệnh chờ đợi cơ hội được nhìn thấy ánh sáng trở lại, trong đó có rất nhiều trẻ em. Nhưng số lượng giác mạc hiến tặng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu này. Vì vậy, hành động hiến giác mạc chính là một nghĩa cử cao đẹp mang đến ánh sáng cuộc đời và hy vọng cho rất nhiều người không may mất đi thị lực.
Hiến tặng giác mạc và những rào cản
Việc hiến tặng mô, tạng nói chung và hiến tặng giác mạc nói riêng hiện nay vẫn đang gặp phải rất nhiều rào cản. Rào cản đầu tiên chính là nhận thức của người dân, khi phần lớn vẫn có quan niệm “chết là phải toàn thây”, e sợ việc thiếu sót bộ phận cơ thể của người đã mất.
Cùng với đó là gánh nặng tâm lý, lo sợ gặp các vấn đề về tâm linh, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, sợ những lời rèm pha thiếu căn cứ... và phần lớn người dân chưa nhận thấy hiến tạng là hành động nhân ái, thể hiện trách nhiệm và giá trị nhân văn cao cả đối với cộng đồng.
Ngoài ra, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về hành động lấy giác mạc của người hiến. Họ cho rằng bác sĩ sẽ lấy đi cả nhãn cầu (móc cả 2 mắt) của người đã khuất, khiến người thân bị khuyết bộ phận cơ thể.
Chính những rào cản này đã khiến cho số lượng giác mạc được hiến tặng vô cùng hạn chế không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.
Hiến giác mạc: Chỉ lấy giác mạc, không lấy toàn bộ mắt
Giác mạc là màng mỏng trong suốt, che chắn trước nhãn cầu (tương đương với phần lòng đen của con mắt) chiếm 1/6 diện tích nhãn cầu, cho phép ánh sáng, hình ảnh đi qua để hội tụ trên đáy mắt và từ đó truyền lên não bộ.
Khi hiến giác mạc, các bác sĩ chỉ bóc tách lớp màng mỏng, sau đó khâu phục hồi nhãn cầu. Việc bóc tách giác mạc không gây chảy máu. Nhìn bên ngoài, mắt của người hiến gần như bình thường. Sau đó, mi mắt người hiến sẽ nhắm kín như đang ngủ.
Hiến giác mạc không gây ảnh hưởng đến hình thức thi thể, không làm thay đổi hình hài bên ngoài của người quá cố. Sau khi lấy giác mạc, các bác sĩ sẽ giữ nguyên vẻ ngoài của người hiến, để gia đình có thể thực hiện tang lễ theo ý nguyện. Giác mạc sau đó sẽ được chuyển về Ngân hàng Mắt để điều phối ghép cho người bệnh khác, giúp họ lấy lại thị lực.
Hiến tặng giác mạc – Món quà của ánh sáng, sự sống và tình người
Nghĩa cử hiến tặng giác mạc nói riêng và hiến tặng mô, tạng nói chung đã mang lại cuộc sống mới, ánh sáng mới cho những người kém may mắn. Điều này không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về hiến tặng mô, tạng.
Bằng tấm lòng nhân ái “cho đi là còn mãi”, mỗi người đều có thể góp phần giúp đỡ những người bệnh đang mòn mỏi chờ đợi một cơ hội sống, cơ hội tìm lại ánh sáng.
Một người hiến giác mạc có cơ hội mang lại ánh sáng cho hai người. Một quyết định nhỏ của bạn hôm nay có thể thay đổi cả cuộc đời của nhiều người khác. Hành động hiến giác mạc không chỉ là một món quà của lòng nhân ái mà còn là di sản quý báu mà bạn để lại cho cuộc đời.
Hãy cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chia sẻ những câu chuyện nhân văn, mang lại niềm tin và hy vọng cho hàng nghìn người bệnh và lan tỏa thông điệp ý nghĩa: Đăng ký hiến giác mạc – món quà của ánh sáng, sự sống và tình người!
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/thay-doi-quan-diem-cua-nguoi-dan-ve-hien-tang-mo-tang-227044.htm