Thay đổi tâm thế, nâng tầm đời sống nghệ thuật ở TPHCM

Bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và bùng nổ công nghệ số đặt việc phát triển văn hóa nghệ thuật ở TPHCM trong cơ hội và thách thức mới. Để văn hóa nghệ thuật phát triển vươn tầm, đường dài cần những bước đà đổi mới mạnh mẽ.

Nghệ thuật hiện đại và đương đại còn lẻ mẻ

Vừa qua, tại tọa đàm “Nghệ thuật ở TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”, do Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại TPHCM tổ chức, các chuyên gia có chung nhận định: Hiện có nhiều hình thức điển hình của nghệ thuật không có xuất xứ “thuần Việt”, nghĩa là không có nguồn gốc từ các hình thức nghệ thuật truyền thống.

 Các chương trình biểu diễn nghệ thuật được đầu tư chuyên nghiệp, quy mô, góp phần nâng tầm và định vị văn hóa nghệ thuật thành phố. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Các chương trình biểu diễn nghệ thuật được đầu tư chuyên nghiệp, quy mô, góp phần nâng tầm và định vị văn hóa nghệ thuật thành phố. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

PGS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, phân tích: “Bên cạnh văn học viết, sân khấu truyền thống, hội họa, thanh nhạc, múa, công chúng trong nước bắt đầu biết đến các loại hình sắp đặt, trình diễn, video art, sân khấu thể nghiệm, múa đương đại..., thậm chí cả các hình thái có tính chất lai ghép. Tuy nhiên, cho đến nay, ở trong nước vẫn còn một số người sáng tác nghệ thuật chủ yếu tiếp cận nghệ thuật thế giới hiện đại qua những phương tiện thông tin đại chúng, qua những câu chuyện, giai thoại. Mang một tâm lý ngộ nhận về các giá trị của nghệ thuật, họ bắt chước, mô phỏng rất nhanh những gì biết được. Mỗi người thủ đắc một số chiêu thức kỹ thuật, tạo ra một vài motif thuần túy hình thức như một đặc trưng của phong cách cá nhân trên cơ sở một số đề tài phổ biến, rồi cứ thế nhân bản. Sáng tác chỉ còn là một thói quen, không thể biến hóa, sáng tạo hơn được nữa”.

Sự phát triển lĩnh vực nghệ thuật tại TPHCM về số lượng, chất lượng đã nhìn thấy, nhưng chiều sâu và đường dài đặt ra không ít vấn đề. GS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, chia sẻ: “Nhìn lại một chặng đường từ sau 30-4-1975 đến nay, mỹ thuật TPHCM đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, đội ngũ sáng tác cũng như tác phẩm nghệ thuật. Nhưng công tâm mà nói, vẫn chưa thấy được những tác phẩm gây ấn tượng mạnh và lâu bền với người xem hay hòa quyện với không gian cảnh quan đô thị. Các sáng tác theo xu hướng hiện đại, ảnh hưởng các trường phái ấn tượng, trừu tượng, tối giản..., vẫn mang nặng yếu tố hình thức theo kiểu “trình diễn” về bố cục, chất liệu, ngôn ngữ nghệ thuật, tạo ấn tượng lạ mắt cho người xem, nhưng chưa để lại nhiều suy tưởng, thông điệp đến với cuộc sống. Các tác phẩm điêu khắc hoành tráng vẫn mang nặng yếu tố tả thực, cổ động, miêu tả sự kiện, lịch sử..., chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố thẩm mỹ tạo hình chung và chưa tạo ra được điểm nhấn cần thiết trong không gian”.

