Thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

Sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc Covid-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao.

Để ứng phó với đại dịch trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục triển khai các kịch bản phòng, chống dịch theo 4 cấp độ gồm biện pháp áp dụng chung cho kịch bản phòng, chống dịch ở tất cả các cấp độ dịch và biện pháp áp dụng; tiến hành đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã đến cấp tỉnh.

Sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc Covid-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao

Sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc Covid-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, khi đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao trong cộng đồng, sẽ điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch từ kiểm soát tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng sang kiểm soát tỷ lệ mắc Covid-19 được phân loại nguy cơ cao và rất cao.

Với kịch bản phòng, chống dịch tại các cấp (xã, huyện, tỉnh, khu vực) khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế, tiêu chí để đánh giá là: Tỷ lệ lấp đầy giường thở ô-xy trong tuần qua vượt quá 100% và tỷ suất tử vong do Covid-19 trong 1 tuần/100.000 người từ 5 trở lên.

Tới đây, các địa phương sẽ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đúng thời điểm, ở phạm vi hẹp nhất, trong thời gian ngắn nhất có thể; Áp dụng một số biện pháp về tình trạng khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh.

Để chuẩn bị kịch bản cho phòng, chống dịch khi xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, Bộ Y tế sẽ phát hiện kịp thời những thay đổi về dịch tễ học, độc lực của virus, thiết lập mạng lưới các phòng xét nghiệm của Việt Nam có khả năng phát hiện các biến chủng mới, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và thực hành tốt nhất trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, sẽ điều chỉnh các biện pháp y tế và biện pháp hành chính phù hợp, theo dõi hiệu quả các biện pháp can thiệp gồm chẩn đoán, điều trị, vắc-xin đối với biến chủng mới;

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro, tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong. Điều này nhằm mục tiêu vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa khôi phục phát triển kinh tế, xã hội và cải thiện đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Về điều trị cho bệnh nhân Covid-19, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, đến nay Việt Nam cơ bản bảo đảm kịp thời nhu cầu đối với các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19.

Về thuốc kháng virus, Bộ đã huy động các nguồn lực để cấp thuốc: Remidesivir, Favipiravir, Molnupiravir. Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2. Hiện đã có 4 vắc-xin được thử nghiệm lâm sàng, 2 vắc-xin chuyển giao công nghệ với Nga, Nhật Bản; nghiên cứu sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế…

Chương trình thí điểm thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng đã triển khai tại 53 tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế cũng đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3 với một số thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu xuất phát từ các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền để phòng và điều trị Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2022 mục tiêu ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023), góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Theo người đứng đầu ngành Y tế, cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt và mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do đại dịch.

Nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ nên dẫn đến tăng rất nhanh số mắc, gây quá tải hệ thống y tế vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án luật, bộ sẽ đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.

Bộ tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường chất lượng khám chữa bệnh.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

Về phòng, chống dịch, Bộ Y tế cho biết sẽ tập trung nâng cao năng lực giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng các trạm y tế lưu động tại các địa bàn dịch diễn biến phức tạp.

Bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư cho điều trị. Bảo đảm tất cả mọi người nhiễm virus SARS-CoV-2 đều được quản lý, chăm sóc y tế phù hợp, được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh và sớm ngay tại địa bàn.

Bộ Y tế cũng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin, không để sót người có bệnh nền, tuổi cao. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I/2022.

Về tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ đã báo cáo Bộ Chính trị đề xuất và xin ý kiến chỉ đạo tiêm cho đối tượng này, đồng thời cho phép mua 21,9 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer/BioNTech để có thể triển khai tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đặt mục tiêu trong năm 2022, có vắc-xin sản xuất trong nước và đáp ứng ít nhất 50% nhu cầu vắc-xin đến cuối năm 2023.

Tính đến hết ngày 18/1, cả nước đã tiêm được hơn 172 triệu liều, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin cho người 18 tuổi trở lên đạt 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản hơn 94% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1%.

Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vắc-xin lớn trên thế giới, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thay-doi-tieu-chi-danh-gia-cap-do-dich-d159626.html