Thấy gì khi hàng loạt phim Việt liên tiếp thu trăm tỷ
Phim Việt nửa đầu 2025 bứt tốc ngoạn mục với loạt tác phẩm trăm tỷ đồng. Nhưng đằng sau doanh thu khởi sắc là dấu hỏi về chất lượng và tính bền vững.

Một năm trước, thị trường nội địa vẫn đang ở giai đoạn khốc liệt, khi số phim thua lỗ thậm chí cao gấp đôi các tác phẩm có lãi. Tình trạng đó khiến không ít đạo diễn, các nhà sản xuất, nhà đầu tư chùn chân.
Song chưa đầy 12 tháng sau đó, bức tranh phòng vé gần như đã đảo chiều hoàn toàn. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, điện ảnh Việt đã có tới 9 tác phẩm cán mốc trăm tỷ - con số cao gấp đôi tổng của cả 2024 cộng lại.
Dẫu vậy, theo chuyên gia, việc tăng trưởng thần tốc kể trên thực chất đến nhiều từ yếu tố khách quan. Về nội tại, chất lượng các tác phẩm nội địa không có nhiều sự cải thiện so với những năm trước đó.
Bức tranh thương mại của điện ảnh Việt khởi sắc
Xét về số tác phẩm cán mốc trăm tỷ, nửa đầu 2025 có 9 dự án, gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khi tính đến số tiền kiếm được thực tế, tổng doanh thu nửa đầu 2025 rơi vào khoảng 1.900 tỷ đồng, chỉ tăng 26,9 % so với nửa đầu 2024 (khoảng 1.500 tỷ đồng).
Dễ nhận ra một số nghịch lý từ những con số trên, khi số lượng phim trăm tỷ tăng đột biến nhưng mức tăng doanh thu lại không vượt trội bằng. Nguyên nhân là bức tranh phim Việt năm ngoái bị chi phối rất nhiều bởi hai cái tên - Lý Hải và Trấn Thành.
Trong 1.500 tỷ doanh thu nửa đầu 2024, Mai (551 tỉ đồng) và Lật mặt 7 (435 tỉ đồng), chiếm tới hơn 65%. Số thị phần ít ỏi còn lại được chia cho 8 cái tên khác. Trong đó, 7/10 tác phẩm rơi vào tình trạng thua lỗ, với không ít dự án rời rạp chỉ sau ít ngày công chiếu. Thậm chí, Đóa hoa mong manh của Mai Thu Huyền chỉ thu hơn 400 triệu đồng. Mức chênh lệch giữa phim có doanh thu cao nhất và thấp nhất khoảng hơn 1.000 lần.




Thời điểm này năm ngoái, điện ảnh Việt chứng kiến hàng loạt tác phẩm thua lỗ.
Cũng từ đó, con số 1.500 tỷ đồng khi ấy khó có thể phản ánh đúng thực trạng khó khăn của phim thương mại Việt. Bấy giờ, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng cho biết ở Việt Nam, nếu không nằm trong top 3 đạo diễn hàng đầu thì hơi khó sống. Trong khi đó, đạo diễn Khoa Nguyễn chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng nếu tình hình khi đó kéo dài, anh lo ngại tầm 3 đến 5 năm nữa, sẽ không có thêm đạo diễn, nhà sản xuất nào mới ở mảng phim thương mại.
Không chỉ riêng 2024, tỷ lệ phim Việt thua lỗ những năm trước đó cũng luôn ở mức đáng báo động. Đơn cử năm 2022, có tới 28/38 dự án không thu hồi được vốn, nhiều phim thua lỗ nặng. Xa hơn, trong giai đoạn 2019-2021, theo thống kê từ Box Office Vietnam, có tới 54/74 phim Việt rơi vào tình trạng thua lỗ, chiếm 73%.
Trái ngược với những con số ảm đạm kể trên, năm 2025 chứng kiến một diện mạo gần như hoàn toàn khác của phim thương mại Việt. Không chỉ ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tích cực, mà 1.900 tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm còn được phân bổ đồng đều, không còn bộ phim nào vượt trội so với phần còn lại.
Với doanh thu 332 tỷ đồng, Bộ tứ báo thủ của Trấn Thành tạm thời vẫn là cái tên dẫn đầu phòng vé Việt 2025 . Tuy nhiên, nam đạo diễn không còn tạo ra khoảng cách áp đảo như một năm trước. Các đối thủ phía sau anh lần lượt là Nhà gia tiên (241 tỷ đồng), Thám tử Kiên (239 tỷ đồng), Lật mặt 8 (226 tỷ đồng) và Nụ hôn bạc tỷ (211 tỷ đồng)...
Trong số 12 phim thương mại phát hành nửa đầu 2025 (không bao gồm phim tài liệu và phim nghệ thuật), có đến 10 phim thắng lớn hoặc hòa vốn – tương đương 83%. Âm dương lộ và Yêu nhầm bạn thân là hai tác phẩm hiếm hoi có khả năng thua lỗ. Tỷ lệ này cao vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái, khi chỉ 3/10 phim ra mắt trong nửa đầu 2024 có lãi (30%).
Lý do phim Việt liên tục thu trăm tỷ
Trao đổi với Tri Thức - Znews, đạo diễn/nhà sản xuất Nguyễn Hữu Tuấn cho biết sự chuyển dịch đối tượng khán giả đến rạp chính là lý do giúp phim Việt tăng trưởng doanh thu thần tốc trong thời gian qua.
Anh giải thích: “Đối tượng khán giả xem phim đang có sự thay đổi rõ rệt. Trước đây, đa số đều ở các thành phố lớn, và họ thường xem phim Hollywood. Chính vì thế, doanh thu phim ngoại ngày trước thường áp đảo phim Việt. Nhưng hiện nay, do ở thành phố có nhiều hình thức giải trí khác, phim Hollywood cũng đi xuống, nên người xem có xu hướng ít ra rạp hơn.
Ngược lại, ở các tỉnh thành, việc tiếp cận rạp chiếu phim ngày càng thuận tiện và phổ biến. Thói quen đi xem phim của khán giả tỉnh cũng bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Họ vốn là những người quen thuộc hơn với phim Việt. Nhờ đó, doanh thu của phim Việt tăng lên nhanh chóng”.




