Thay đổi tư duy trong sản xuất lúa gạo: (Kỳ 2) - Những đổi thay mang tính bước ngoặt

Những tồn tại, bất cập trong ngành nông nghiệp nói chung và đối với người trồng lúa nói riêng đã diễn ra nhiều năm tưởng chừng khó tìm lời giải. Tuy nhiên, gần đây, với những nỗ lực của ngành nông nghiệp trong việc thúc đẩy cơ giới hóa, chuyển hướng sản xuất xanh, theo chuỗi giá trị... đã và đang từng bước tạo những đổi thay mang tính bước ngoặt cho ngành sản xuất này.

Mạ khay, cấy máy đang được mở rộng áp dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Cấy máy tại HTX Nam Thành, xã Yên Thành (Yên Mô).

Mạ khay, cấy máy đang được mở rộng áp dụng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Cấy máy tại HTX Nam Thành, xã Yên Thành (Yên Mô).

Động lực mới từ mạ khay, cấy máy

Sau 5 năm kể từ ngày Sở Nông nghiệp & PTNT đưa mô hình mạ khay, cấy máy về xã Khánh Trung (Yên Khánh), vẫn cánh đồng ấy, vẫn những người nông dân ấy nhưng tư duy đã đổi khác, không mạnh ai nấy làm, mỗi nhà mỗi khoảnh, mỗi giống khác nhau như trước kia nữa mà họ bảo nhau làm trên cánh đồng lớn, cấy đồng trà, đồng giống để thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất.

Ông Nguyễn Thế Phương, nông dân ở xóm 7, xã Khánh Trung phấn khởi: Trước kia, mỗi khi vào vụ, bà con chúng tôi rất vất vả, nào là làm đất, ngâm ủ giống, gieo… Đã thế, chẳng may gặp thời tiết bất thuận còn phải gieo mạ lại nhiều lần. Đặc biệt, với những gia đình neo người, thiếu lao động, việc thuê mướn nhân công hết sức tốn kém, không đảm bảo được thời vụ. Tuy nhiên, từ khi đưa máy cấy vào, nông dân chúng tôi chẳng phải động tay, mọi việc đã có Tổ dịch vụ mạ khay cấy máy của xã lo, một mẫu hay vài héc ta cũng chỉ cần vài giờ là xong. Quá trình sản xuất được sự hướng dẫn kỹ thuật từ công ty bao tiêu, việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đều có sự cân nhắc theo phương thức "1 phải, 5 giảm" nên chi phí sản xuất cũng giảm hơn trước đây rất nhiều. Một sào lúa bán khoảng 1,5-1,7 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi khoảng 50%, con số này trước đây nằm mơ cũng không có.

Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân tích: 1 ha cấy máy trong vòng 2 giờ, sử dụng 2 người, trong khi đó 1 ha cấy bằng tay phải sử dụng 20 người làm trong 8 giờ. Không chỉ đảm bảo tiến độ gieo cấy, giảm công lao động, giảm lượng giống cần sử dụng, lúa cấy bằng máy còn tập trung, gọn vùng, gọn thửa, đồng giống, đồng trà, thuận lợi cho việc thu hoạch và đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông minh (sử dụng máy bay không người lái điều khiển từ xa để phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân), từ đó tiếp tục giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Lúa cấy bằng máy nhanh bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh khỏe. Do cấy thưa hàng nên cây lúa hấp thụ ánh sáng tốt, khỏe và hạn chế rất nhiều sâu, bệnh. Năng suất lúa cấy máy qua các vụ bằng hoặc đạt cao hơn so với cấy thủ công và gieo thẳng. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo mạ khay, cấy máy góp phần tăng thêm 15% giá trị gia tăng so với sản xuất truyền thống.

Với những ưu việt nêu trên, từ mô hình 12 ha ban đầu tại xã Khánh Trung, hiện nay, công nghệ sản xuất mạ khay, cấy máy đã và đang nhân ra ở các huyện, nhất là các huyện trọng điểm phát triển sản xuất lúa như Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn, năm 2022 đạt diện tích khoảng 1.500 ha.

