Thay đổi trong tuyển sinh giúp thí sinh 'rộng cửa' vào đại học

Những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ tạo nhiều cơ hội cho thí sinh vào đại học

Ngày 18-2, Báo Người Lao Động khởi động chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 24 - năm 2025 bằng chương trình talkshow trực tuyến chủ đề: "Những điểm mới trong tuyển sinh 2025". Các chuyên gia, đại diện các trường ĐH đã thông tin về những nét mới quan trọng trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2025, phương thức xét tuyển, học phí, học bổng... của các trường ĐH.

Hai điểm mới quan trọng tác động mạnh

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo (ĐHQG TP HCM), cho biết quy chế tuyển sinh năm 2025 có 6 nội dung quan trọng, trong đó có 2 điểm mới là không xét tuyển sớm và yêu cầu các trường quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển.

Các chuyên gia, đại diện các trường đại học tham dự chương trình talkshow trực tuyến tại Báo Người Lao Động .Ảnh: TẤN THẠNH

Các chuyên gia, đại diện các trường đại học tham dự chương trình talkshow trực tuyến tại Báo Người Lao Động .Ảnh: TẤN THẠNH

Đề cập đến quy định bỏ xét tuyển sớm, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết ông hoàn toàn đồng ý việc bỏ xét tuyển sớm, điều này sẽ khắc phục hoàn toàn những vấn đề nhức nhối trước đây. Những năm trước, nhiều học sinh mang tâm lý chủ quan vì mình đã trúng tuyển sớm nên lơ là việc học.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhận định sự điều chỉnh của quy chế xét tuyển năm nay đang hướng đến việc bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho các thí sinh. Trong đó, vấn đề được bàn luận nhiều nhất chính là bỏ xét tuyển sớm.

Các chuyên gia trao đổi những điểm mới nhất về tuyển sinh năm 2025.Ảnh: HUẾ XUÂN

Các chuyên gia trao đổi những điểm mới nhất về tuyển sinh năm 2025.Ảnh: HUẾ XUÂN

"Tôi đồng tình với việc bỏ xét tuyển sớm. Bỏ xét tuyển sớm không ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển sinh, đặc biệt với các trường tuyển sinh tốt, có chất lượng. Việc này giúp bảo đảm tính công bằng giữa các thí sinh nhiều hơn. Đa số các điều chỉnh trong quy chế thi đều liên quan đến yếu tố kỹ thuật. Thí sinh đỡ vất vả nhưng phía nhà trường sẽ mất nhiều thời gian và cần tính toán cẩn thận hơn. Với thí sinh, những thay đổi này tạo thuận lợi hơn khi các em chỉ đăng ký nguyện vọng 1 lần" - chuyên gia này phân tích.

Ngoài ra, điểm mới trong quy chế tuyển sinh là không khống chế số lượng tổ hợp xét tuyển. Điều này nhằm giúp phù hợp hơn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, việc đưa ra quá nhiều tổ hợp xét tuyển cũng có nhiều khó khăn cho cơ sở đào tạo. Việc quy đổi cùng một thang điểm nhận được nhiều ý kiến.

TS Nguyễn Quốc Chính cho rằng hiện chưa có công thức quy đổi chung. Do vậy, tùy trường có mức quy đổi khác nhau. Ngoài ra, từng phương thức có ưu điểm riêng, có thể phương thức này có độ tin cậy cao hơn phương thức kia, ví dụ như xét học bạ có độ tin cậy thấp nhất khi không có sự đánh giá đồng nhất. Do vậy, các trường sẽ linh hoạt trong quy đổi để tìm ra phương án tốt nhất. "Việc quy đổi điểm do từng cơ sở đào tạo quyết định. Do vậy tùy trường sẽ có mức quy đổi khác nhau, thí sinh cần lưu ý" - TS Chính nhấn mạnh.

Xét học bạ liệu có bị ảnh hưởng?

Đối với phương thức xét tuyển học bạ cũng có nhiều thay đổi, cụ thể là thí sinh phải sử dụng kết quả của cả năm học lớp 12 thay vì dùng điểm của 3-5 kỳ học như trước đây để xét tuyển. Quy định này theo đại diện các trường là phù hợp.

