Thay đổi tư duy giải ngân vốn đầu tư công

Thay vì phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn là phấn đấu giải ngân càng nhiều càng tốt, không chạy theo thành tích nếu công trình, dự án chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục đầu tư.

Do Covid-19, nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội của hầu hết các nước trên thế giới đều chậm lại.

Nhiều bộ, ngành, địa phương sắp cán đích

Theo Bộ Tài chính, nếu trong 8 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gần 471.033 tỷ đồng), thì kết thúc tháng 9, tỷ lệ giải ngân đã đạt trên 57% nhờ tháng 9 giải ngân hơn 33.915 tỷ đồng, đã có 23 địa phương giải ngân trên 60% kế hoạch vốn.

“Nhiều bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân rất ấn tượng như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đạt 100% kế hoạch, Ngân hàng Chính sách xã hội (trên 95,2%), tỉnh Hưng Yên (87,73%), Ninh Bình (82,46%), Thái Bình (79,5%)… Song vẫn còn 11 bộ, ngành và một địa phương kết thúc 9 tháng đầu năm mới giải ngân được dưới 20% kế hoạch”, Bộ Tài chính cho biết.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng, 3/4 thời gian năm 2020 đã trôi qua, giải ngân mới đạt 57% kế hoạch, dù không đạt như kỳ vọng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhưng kết quả này hết sức ấn tượng vì cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

“Nếu đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thì dù giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so với kế hoạch, nhưng là kết quả hết sức ấn tượng, vì khối lượng giải ngân tăng tới 31% so với cùng kỳ năm 2019. Đây chính là động lực để nền kinh tế bứt phá trong quý IV, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm nay”, ông Thúy bình luận.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 9 tháng năm 2020 chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước 9 tháng tăng tới 33% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016 trở lại đây.

Ông Thúy cho biết, do Covid-19, nên tốc độ giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội của hầu hết các nước trên thế giới đều chậm lại. Vì vậy, để ngăn cản suy giảm kinh tế, nhiều nước buộc phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng không có nhiều nước thành công như Việt Nam. Bởi bên cạnh việc Việt Nam thành công trong kiểm soát, ngăn ngừa, đẩy lùi được đại dịch Covid, còn có sự quyết tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phấn đấu giải ngân 95-97% kế hoạch vốn

“Với tiến độ này, nếu không hoàn thành kế hoạch, thì ít nhất cũng đạt 95-97% kế hoạch vốn năm 2020 và nguồn vốn các năm trước chuyển sang. Đây là động lực vô cùng quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu 2% trong năm 2020”, ông Thúy kỳ vọng.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khối lượng 40% số vốn đầu tư công chưa giải ngân hết là thách thức cho những tháng cuối năm. “Trước đây, tôi cho rằng, muốn đẩy nhanh vốn đầu tư công, phải đặt vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng đến bây giờ, ngoài trách nhiệm của người đứng đầu, cũng cần phải thay đổi tư duy”, ông Dương phát biểu.

Theo ông Dương, thay vì phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn là phấn đấu giải ngân càng nhiều càng tốt, không chạy theo thành tích nếu công trình, dự án chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục đầu tư. Vấn đề là phải tập trung giải ngân vốn cho các dự án có ảnh hưởng lan tỏa, dự án lớn, dự án tác động đến nhiều địa phương (như 3 dự án đường cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công ngày 30/9/2020).

Tuy nhiên, với những công trình “ngàn tỷ” này, bắt buộc phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình quản lý, đầu tư, xây dựng. “Đầu tư công là một trong những lĩnh vực được chỉ ra là để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng nhiều nhất. Phấn đấu giải ngân 95-97% kế hoạch vốn, nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng”, ông Thúy nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), ông Dương Mạnh Hùng, trong bối cảnh đầu tư của khu vực tư nhân tăng trưởng chậm, muốn thúc đẩy đầu tư toàn xã hội - động lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế - buộc phải đẩy mạnh đầu tư công. Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với những quy định mới, nhiều thủ tục đã đơn giản hơn, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn.

“Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư đối với từng dự án cụ thể. Trong đó, phải tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng, bàn giao sớm mặt bằng cho nhà thầu thi công và kiên quyết thu hồi vốn đối với những dự án chậm triển khai để bố trí phân bổ vốn cho những dự án có khả năng thực hiện và thu hút được đầu tư”, ông Hùng đề xuất.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thay-doi-tu-duy-giai-ngan-von-dau-tu-cong-d130677.html