Thay đổi tư duy hệ thống để phát triển HTX xứng tầm
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường ngày càng cạnh tranh và thay đổi rất nhanh. Điều này đòi hỏi không chỉ các HTX mà các cơ quan quản lý cũng phải nhanh nhạy và linh hoạt trong phản ứng, trong cách thức tổ chức và hoạt động quản lý nhằm đáp ứng cung cầu của thị trường trong tình hình mới.
Nhu cầu thị trường về rau thủy canh rất lớn, nhưng HTX Tuấn Ngọc (TP.HCM) gặp khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng và những vướng mắc về thủ tục xây dựng nhà kính, công trình phụ trợ.
Mới chỉ nhìn vào... điểm yếu
Không chờ đợi vào sự tháo gỡ của các cơ quan quản lý, HTX này đã phát triển các vườn rau vệ tinh ở các địa phương lân cận. HTX cũng liên kết với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ AI vào sản xuất và quản lý theo hướng công nghệ cao.
Sự nhanh nhạy trong sản xuất và tiếp cận thị trường của HTX Tuấn Ngọc không chỉ giúp mô hình này đề cao chất lượng, mà HTX còn định hình được cách thức tổ chức, hoạt động trong hiện tại và tương lai.
Có thể thấy, nhằm phát triển, thích ứng được với nền kinh tế hội nhập, HTX cần thay đổi nhận thức, tư duy để có những cách làm mới, từ đó mang lại hiệu quả mới trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Liên hiệp HTX nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (Hà Nội) cho rằng, nếu một tổ chức có nhiều người tiềm năng, đổi mới trong tư duy, luôn sáng tạo trong sản xuất kinh doanh và quản lý, lại hợp tác với nhau theo mô hình kinh tế tập thể và được sự hỗ trợ hữu hiệu từ các cơ quan quản lý, sẽ gặt hái được những thành công lớn mà một người không thể nào đạt được.
Kinh tế tập thể, HTX đã được kiểm chứng và khẳng định từ lý thuyết đến thực tiễn ở trong nước và thế giới rằng, đây là một trong những mô hình tối ưu để tạo ra sự hợp tác nhằm gặt hái thành công lớn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn người dân và không ít cơ quan quản lý hiện nay chỉ tập trung nhìn vào điểm yếu của mô hình HTX như cách thức quản lý, góp vốn...., chứ chưa nhìn vào điểm mạnh của mô hình này để có cách thức sản xuất, quản lý phù hợp.
PGS TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chiến lược Việt Nam cho biết, ông đã đi thực tế tại nhiều HTX và thấy HTX chính là con đường làm ăn của những người nông dân. Kinh tế tập thể, HTX đã luôn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại, với những ưu điểm vốn có của nó là hướng đến những thành tựu, mục đích chung, chứ không phải phục vụ mục đích cá nhân. Và HTX chỉ có thể vận hành hiệu quả khi các thành viên đạt đến một trình độ nào đó cả trong hành động và tư duy.
Tuy nhiên, PGS TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, cách hình thành HTX và cách quản lý HTX hiện chưa tạo ra sự bình đẳng, khiến HTX khó cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác, nên phần nào tác động đến tư duy của người dân, của chính thành viên HTX và cơ quan quản lý mô hình này. Chính vì vậy mới có nhiều HTX ở các địa phương tuy có quy mô lớn nhưng lại đang bị "kìm hãm", từ đó không tạo ra được sức mạnh cho kinh tế tập thể, HTX phát triển đúng hướng, đúng bản chất.
Nâng đỡ HTX phát triển
Thực tế thì một nông dân hay mỗi cá nhân dù vào trong một tổ chức nào đó đều không thể tránh khỏi những cảm xúc, những suy nghĩ tiêu cực ở một thời điểm nhất định. Trong khi nói đến nông dân là phải nói đến HTX. Chính vì vậy, thay vì đeo bám cách nhìn tiêu cực về kinh tế tập thể, hãy tìm hiểu về vai trò, bản chất của HTX để có cách nhìn đúng và thiện cảm về mô hình này.
Theo các chuyên gia, trong phát triển kinh tế không chỉ đơn thuần có vấn đề đầu tư, vốn, phân chia lợi nhuận.... Mà trong kinh tế học gần đây đã có kinh tế hỗ trợ, kinh tế học đoàn kết dựa trên giá trị xã hội là chính. Đây là những giá trị để kết nối con người cùng mục tiêu, mục đích để cùng phát triển hoạt động, nâng cao lợi ích của thành viên tham gia. Và HTX cũng chính là như vậy. HTX sinh ra không phải chỉ vì nhu cầu của xã hội mà còn có vai trò quan trọng là sửa chữa khiếm khuyết, những bất cập của thị trường.
Giai đoạn hiện nay, phát triển kinh tế tập thể, HTX là nhu cầu khách quan, tất yếu vì thực tế đang thiếu một yếu tố để thúc đẩy kinh tế thị trường. Nông dân nếu làm việc nhỏ lẻ, không thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chế biến. Nông dân tự sản xuất cũng sẽ cạnh tranh lẫn nhau, khó kiểm soát khiến nền nông nghiệp xảy ra tình trạng khó quản trị chất lượng: từ đầu vào sản xuất, đến đóng gói, sơ chế, chế biến… Chính vì vậy, cần có HTX để kiểm soát, liên kết với doanh nghiệp. Còn nếu doanh nghiệp thuê các khâu sản xuất từ bên ngoài sẽ đội chi phí, giảm tính cạnh tranh.
TS Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, cho rằng ở các nước châu Âu, 60% sản lượng nông sản đi qua HTX, nhưng tại Việt Nam chỉ là 10%, và cũng chỉ có khoảng 24% HTX trong tổng số gần 30.000 HTX có liên kết với doanh nghiệp. Như vậy, Việt Nam đang thiếu liên kết, tổ chức lại nông dân dẫn tới thị trường bấp bênh. Do đó, muốn phát triển nông nghiệp cần phát triển HTX, bởi không có HTX thì không có doanh nghiệp và không có chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, để phát triển được HTX cần sự thay đổi nhận thức, tư duy của cả hệ thống từ người trực tiếp tham gia HTX, trực tiếp quản lý HTX đến những cơ quan quản lý HTX theo hướng: chuyển đổi "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp", từ "tìm kiếm thị trường" sang "nghiên cứu thị trường" để hướng tới "nông nghiệp đặt hàng" theo gợi ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một hội nghị về nông nghiệp ở Hải Dương.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phải thay đổi tư duy trong việc tạo lập chính sách liên quan đến kinh tế tập thể, HTX. Theo PGS TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng Ban Chính sách phát triển (Bộ NN&PTNT), ngoài việc phát triển số lượng HTX cần quan tâm phát triển chất lượng HTX. Bởi, Bác Hồ đã từng nói: muốn phát triển HTX nào thì phát triển thật tốt HTX đó. Khi muốn phát triển thật tốt một HTX phải định hướng xây dựng cho mô hình này một quỹ xã hội, để sau này, những người gắn bó lâu dài với HTX khi không còn sức làm việc trong HTX vẫn có cái để sống. Trong khi hiện nay chỉ những người tham gia trực tiếp mô hình HTX mới được tham gia bảo hiểm. Từ đó mới xảy ra thực trạng, một HTX có hàng trăm thành viên chính thức và liên kết nhưng chưa đến 10 người được tham gia chính sách bảo hiểm.
PGS TS Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng, để có những nhận thức, tư duy đúng về HTX, cần có những chính sách nâng đỡ khu vực này phát triển thay vì chạy theo những chỉ số, con số mơ hồ, không đúng với thực tiễn.