Thay đổi tư duy du lịch hậu Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát nửa đầu năm 2020 khiến nhiều ngành kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nặng nề, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong bối cảnh đó, kích cầu du lịch nội địa đang là biện pháp được Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ đẩy mạnh thực hiện, và đã cho thấy những hiệu quả khả quan bước đầu.
Du lịch - một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19
Theo báo báo của Tổng cục Du lịch, ngành này đã bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. Thống kê cho thấy, tổng thu từ du lịch 5 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 150.300 tỷ đồng, giảm tới 47,4% so với cùng kỳ 2019. Tuy hoạt động du lịch nội địa đến thời điểm này đã dần được phục hồi khi các quy định giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nhưng với du lịch quốc tế thì khác, hoàn toàn ngừng trệ kể từ tháng 3 năm 2020 đến nay.
Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, từ nay đến cuối năm 2020, ngành du lịch tiếp tục còn gặp khó khăn. Nếu khống chế được dịch bệnh tốt như hiện tại, lượng khách nội địa năm 2020 sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Với khách quốc tế, trong trường hợp có thể bắt đầu đón được khách từ quý III năm nay thì lượng khách có thể đạt từ 6-8 triệu lượt; nếu đón từ quý IV/2020 thì có thể đạt được 4,5 - 5 triệu lượt, kém xa so với mục tiêu của ngành du lịch là năm 2020 phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Hướng đi nào cho ngành du lịch Việt Nam bối cảnh hậu Covid-19?
Tại Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” do Tổng cục Du lịch tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm mà các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nên chủ động thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường thông qua khởi tạo liên kết kích cầu du lịch nội địa với những gói sản phẩm khép kín, hấp dẫn, giá ưu đãi, nhưng cũng rất linh hoạt để đáp ứng các nhu cầu thường xuyên thay đổi của du khách. “Sự bắt tay hợp tác của các doanh nghiệp lớn trong ngành du lịch chắc chắn tạo cú hích mạnh hơn, hiệu quả hơn, góp phần định hướng và khôi phục thị trường du lịch trong nước thời gian tới”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị nói trên, ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch cho rằng, trước khi làm xúc tiến cần làm truyền thông. "Trong thời gian cách ly xã hội, chúng ta đã làm mạnh qua trang web vietnamtravel. Covid-19 làm thay đổi công tác xúc tiến và truyền thông. Khi có tín hiệu tích cực sẽ có buổi gặp chính thức với các hãng truyền thông quốc tế tại Việt Nam, tiếp tục làm việc với các đại sứ quán, cùng với hàng không có những đề xuất liên quan. Chúng tôi có kế hoạch vừa truyền thông vừa quảng bá, phối hợp các bên, đồng hành cùng các tập đoàn, đối tác", ông Đức nói.
Về phía các doanh nghiệp lữ hành, bà Trần Thị Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Kỳ quan Thế giới chia sẻ, bản thân bà cũng đang hướng hoạt động của Công ty tới du lịch nội địa, đẩy mạnh các tour trong nước. Theo bà Hường: “Hiện tại đang là thời điểm vàng để phát triển du lịch nội địa. Công ty chúng tôi chủ yếu tập trung vào các tour trong nước với những địa điểm chủ yếu như vịnh Hạ Long - vịnh Lan Hạ, Đà Nẵng - Hội An, Cát Bà, Phú Quốc,… để đẩy mạnh du lịch trong nước, đưa thêm nhiều khách đến với du lịch nội địa.”
Đại diện một hãng lữ hành khác chia sẻ, mọi năm vào thời điểm mùa hè tháng 7, tháng 8 này rất hot các tour du lịch Hàn Quốc, Nhật Bản, tour Nga mùa thu. Nhưng hè 2020 này có sự khác biệt, các tour vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Phú Yên… được phát triển tập trung, khách du lịch cũng tìm đến các tour trong nước nhiều hơn so với mọi năm. Đặc biệt các dịch vụ combo vé máy bay, khách sạn… từ các doanh nghiệp cũng có tác dụng hỗ trợ đối với tour nội địa. Chẳng hạn như giá combo tour 2 ngày 1 đêm du thuyền Hạ Long - Lan Hạ với du thuyền 5 sao trọn gói chỉ là 2.750.000/người, trong khi đó giá trọn gói của tour này của hè năm ngoái là 4.000.000/người.
Về phía khách du lịch, cũng có những thay đổi về nhu cầu đi du lịch. Thay vì tận hưởng mùa lá phong đỏ Hàn Quốc hay tới Nhật Bản thưởng thức văn hóa ẩm thực mới lạ, khách du lịch Việt Nam lựa chọn du lịch các điểm đến trong nước.
Bạn Thái Nguyễn Bích Ngọc, 21 tuổi, hiện sống tại Hà Nội chia sẻ: “Gia đình đầu năm có dự định hè này sẽ có chuyến đi thăm đảo Jeju và thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Nhưng vì tình hình đặc thù năm nay, bạn cùng với bố mẹ và em gái quyết định khám phá vẻ đẹp quê hương. Bạn đã đến Đà Nẵng - Hội An vào tháng 7 này.
“Ngay trong đất nước mình vẫn còn nhiều kỳ quan và điều thú vị mà mình chưa có điều kiện khám phá. Xu hướng “kích cầu du lịch nội địa” hiện nay đang tạo thêm cho mình cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam trên khắp đất nước. Mình rất hào hứng với điều đó”. Bích Ngọc chia sẻ.
“Kích cầu du lịch nội địa” không chỉ là tư duy mới trong ngành du lịch Việt Nam những năm gần đây, mà nó như một cơ hội để người Việt Nam yêu thích du lịch có thêm cơ hội trải nghiệm và thư giãn ở nơi có phong cảnh đẹp ngay trên quê hương mình. Đây cũng là dịp để ngành du lịch, các hãng lữ hành và các đơn vị khai thác du lịch… thay đổi tư duy, cải tiến chất lượng dịch vụ và hướng nhiều hơn đến khai thác đối tượng khách trong nước.
Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/thay-doi-tu-duy-du-lich-hau-covid19-36293.html