Thay đổi tư duy để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi
Sau khi nghỉ hưu hơn 2 năm, ông L.V.H trú tại phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội đã quyết định chuyển sang làm nghề xe ôm.
Theo ông H., ông nghỉ hưu với mức lương hưu 4 triệu/tháng không đủ cho sinh hoạt cá nhân, ốm đau, hiếu hỉ, mua quà cho cháu... Sức khỏe còn nên ông quyết định gia nhập đội ngũ xe ôm đầu phố. “Từ ngày đi làm, thu nhập thêm một ngày vài chục nghìn cũng đỡ được phần nào cùng với lương, nhưng quan trọng là tôi thấy khỏe hơn, đầu óc cũng được thoải mái hơn vì được tiếp xúc với mọi người, hơn là ru rú ở nhà xem tivi”.
Cách đây 3 năm, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Diễn đàn “Kinh tế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi (NCT)”, thông tin tại Diễn đàn cho thấy, phần lớn người lao động nghỉ hưu chủ yếu dựa vào lương hưu trong khi sức khỏe và khả năng lao động vẫn còn. Nhưng đa số NCT có nhu cầu làm việc không biết tìm việc ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè, cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Bên cạnh đó, nhiều NCT có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu vốn.
Thời gian vừa qua, Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích người nghỉ hưu tiếp tục tham gia lao động nhưng còn nhỏ lẻ, chỉ tập trung ở một số đối tượng. Ở góc độ pháp lý, hiện nay các quy định về “người cao tuổi”, “tuổi nghỉ hưu”, “người lao động cao tuổi” chưa thống nhất trong các văn bản pháp luật như: Luật Người cao tuổi, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Lao động…
Dạy khởi nghiệp, tìm nghề và tạo việc làm NCT - đó là vấn đề trọng tâm của Hội thảo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) vừa tổ chức ngày 26/9.
Tại Hội thảo, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh trên thế giới. Dự báo đến năm 2038, nhóm NCT ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ tương đương với các nước có dân số già nhất như: Nhật Bản, Hàn Quốc. Theo báo cáo tại Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với NCT năm 2020, phần lớn NCT tại Việt Nam đều trong tình trạng cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao (khoảng 20% dân số). Số lượng NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức lương...
Cũng theo ông Dũng, để hỗ trợ NCT trong các lĩnh vực, từ năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH đã trình bày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT, giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, cũng đã đề cập đến các nội dung hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho NCT. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2025: Ít nhất 50% NCT có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, ít nhất 20.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; giai đoạn 2026 - 2030: Ít nhất 70% NCT có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, ít nhất 30.000 NCT được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp...
Dưới góc độ của các chuyên gia nước ngoài đến từ tổ chức ILO, Australia, CHLB Đức đã có chia sẻ kinh nghiệm về các phương thức tổ chức hoạt động, chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề cho NCT. Tại các nước này đã có định hướng và NCT nhận thức từ rất sớm đối với lộ trình thích ứng, chuyển đổi nghề nghiệp khi nghỉ hưu: có tới trên 50% đối tượng nghỉ hưu mong muốn tiếp tục được làm việc; 25% NCT có nhu cầu được chuyển đổi nghề nghiệp, được tham gia đào tạo thường xuyên để có các kỹ năng khởi nghiệp...
Trước đó, khi bàn về góc độ pháp lý, theo nhiều chuyên gia cần thay đổi tư duy về vấn đề tạo việc làm cho NCT: NCT có quyền tham gia lực lượng lao động theo nguyện vọng của mình, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện pháp luật trên các phương diện cụ thể như: y tế, thu nhập, an sinh xã hội,… cho người lao động cao tuổi; cơ chế bảo đảm thực hiện pháp luật về người lao động cao tuổi có sự ràng buộc của cả 3 bên trong quan hệ lao động: Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động...
Có thể nói, vấn đề hướng nghiệp, đào tạo nghề, tạo việc làm cho NCT đặc biệt trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số, tác động sau đại dịch COVID-19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách. Điều kiện mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những giải pháp khác nhau, nhưng cần đặc biệt coi trọng đến đào tạo các kỹ năng số, giúp NCT thích ứng với công nghệ thông tin để có thể hòa nhập với sự phát triển của xã hội; sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với đơn vị đào tạo nghề, đào tạo thường xuyên chuyển đổi nghề nghiệp cho NCT, từ đó tạo môi trường việc làm cho NCT bảo đảm an toàn, phù hợp theo từng độ tuổi…