Thay đổi tư duy, tránh chuyện luật thoáng nhưng nghị định, thông tư lại tạo rào cản

Các đại biểu cho rằng thay đổi tư duy từ quản lý sang hành chính phục vụ, tránh chuyện tạo rào cản, thêm thủ tục... trong các nghị định, thông tư.

Tại phiên thảo luận tổ ngày 23-5 về tình hình kinh tế - xã hội, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM) đề cập đến mục tiêu phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Không để nghị định, thông tư tạo ra rào cản

Ông Hiển cho biết qua rà soát, có những vấn đề đã đặt ra nhưng thực hiện chưa được như mong muốn. Dẫn chứng, quy định đặt ra mỗi mặt hàng chỉ phải chịu sự quản lý của một cơ quan chuyên ngành đặt ra từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể ban hành nghị định quy định về vấn đề này.

 Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Đỗ Đức Hiển (TP.HCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Thực tế vẫn có những mặt hàng đang chịu quản lý của hai hay nhiều cơ quan, thậm chí là nhiều tiêu chuẩn khác nhau… Theo đại biểu đoàn TP.HCM, điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông đề nghị sớm rà soát toàn bộ các văn bản, thủ tục đã ban hành, xem những gì đề ra đã làm được, chưa làm được để có giải pháp khắc phục.

Theo tư duy mới về xây dựng pháp luật, Quốc hội ban hành luật với những quy định mang tính nguyên tắc, Chính phủ và các bộ quy định các vấn đề chi tiết, về tổ chức thực hiện, trình tự thủ tục. Sự thay đổi này dẫn tới số lượng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, bộ ngành tới đây sẽ rất nhiều, đòi hỏi phải có sự giám sát, quản lý chặt chẽ. “Phải làm sao khi luật đã ban hành, đã mở ra cơ chế thì đến nghị định, thông tư cũng phải mở, nếu không sẽ tạo ra rào cản”- đại biểu Đỗ Đức Hiển nói.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh hoàn thiện thể chế và khung khổ pháp lý là một trong những yêu cầu trọng tâm hiện nay của Đảng, Nhà nước. Điều này được thế hiện ngay trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Nêu yêu cầu giảm 30% thủ tục hành chính, ông Đức đề nghị mỗi bộ, ngành cần rà soát xem đang có bao nhiêu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực mình. Cùng đó, phải giảm thiểu đến mức thấp nhất chi phí tuân thủ pháp luật, tránh những lỗ hổng dẫn đến vi phạm pháp luật.

“Luật quy định rõ nhưng nghị định, thông tư lại đặt ra những điều kiện, thủ tục, gây khó trong thực thi”– ông nói và khẳng định đôi khi chỉ một chi tiết rất nhỏ thôi nhưng đã làm phát sinh chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức. Ảnh: QUANG PHÚC

Hay cùng một đối tượng chịu sự tác động nhưng có nhiều văn bản khác nhau của nhiều bộ, ngành khác nhau điều chỉnh dẫn đến việc chỉ một lĩnh vực hoạt động hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng phải chịu sự tác động của mấy loại giấy phép.

Theo đại biểu, điều quan trọng nhất hiện nay là phải thay đổi tư duy từ quản lý sang hành chính phục vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số để mọi thủ tục diễn ra nhanh gọn nhất, người dân không phải đi lại nhiều lần, nhất là trong bối cảnh sáp nhập tỉnh.

Không để tài sản công lãng phí dù chỉ một ngày

Đề cập công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho biết trong buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương chiều 22-5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh nếu không triệt để chống lãng phí và thực hành tiết kiệm, rất khó có thể đạt được mục tiêu 8% tăng trưởng kinh tế.

Trong nhiều bài viết, phát biểu trước đây, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh phải thay đổi nhận thức, coi lãng phí như một mặt trận chống giặc nội xâm. “Nhưng nhận diện thế nào là lãng phí lại là câu chuyện phải bàn ở rất nhiều lĩnh vực”- ông Đức nêu thực tế.

Theo ông Đức, một số công trình, dự án được đầu tư từ nhiều năm trước nhưng bây giờ vẫn chậm tiến độ và cũng không biết khi nào mới về đích. Do vậy phải nhìn thẳng vào sự thật, tăng cường thanh tra, kiểm tra để làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục cùng lộ trình cụ thể. Bởi dự án càng kéo dài thì càng lãng phí, lãng phí về thời gian, tiền bạc, nhân lực, vật lực.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho hay một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đưa ra sắp tới có nêu tăng cường quản lý và sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức. Ông nói trong các buổi tiếp xúc hay kiến nghị từ cử tri vẫn cho thấy còn một vài bộ phận, một số cán bộ vẫn chưa sử dụng đúng tài sản công.

“Có những cử tri đặt câu hỏi thắc mắc cán bộ, cơ quan đó đã sử dụng đúng các tài sản công hay chưa, đi những loại xe sang như vậy có phù hợp với vị trí hay chưa…” – ông Đức dẫn chứng.

“Từ một chi tiết nhỏ thành chi tiết to, dần dần trở thành lãng phí” – ông nói thêm và đề nghị cần siết lại đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn với những người, những cơ quan sử dụng loại tài sản công.

Hay sau khi sáp nhập bộ máy hành chính, nhiều trụ sở công dôi dư không được sử dụng gây lãng phí. “Các bộ, ngành, địa phương thuộc diện sáp nhập dôi dư tài sản phải có danh mục, tính toán chuyển đổi công năng khẩn trương, không để lãng phí dù chỉ một ngày”– đại biểu Đức đề nghị.

 Đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) cũng đánh giá việc tháo gỡ các dự án, chậm thu hồi các dự án theo kết luận điều tra, thanh tra, kiểm toán là điểm nghẽn lớn. Nhiều vụ án đã đưa ra xét xử, có những dự án hàng nghìn tỉ đồng nhưng sau nhiều năm vẫn “án binh bất động”.

“Đây là thách thức lớn phải tập trung giải quyết”– ông nói và đề nghị dự án nào thuộc thi hành án thì nhanh chóng thi hành án; dự án nào giao cho cấp thẩm quyền địa phương thì phải tổ chức thực hiện nhanh.

“Dù cũng có những vướng mắc nhưng với tài sản mang giá trị lớn, đất vàng, cứ để như thế người dân sẽ đánh giá công tác quản lý, thực hiện của cơ quan quản lý chưa nghiêm túc”- ông Sang nói và mong muốn các bộ, ngành có liên quan vào cuộc cùng gỡ vướng với địa phương.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thay-doi-tu-duy-tranh-chuyen-luat-thoang-nhung-nghi-dinh-thong-tu-lai-tao-rao-can-post851315.html