9/12 phim thương mại phát hành đầu 2025 cán mốc trăm tỷ.
Tương tự, bà Ngô Bích Hạnh - phó chủ tịch BHD - chia sẻ với Tri Thức - Znews rằng tại các đô thị lớn, người dân không còn coi xem phim tại rạp là ưu tiên hàng đầu. Ngược lại, ở khu vực tỉnh và các thành phố vệ tinh, lượng khách hàng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, và họ là những khán giả rất yêu phim Việt.
Song với bà, lý do quan trọng hơn là do Hollywood đang suy giảm sức mạnh rõ rệt. “Ở nhiều quốc gia, điện ảnh địa phương đang dần chiếm lĩnh khoảng trống mà Hollywood để lại. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó”, bà Hạnh nhận định.
Chưa kể, Ngô Bích Hạnh còn chỉ ra trong giai đoạn này, nhiều nền công nghiệp điện ảnh lớn khác cũng đang gặp khó khăn. Điện ảnh Hong Kong năm vừa qua chỉ sản xuất khoảng 15% lượng phim so với thời kỳ đỉnh cao. Tại Hàn Quốc, trong năm 2024 và đầu 2025, số lượng phim mới khá ít, các dự án quy mô lớn trở nên khan hiếm. Trong bối cảnh đó, các nhà làm phim Việt đã biết chớp lấy thời cơ.
“Thị trường phim Việt gần đây ghi nhận sự xuất hiện của nhiều dự án được đầu tư lớn và triển khai bài bản”, bà nói.
Cùng quan điểm, nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng cũng cho rằng yếu tố tác động lớn nhất đến doanh thu phim Việt hiện nay là sự suy giảm của các thị trường phim ngoại. Ông phân tích: “Phim Hollywood đang yếu, phim Hàn Quốc cũng có dấu hiệu chững lại. Các loại hình giải trí khác như gameshow, truyền hình hay sân khấu kịch cũng không còn thu hút như trước”.
“Khi sức mua tập trung trở lại với phim Việt, những dự án được chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư bài bản sẽ có xác suất đạt doanh thu cao hơn. Đó là lý do gần đây thị trường xuất hiện ngày càng nhiều bộ phim chạm mốc trăm tỷ”, NSX kết luận.
Trước câu hỏi về việc tăng trưởng vừa qua chỉ là hiện tượng, hay thật sự là dấu hiệu cho thấy điện ảnh Việt đang phát triển hiệu quả, Nguyễn Hữu Tuấn nhận định chất lượng phim Việt không tăng lên, mà thậm chí có dấu hiệu lùi lại.
"Thực chất, đây là điều dễ hiểu khi rạp chiếu Việt đang tiếp nhận một lượng khán giả mới, chưa có nhiều trải nghiệm thưởng thức điện ảnh từ trước. Để đáp ứng nhu cầu của nhóm khán giả này, phim không thể quá phức tạp. Nếu làm phim quá khó hiểu thì sẽ không ai xem, thất bại là điều dễ xảy ra. Thái Lan cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Đó là lý do vì sao thời gian qua phim Việt quanh quẩn trong một vài thể loại nhất định", đạo diễn nhận định.

Điện ảnh Việt hưởng lợi từ sự đi xuống của Hollywood.
Cùng câu hỏi, Ngô Bích Hạnh lại cho rằng rất khó để khẳng định tương lai điện ảnh Việt sẽ ra sao. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh thời điểm hiện tại chính là bước ngoặt quan trọng của ngành.
“Đây là thời khắc then chốt để trả lời câu hỏi này. Nếu các nhà làm phim nỗ lực hết mình, nhà nước có những chính sách hỗ trợ cụ thể, cùng với sự đón nhận tích cực từ khán giả Việt, điện ảnh nước nhà sẽ có đà để phát triển mạnh mẽ”, phó chủ tịch BHD chốt lại.
Nguồn Znews: https://znews.vn/thay-gi-khi-hang-loat-phim-viet-lien-tiep-thu-tram-ty-post1555370.html