Thấy gì khi hoạt động đào tạo thương mại điện tử nở rộ?

Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng thông dụng; chủ trương Chính phủ cũng muốn đưa lĩnh vực này trở thành lĩnh vực dẫn dắt hoạt động số hóa, rõ ràng, đào tạo căn bản là cần thiết.

Trong tiến trình hướng tới nền kinh tế số, các chuyên gia khẳng định, ngành nghề nào thúc đẩy chuyển đổi số càng sớm-càng nhanh, hiệu quả tăng trưởng sẽ càng cao. Trong đó, Thương mại điện tử được coi là lĩnh vực tiên phong - khi từ nền tảng vận hành đến các hoạt động thuộc chuỗi giá trị đều có tính số hóa cao.

Đáng chú ý, nếu ngay trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, đây vẫn được coi là lĩnh vực “mới”, thì giờ đây, cộng đồng đã dần quen thuộc với cách thức giao thương này; số doanh nghiệp chuyên giao dịch mua-bán trực tuyến cũng nhiều hơn; hoạt động đào tạo thương nhân hay chuyên viên hỗ trợ cách thức này cũng ngày càng nở rộ. Điều này cho thấy thực tế gì?

Công ty cổ phần công nghệ Chatbot là doanh nghiệp trẻ có trụ sở chính tại Đà Nẵng, hoạt động chủ yếu dựa trên nền tảng số, với nhiều công đoạn liên quan đến thương mại điện tử. CEO của công ty này là Lê Anh Tiến – Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam 2021.

Khởi sự kinh doanh với nhiều dự án khác nhau, nhưng đến Bót Bán hàng (Chatbot), doanh nhân, doanh nghiệp này trở nên nổi bật – khi mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới khi mua hàng, đặt dịch vụ hay tìm kiếm thông tin trên Messenger một cách nhanh chóng. Bót Bán hàng đạt được nhiều giải thưởng lớn và phát triển mạnh khi có thể hỗ trợ kinh doanh trực tuyến, dựa trên công cụ Messenger của mạng xã hội Facebook.

Ảnh minh họa: KT

Ảnh minh họa: KT

Đặc biệt, Covid19 - chất xúc tác thúc đẩy thương mại điện tử, cũng là chất xúc tác giúp Công ty cổ phần công nghệ Chatbot lan tỏa nhanh hơn, sớm có thêm 2 chi nhánh tại Hà Nội, TPHCM. Đáng nói, theo doanh nhân trẻ Lê Anh Tiến, quá trính mở rộng quy mô, bài toán tuyển dụng là đau đầu nhất bởi mặt bằng chung nhân lực công nghệ không ít, nhưng số nhân lực có thể làm việc ngay không nhiều, đặc biệt là nhân lực thương mại điện tử.

Theo anh Tiến: "Nguồn nhân lực đang được đào tạo hiện chưa đáp ứng được thị trường, dẫn đến việc cạnh tranh khá gay gắt của các doanh nghiệp như là Chatbot của chúng tôi. Để có nhân sự chất lượng cao rất khó. Cho nên, giai đoạn đầu chúng tôi ưu tiên tuyển dụng nhân sự CLC để đáp ứng nhu cầu của công ty.

Giai đoạn thứ 2 chúng tôi hợp tác với các trường, sau đó nhận SV để đào tạo, tạo cho các em nhiều kinh nghiệm và chuẩn hóa nhân sự ngay từ đầu. Có như vậy mới có đủ nhân sự đáp ứng được nhu cầu đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, mở rộng thị trường ra các thị phần nước ngoài và tạo đòn bẩy vững chắc để tăng tốc".

Không phủ nhận, mạng xã hội đang đem lại hiệu quả kinh doanh cao cho nhiều doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp như Công ty cổ phần công nghệ Chatbot tìm cách tuyển dụng nhân sự phù hợp với nhu cầu kinh doanh hiện tại là bước đi hợp thời điểm.

Tuy nhiên, một khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho thấy, có 37% trong tổng số 5.000 doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả kinh doanh thông qua các trang mạng xã hội, tiếp sau là thông qua các website đăng ký tên miền rõ ràng và thông qua ứng dụng di động. Đáng chú ý, trong khảo sát này, lượng doanh nghiệp sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử đang có xu hướng tăng dần.

Các chuyên gia đào tạo nhân lực Thương mại điện tử, như ông Đặng Văn Tung - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thương mại, Bộ Công thương khẳng định: “Doanh nghiệp sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử tăng dần là tín hiệu tốt, bởi giao thương trên các nền tảng mạng xã hội sẽ chỉ lợi nhuận ngắn hạn – không thể góp phần phát triển ngành bền vững.