Bắt đầu từ con người

Nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, truyền hình kỹ thuật số, nhu cầu giải trí của công chúng đã được “kích cầu” một cách tối đa. Thế nhưng, sau giai đoạn bùng nổ, đến nay đã bắt đầu xuất hiện những vấn đề trong việc tiếp nhận văn hóa từ bên ngoài. PGS-TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ: “Gần đây, chỉ cần lướt qua một số trang web và kênh giải trí, đã có thể nhận thấy rõ ảnh hưởng của nước ngoài lên một bộ phận nghệ sĩ trong nước, từ cách ăn mặc, phong cách biểu diễn, thậm chí cho đến cả nghệ danh. Rồi xuất hiện làn sóng các trò chơi truyền hình (gameshow) và các chương trình truyền hình thực tế, mà không ít trong số đó đã buông lỏng chất lượng nghệ thuật, có khuynh hướng sử dụng các scandal để tạo sự chú ý của công chúng, bất chấp các chuẩn mực và ứng xử đạo đức”.

 Chương trình nghệ thuật được đầu tư chất lượng, chuyên nghiệp, góp phần vươn tầm và định vị văn hóa nghệ thuật TPHCM

Chương trình nghệ thuật được đầu tư chất lượng, chuyên nghiệp, góp phần vươn tầm và định vị văn hóa nghệ thuật TPHCM

Khuynh hướng và hiện tượng kể trên cho thấy, trong đời sống nghệ thuật ở Việt Nam đang tồn tại những khoảng cách giữa sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ với nhu cầu và khả năng thưởng ngoạn của công chúng; giữa mục tiêu nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thật sự của công chúng với chất lượng nghệ thuật tác phẩm.

Khoảng cách không chỉ nằm ở tác giả - tác phẩm - công chúng, bài toán quản lý cũng đặt ra nhiều điều trăn trở. ThS Lê Hữu Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh TPHCM, chỉ rõ: “Một số hội văn học, nghệ thuật chưa xây dựng được các chương trình hoạt động thật sự thu hút các hội viên, chưa thể phát huy được năng lực của các văn nghệ sĩ. Việc chậm xác lập các chuẩn mực đánh giá, thẩm định tác phẩm cũng là một vấn đề được nhắc đến rất nhiều; bởi khi có sự cố xảy ra, việc thiếu cơ sở như trên khiến chuyện bảo vệ hội viên hay phân định đúng sai trở nên rất khó khăn, mang nhiều cảm tính”.

Nghệ sĩ Lê Nguyên Hiều, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, cho rằng, từ trước đến nay, ai cũng nhắc đến việc mỗi một văn nghệ sĩ là những kỹ sư tâm hồn, phải góp phần xây dựng con người mới từ những con người cũ còn mang nhiều thiếu sót, thậm chí còn mang nhiều cái xấu. Thế nhưng, để làm được điều đó, những nhà sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cần phải có “con dao” thật sắc để gọt sửa những cái xấu, và còn cần phải có chất “gây men” để hình thành những cái mới trong đời sống xã hội. Thiếu “dao sắc”, thiếu chất “gây men”, văn học nghệ thuật sẽ rất khó có tính xây dựng, đột phá để phản ánh thời đại, tiên phong tới tương lai.

Chủ thể của mọi sự thay đổi và phát triển vẫn là con người. Để tạo bước đà cho văn hóa nghệ thuật phát triển trong hiện tại, nâng tầm và vươn tầm bản sắc trong tiến trình hội nhập quốc tế, cần thay đổi tâm thế từ người thực hành sáng tạo, công chúng thụ hưởng và đơn vị quản lý, để “sức mạnh mềm” góp phần thiết thực vào xu hướng phát triển bền vững của thành phố và quốc gia.

GS NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: Tiếng chuông cảnh báo cho mỹ thuật TPHCM

Những năm gần đây, rất ít họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà lý luận mỹ thuật ở TPHCM nhận được các giải thưởng lớn trong các Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam hàng năm. Đây là những tiếng chuông cảnh báo cho mỹ thuật tại TPHCM nhìn lại mình và chung tay góp sức để tạo nên sự hưng thịnh cho mỹ thuật thành phố.

HỒNG DƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thay-doi-tam-the-nang-tam-doi-song-nghe-thuat-o-tphcm-post755578.html