Thay đổi về thẻ bảo hiểm y tế; lưu ý quan trọng dự án sân bay Long Thành
Thủ tướng: Tuyệt đối không để 'chạy chọt, xin cho' ở dự án sân bay Long Thành; lưu ý quan trọng về thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1/6; rà soát loạt dự án lãng phí, có cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua
Thủ tướng: Tuyệt đối không để 'chạy chọt, xin cho' ở dự án sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc kiểm tra và làm việc về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) giai đoạn 1 và các dự án giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị quán triệt tinh thần tự lực, tự cường, đặt mục tiêu vì đất nước, dân tộc lên trên hết; tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp, làm việc "xuyên ngày nghỉ, ngày Tết" (có chính sách bồi dưỡng thỏa đáng khi làm việc ngoài giờ), huy động lực lượng của các nhà thầu tham gia vào toàn bộ quá trình thi công.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại trong nửa đầu năm 2026.
Về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Thủ tướng khẳng định Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đến nay, điều đáng mừng là công trình đã có hình hài rõ nét. Tuy nhiên, các chủ đầu tư, nhà thầu và các bộ, ngành liên quan cần quán triệt mục tiêu không thay đổi của dự án là cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, đưa vào vận hành, khai thác thương mại vào nửa đầu năm 2026.
Đối với dự án thành phần 2, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) chỉ đạo khẩn trương triển khai công trình bảo đảm chất lượng để chạy thử vào tháng 10 năm 2025 theo như cam kết; phối hợp chặt chẽ với ACV để bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, phục vụ công tác chạy thử nghiệm thiết bị và khai thác, vận hành dự án.
Với dự án thành phần 3, đây là dự án có khối lượng công việc nặng nề nhất, đặc biệt là phần mái của Nhà ga hành khách đang được Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) tích cực triển khai. Thủ tướng lưu ý, ACV chỉ đạo khẩn trương thi công các hạng mục, triển khai thi công "3 ca, 4 kíp", phải "xuyên ngày lễ, ngày nghỉ", tích cực triển khai các gói thầu để cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Đối với dự án thành phần 4, Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật để doanh nghiệp đầu tư, trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; tuyệt đối không để "chạy chọt", "xin cho", tham nhũng, lãng phí.
Lý do Trung Quốc thu mua rất nhiều tôm Việt Nam
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm của Việt Nam ghi nhận những dấu hiệu tích cực với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở một số thị trường quan trọng.
2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 605 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ 2024. Riêng nhóm “tôm loại khác”, bao gồm tôm hùm, tôm càng xanh, tôm rừng… đạt mức xuất khẩu 216 triệu USD, tăng đột biến 222%. Mức tăng trưởng này phần lớn đến từ sự bứt phá của tôm hùm tại Trung Quốc. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 204 triệu USD, chiếm 34% tổng xuất khẩu tôm đi các thị trường và tăng mạnh 150% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm sú và tôm chân trắng đều giảm trong khi tôm hùm và tôm khác tăng cực mạnh. Điều này khiến Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm hùm của Việt Nam, chiếm đến 98-99%.

Tôm Việt Nam ‘lên ngôi’ tại Trung Quốc. Ảnh minh họa: IT.
Bà Kim Thu - chuyên gia thị trường tôm của VASEP - nhận định: “Hiện tôm nhập khẩu từ Việt Nam là mặt hàng thủy sản phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc. Người dân các thành phố giàu có như Bắc Kinh và Thượng Hải có xu hướng tiêu thụ tôm nhập khẩu nhiều hơn các khu vực khác”.
VASEP cho rằng, tôm Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường Trung Quốc là vì nguồn cung nội địa quốc gia “tỷ dân” này giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.
Lưu ý quan trọng về thẻ bảo hiểm y tế từ ngày 1/6
BHXH Việt Nam vừa có công văn gửi BHXH các khu vực; BHXH các tỉnh, thành phố về việc sử dụng phôi thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngày 1/6.
Theo đó, từ thời gian này, cơ quan BHXH chỉ thực hiện cấp mới thẻ BHYT giấy đối với các trường hợp không thể cài đặt các ứng dụng BHXH số (VssID), định danh điện tử (VneID) và không có căn cước công dân (CCCD) có gắn chip.