Ông Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô chia sẻ: Trong bối cảnh lao động nông nghiệp ngày càng giảm, độ tuổi lao động ngày càng tăng, để giải quyết bài toán về thời vụ, trước đây, huyện đã đưa vào áp dụng phương pháp gieo thẳng. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nhận thấy nhiều hạn chế như tốn giống, không đồng đều, mất nhiều công dặm tỉa, dễ bị ngập úng; chuột, ốc bươu vàng, lúa cỏ dễ gây hại. Bà con buộc phải sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ ốc ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái, tận diệt sinh vật tự nhiên, tôm, cua, cá trên đồng ruộng, tích lũy chất độc, gây hại trực tiếp đến sức khỏe người dân. Chính bởi vậy, huyện đang phát triển phương pháp cấy máy trên đồng ruộng, hướng tới trở thành một trong những hình thức gieo cấy chủ lực của mùa vụ, dần xóa bỏ hình ảnh nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", đồng thời giải bài toán giảm chi phí, tăng thu nhập của người trồng lúa.

Bắt nhịp xu thế sản xuất hữu cơ

Song song với việc đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, từ năm 2018, Sở Nông nghiệp & PTNT bắt đầu triển khai chương trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Với mô hình này, nhiều nông dân bắt đầu làm quen với việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm lượng thuốc hóa học.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Liên Phương, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô thông tin: Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, năm 2019, HTX đã thí điểm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Ban đầu bà con cũng rất nghi ngại bởi dùng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học thì sẽ không thấy hiệu quả ngay trước mắt như thuốc hóa học được. Tuy nhiên, nhờ kiên trì giải thích cùng với kết quả cuối cùng là năng suất lúa qua 4 vụ liên tục ổn định và gia tăng đã thuyết phục được người nông dân. Từ vài ha ban đầu, giờ đây diện tích cấy lúa theo hướng hữu cơ của HTX đã tăng lên hơn 60 ha. Cũng theo ông Tú, cái được lớn hơn cả ở mô hình này là môi trường đồng ruộng và hệ sinh vật đã sinh sôi nảy nở, sức khỏe của bà con nông dân được đảm bảo hơn khi không phải tiếp xúc với các loại phân bón, thuốc trừ sâu hóa học. Do cùng cấy một giống, cùng làm theo quy trình an toàn, chất lượng hạt lúa được đảm bảo nên chuỗi lúa gạo của HTX được Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang bao tiêu toàn bộ với giá cả ổn định.

Thực tế, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sử dụng phân hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ. Bên cạnh cánh đồng sản xuất lúa sạch của HTX nông nghiệp Liên Phương, còn có HTX Nam Thành, xã Yên Thành; hay các mô hình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ ở xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh), xã Như Hòa, Hùng Tiến, Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn); xã Liên Sơn (huyện Gia Viễn)... Từ 15,7 ha năm 2018, đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được khoảng 1.700 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT đánh giá: Sản xuất lúa gạo của Ninh Bình thời gian qua đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt với việc tăng tỷ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao lên 75% (năm 2015 chỉ là 43%). Bên cạnh đó, việc từng bước nhân rộng các mô hình sản xuất cơ giới hóa đồng bộ, theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đồng bộ... đang góp phần quan trọng nâng cao giá trị gia tăng của hạt gạo, giúp cho người nông dân không "quay lưng" với cây lúa. Ngoài ra, đây cũng là một cách để tạo ra những sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu Ninh Bình; tạo không gian, môi trường lý tưởng cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, nhất là hình thức du lịch trải nghiệm. Kỳ 3: Động lực từ các chính sách

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

(Kỳ 1)- Khó khăn bủa vây người trồng lúa

(Kỳ 3)- Động lực từ các chính sách

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thay-doi-tu-duy-trong-san-xuat-lua-gao-ky-2-nhung-doi-thay/d20230215082859411.htm