Thay đổi tên gọi bảo hiểm xã hội không ảnh hưởng đến việc phục vụ người tham gia
Việc thay đổi tên gọi bảo hiểm xã hội khu vực thành bảo hiểm xã hội tỉnh, bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã thành bảo hiểm xã hội cơ sở nhằm bảo đảm tính hệ thống, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Sự thay đổi này không ảnh hưởng đến việc phục vụ người tham gia.
Đây là nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đối với Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực tại Công văn số 1521/BHXH-TCCB về việc triển khai thực hiện Quyết định số 2286/QĐ-BTC ngày 30/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 391/QĐ-BTC ngày 26/02/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 1733/QĐ-BTC ngày 12/5/2025 và Quyết định số 1892/QĐ-BTC ngày 30/5/2025 ngày 30/5/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
Cả nước có 34 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố
Theo mô hình tổ chức bộ máy mới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức, hoạt động ở 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp cơ sở. Để đảm bảo đúng quy định và thực tiễn triển khai nhiệm vụ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đổi tên gọi bảo hiểm xã hội khu vực thành bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thay đổi tên gọi bảo hiểm xã hội không ảnh hưởng đến việc phục vụ người tham gia. Ảnh minh họa
Sau khi thực hiện thay đổi tên gọi của bảo hiểm xã hội khu vực, cả nước có 34 bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bảo hiểm xã hội cấp tỉnh). Trụ sở chính của bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đặt tại Trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Để bộ máy hoạt động phù hợp với tên gọi mới, tại Công văn số 1521/BHXH-TCCB, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội các khu vực cần triển khai ngay việc thực hiện thủ tục thay đổi con dấu và thông báo thay đổi tên gọi thành bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bảo hiểm xã hội cấp tỉnh).
Đồng thời, chủ động, đảm bảo tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ thông tin, thay đổi chứng thư số chủ tài khoản, kế toán trưởng theo pháp nhân mới phục vụ hoạt động của đơn vị trước và sau khi đổi tên nhằm bảo đảm vận hành thông suốt, ổn định, không gián đoạn việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã đổi tên thành Bảo hiểm xã hội cơ sở
Bảo hiểm xã hội cơ sở thuộc bảo hiểm xã hội cấp tỉnh thực hiện quản lý trên địa bàn một số xã, phường, đặc khu và không có tổ chức bộ máy bên trong.

Bảo hiểm xã hội cơ sở không có tổ chức bộ máy bên trong. Ảnh minh họa
Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền sắp xếp, tổ chức lại bảo hiểm xã hội cơ sở (từ nay đến trước ngày 30/9/2025), thực hiện thay đổi tên gọi bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là bảo hiểm xã hội cấp huyện), bảo hiểm xã hội liên huyện hiện thành bảo hiểm xã hội cơ sở để dễ nhận diện, bảo đảm tính hệ thống và thuận lợi cho việc cập nhật dữ liệu thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chủ động triển khai thủ tục thay đổi con dấu và thông báo thay đổi tên gọi đối với bảo hiểm xã hội cơ sở sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành văn bản chính thức về việc thay đổi tên gọi theo quy định.
Đồng thời, đề xuất phương án sắp xếp bảo hiểm xã hội cơ sở tại bảo hiểm xã hội cấp tỉnh đảm bảo cơ cấu, phạm vi quản lý hài hòa theo đặc điểm vùng miền (nông thôn, đô thị, hải đảo, miễn núi, vùng cao, biên giới, vùng đồng bằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) và các tiêu chí về diện tích tự nhiên; quy mô dân số; quy mô quản lý người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quy mô thu, chi; đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí về cơ sở vật chất (trụ sở, trang thiết bị làm việc hiện có của bảo hiểm xã hội cấp huyện trước đây)./.
Tại Trung ương, để bộ máy tổ chức hoạt động từ Trung ương đến cơ sở vận hành thông suốt, liên tục, không làm gián đoạn công tác phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, tham mưu về việc ban hành Quy trình nghiệp vụ, phân cấp quản lý; phân quyền ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số đảm bảo việc tổ chức, hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở 3 cấp (Trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở) theo mô hình tổ chức bộ máy mới.