Từ 1/6, cơ quan BHXH Việt Nam chỉ sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID.
Đối với các trường hợp đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, BHXH Việt Nam yêu cầu cán bộ BHXH trực tiếp hướng dẫn người tham gia cài đặt ứng dụng VssID, ứng dụng VneID và hướng dẫn sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên VssID, VneID, CCCD có gắn chip để đi khám, chữa bệnh thay cho thẻ BHYT bản giấy.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT trong thời gian tổ chức, sắp xếp theo mô hình mới, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các khu vực và BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục sử dụng phôi thẻ BHYT cũ đến hết ngày 31/5.
Ngân hàng 'bơm' gần 200.000 tỷ đồng, vì sao doanh nghiệp vẫn khó vay?
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 12/3, tín dụng tăng 1,24% so với đầu năm (cùng kỳ tháng 2/2024 giảm 0,74%). Ước tính theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, quy mô tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 12/3 đạt 15,81 triệu tỷ đồng, tăng gần 194.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 và tăng xấp xỉ 164.000 tỷ đồng kể từ sau Tết Nguyên đán.
Theo một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay bởi doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện của ngân hàng. "Các ngân hàng không thể tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện để đảm bảo chất lượng tín dụng, tránh nợ xấu gia tăng", vị này cho hay.

Tăng trưởng tín dụng cao nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn khó vay vốn ngân hàng (ảnh: Như Ý).
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy phân tích, trong thời gian gần đây, các số liệu thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam đạt mức khá ấn tượng. Ngân hàng Nhà nước liên tục báo cáo rằng dòng vốn tín dụng đã được bơm vào nền kinh tế với tốc độ nhanh, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nghịch lý là nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn liên tục phản ánh rằng việc tiếp cận vốn ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Huy, tín dụng có tăng nhưng phân bổ không đồng đều. Một trong những lý do chính là dòng tín dụng không được phân bổ đồng đều giữa các ngành và các loại hình doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, phần lớn vốn tín dụng thường chảy vào các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn có uy tín hoặc các dự án bất động sản, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế - lại ít được tiếp cận. Các ngân hàng thường ưu tiên cho vay những khách hàng có tài sản thế chấp giá trị cao và hồ sơ tín dụng tốt, khiến các doanh nghiệp nhỏ, thiếu tài sản đảm bảo, rơi vào thế bất lợi.
Cơ quan sáp nhập, lao động hợp đồng thôi việc được hưởng chính sách gì?
Ông Nguyễn Văn Hùng (Bắc Ninh) thắc mắc, ông ký hợp đồng lao động với cơ quan nhà nước từ năm 2010, mọi chế độ được áp dụng như công chức, hiện cơ quan ông đang trong diện sáp nhập, nếu ông muốn thôi việc ngay và cơ quan đồng ý thì có được hưởng chế độ chính sách thôi việc theo Điều 10 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (Nghị định 178) không?.
Được biết, đến tháng 1/2025, thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của ông Hùng là 15 năm 1 tháng.

Lao động hợp đồng thôi việc và sẽ được hưởng chính sách khi cơ quan thuộc diện sáp nhập?. Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ cho biết, những trường hợp như ông Hùng được quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 2 Nghị định 178 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).
Nghị định 178 áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật trước thời điểm ngày 15/1/2019 và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động được áp dụng chính sách như công chức.
Trường hợp ông Hùng thuộc nhóm được áp dụng quy định nêu trên và được các cấp có thẩm quyền đồng ý, xem xét, phê duyệt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 178 thì ông hưởng chính sách thôi việc theo quy định tại Điều 10 Nghị định 178.
Chính sách nghỉ thôi việc với viên chức và người lao động quy định chi tiết tại Điều 10 Nghị định 178 (sửa đổi, bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 67).
Rà soát loạt dự án lãng phí, có cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức
Để chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ Xây dựng vừa quyết định vào cuộc rà soát các dự án lãng phí kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời hiệu quả.
Theo đó, Bộ Xây dựng giao Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cập nhật, bổ sung đầy đủ nội dung, thông tin, báo cáo theo yêu cầu tại Công điện 112 ngày 6/11/2024 của Thủ tướng về tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng dự án tồn đọng, dừng thi công; khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng, chống lãng phí, thất thoát.

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Theo đó, một loạt dự án nghìn tỷ đang thi công dở dang, lãng phí, gây bức xúc xã hội như: Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ, dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức, dự án chống ngập úng khu vực TPHCM… sẽ được Bộ Xây dựng vào cuộc, tìm giải pháp tháo gỡ để tiếp tục triển khai thi công, đưa công trình vào sử dụng trong thời gian tới.