TS Lê Trung Đạo cho rằng việc thay đổi trong quy định xét học bạ nhằm bảo đảm các em phải duy trì học tập đến khi kết thúc lớp 12. Cơ hội của thí sinh vào ĐH rộng mở hơn cho thí sinh chứ không bị thu hẹp.

TS Trần Đình Lý cho rằng xét học bạ là phương thức nhằm bảo đảm xét tuyển cho nhà trường, tăng cơ hội cho thí sinh. Trước đây, trường chỉ có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển, năm nay nhà trường nâng lên 6 tổ hợp xét tuyển. Trong đó, môn giáo dục kinh tế và pháp luật có vai trò rất quan trọng đến những ngành đào tạo của nhà trường. Với phương thức này, nhà trường áp dụng tuyển sinh cho cả 3 chương trình đào tạo tại trường gồm chương trình tiên tiến, chương trình nâng cao, chương trình chuẩn.

TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, thông tin rằng trường chỉ xét học bạ với thí sinh tốt nghiệp 2025. Những thí sinh tốt nghiệp THPT 2024 trở về trước muốn xét tuyển vào trường phải thi tốt nghiệp THPT hoặc thi đánh giá năng lực.

Như nhiều năm trước, các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, từ năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các trường phải quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển.

Đừng đăng ký "đại"

TS Trần Đình Lý cho rằng quy chế thi, xét tuyển hằng năm được điều chỉnh theo hướng tốt hơn nhưng vấn đề xuyên suốt là các em phải khám phá ra năng lực của mình để tìm ra ngành nghề phù hợp.

Theo TS Trần Đình Lý, thí sinh trước tiên cần tìm hiểu xem mình thích, phù hợp với nghề nào sau đó tìm ngành nào đào tạo ra để làm nghề đó, trường nào đào tạo ngành đó. Khi đăng ký cũng cần tìm hiểu kỹ các chương trình đào tạo ở trường vì mỗi chương trình có quy định học phí, điều kiện học khác nhau. Không ít thí sinh do đăng ký sai mà sau 1-2 năm học ĐH phải thay đổi.

TS Trần Đình Lý nhận định xét tuyển là vấn đề quan trọng để đánh giá mức độ thành công của chương trình hướng nghiệp cho học sinh, thí sinh.

Trong quá trình xét tuyển, thí sinh trước tiên cần chọn nghề, ngành phù hợp, sau đó chọn các trường có đào tạo ngành muốn học và sắp xếp thứ tự ưu tiên dựa theo năng lực học, tài chính.

Nếu thí sinh lỡ chọn phải ngành chưa phù hợp thì có thể học cùng lúc 2 chương trình nhưng điều này cũng cần chứng minh năng lực học tập hoặc thi lại năm sau. Tốt nhất thì thí sinh cần xem xét thật kỹ lưỡng ngành nào phù hợp trước khi thực hiện đăng ký xét tuyển.

TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, lưu ý thêm thí sinh nên xem và thu thập thông tin để chọn ngành. Hiện nay, việc đào tạo không đơn ngành mà là liên ngành. "Không nên chạy theo ngành "hot" mà mình không phù hợp mà phải làm cho mình "hot". Phải cập nhật kiến thức thường xuyên" - TS Đạo khuyên.

Điều chỉnh đề thi đánh giá năng lực

Thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết kỳ thi bước sang năm thứ 8 và được chứng minh là tin cậy để xét tuyển.

Theo ông Chính, năm 2025, kỳ thi vẫn diễn ra 2 đợt, số lượng câu hỏi vẫn là 120 với 150 phút làm bài thi trên giấy. Đề thi với 3 phần: (1) Sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh) ; (2) toán học; (3) tư duy khoa học với các nội dung logic - phân tích số liệu, suy luận khoa học.

TS Nguyễn Đức Chính cho biết khác với đề thi năm 2024 trở về trước, đề thi từ năm 2025 có những điều chỉnh phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, đề thi chỉ điều chỉnh về cấu trúc. Những câu hỏi của phần 3 sẽ không hỏi chuyên sâu kiến thức mà cung cấp vấn đề, thí sinh sử dụng năng lực suy luận để tìm đáp án. Điều này phù hợp với mọi thí sinh.

Huy Lân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thay-doi-trong-tuyen-sinh-giup-thi-sinh-rong-cua-vao-dai-hoc-196250218211350741.htm