Có nghĩa, Công ty cổ phần công nghệ Chatbot cần sớm nhận diện xu hướng này và điều chuyển. Còn trên mặt bằng chung, các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử cần có chiến lược bài bản hơn, trong đó, phát triển nhân lực chất lượng cao là bài toán khó, cần được quan tâm".

"Nguồn nhân lực cho thương mại điện tử cần có khối kiến thức rất là rộng ở nhiều lĩnh vực từ kinh tế, CNTT, quản trị, ngoại ngữ… Để có được những mảng kiến thức như vậy thì đòi hỏi thời gian đào tạo cũng dài và phải có hệ thống. Chúng tôi đào tạo thương mại điện tử từ những năm 2010, thế nhưng vẫn chưa thực sự thông dụng, phổ biến khi có nhiều phụ huynh đến nay vẫn còn hỏi là thương mại điện tử nghĩa là gì, học ra làm gì. Chứng tỏ nhận thức của mọi người về nhận thức này còn hạn chế. Cho nên cần có sự tham gia của nhiều ngành và cả truyền thông" - ông Đặng Văn Tung chia sẻ.

Trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng thông dụng; chủ trương Chính phủ cũng muốn đưa lĩnh vực này trở thành lĩnh vực dẫn dắt hoạt động số hóa, rõ ràng, đào tạo căn bản là cần thiết. Các cơ sở đào tạo cũng đã khá nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng này: từ đếm trên đầu ngón tay, đến nay, cả nước đã có hơn 30 trường đại học đào tạo cử nhân thương mại điện tử, trong đó 13 trường ở miền Bắc, 5 trường ở miền Trung và 14 trường ở miền Nam; chưa tính khối cao đẳng, trung cấp.

Tuy nhiên, hoạt động đào tạo gắn với thực tiễn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó hỗ trợ học viên có được vị trí thực tập phù hợp tại các doanh nghiệp nội ngành. Đó là lý do nhiều cơ quan, bộ ngành đang xúc tiến hỗ trợ đào tạo nhân lực thương mại điện tử, như mới đây, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ký kết hợp tác hỗ trợ nâng cao năng lực thương mại điện tử, chuyển đổi số cho thanh thiếu niên.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội cho biết: "Chúng tôi quyết tâm sẽ giúp cho khoảng 1 triệu thanh niên kinh doanh được trên thương mại điện tử và là nguồn nhân lực cung cấp cho tạp hóa số, thương mại điện tử nông thôn, hội phụ nữ, hội nông dân để cùng đồng hành, đưa sản phẩm ở các địa phương lên sàn thương mại điện tử để được lan rộng, thăng hoa".

Thực hiện thỏa thuận, từ cuối 2021 đến hết năm 2023, hai bên sẽ tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thương mại điện tử, chuyển đổi số cho cán bộ, hội viên, thanh niên; tư vấn định hướng, giáo dục nghề nghiệp về thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng nghề liên quan đến thương mại điện tử cho thanh niên; xây dựng sàn thương mại điện tử “Thanh niên khởi nghiệp sáng tạo cùng nông sản, đặc sản Việt Nam”; xây dựng bộ tiêu chuẩn số cho doanh nghiệp chuyển đổi số và cẩm nang hướng dẫn chuyển đổi số doanh nghiệp…

Chỉ trong vài năm, đặc biệt sau tác động đa chiều của đại dịch Covid-19, với lợi thế riêng có, giao thương trực tuyến có xu hướng tăng trưởng ngược chiều - vượt bậc so với nhiều ngành nghề lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với những bất cập hiện hữu như: mua-bán còn thiếu minh bạch, tồn tại nhiều kẽ hở có thể khiến gia tăng các hoạt động vi phạm pháp luật… trong khi bản chất đây lại là kênh giao thương vô cùng hữu dụng, thiết thực cho hành trình hướng tới nền kinh tế số, thì rõ ràng việc nở rộ các hoạt động đào tạo thương mại điện tử là cần thiết để lành mạnh hóa hoạt động giao thương online.

Tuy nhiên, để hoạt động này bài bản, thực chất, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan chức năng quản lý hoạt động này, thay vì để các trường và hiệp hội-doanh nghiệp đang mạnh ai nấy làm như hiện nay./.

Thu Trang/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thay-gi-khi-hoat-dong-dao-tao-thuong-mai-dien-tu-no-ro-post975033.vov