Thấy gì khi khách ngoại đến Hội An gấp 6 lần Phú Quốc

Năm 2023, lượng khách ngoại đến Hội An cao gấp 3 lần lượng khách nội địa, gấp khoảng 6 lần lượng khách ngoại đến Phú Quốc và vượt cả lượng khách ngoại của tỉnh Khánh Hòa.

Nếu xét về số lần được truyền thông quốc tế vinh danh, Hội An chính là thành phố du lịch dẫn đầu tại Việt Nam. Điểm đến di sản này thường góp mặt trong các bảng xếp hạng những nơi du lịch "giá rẻ", "an toàn", "đẹp nhất châu Á" hoặc "chưa được đánh giá xứng tầm".

Gần đây nhất, Hội An đứng thứ 4/25 thành phố đẹp nhất thế giới năm 2024 tại World's Best - giải thưởng thường niên vào tháng 7 của tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ Travel & Leisure.

Trên thực tế, sức hút của thành phố du lịch sầm uất nhất tỉnh Quảng Nam không chỉ nằm trên các bảng xếp hạng hay công trình chùa Cầu vừa "thay áo mới".

Số liệu từ Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An cho thấy lượng khách quốc tế tại phố Hội tăng theo từng năm, giúp ngành du lịch Hội An phục hồi sau đại dịch với thị trường khách quốc tế chiếm tỷ trọng trên 70%.

Đơn cử vào năm 2023, Hội An đón 3 triệu lượt khách quốc tế, gấp 3 lần so với khách nội địa. Phú Quốc (Kiên Giang) cũng nổi tiếng là điểm đến thu hút đông khách ngoại. Tuy nhiên, lượt khách ngoại đến hòn đảo rộng 574 km2 chỉ ghi nhận 521.000 lượt vào cùng giai đoạn, tương đương 17% so với khu phố cổ chỉ rộng 62 km2 bên sông Thu Bồn.

Thấy gì từ những con số?

2019 (giai đoạn trước đại dịch) được xem là năm đỉnh cao của ngành du lịch Việt Nam. Điều này không chỉ thể hiện qua các danh hiệu đạt được, mà còn nằm ở con số thống kê về lượng khách nội, ngoại và doanh thu.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019, Việt Nam vượt Indonesia, vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến trong khu vực ASEAN. Hội An là một trong số thành phố ghi nhận số khách ngoại ấn tượng trong năm này.

Cụ thể, theo Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An, năm 2019, địa phương đón 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 196.000 lượt so với năm 2018 và hơn 2 triệu lượt so với năm 2017. Con số này giúp Hội An vượt Nha Trang (3,5 triệu lượt khách quốc tế) và một số tỉnh, thành miền Trung, trở thành điểm đến đón lượt khách ngoại hàng đầu trong khu vực.

Song, trong đại dịch, vốn là thành phố du lịch gần như phụ thuộc vào dòng khách ngoại, các biện pháp thắt chặt an ninh khiến ngành công nghiệp không khói ở Hội An điêu đứng.

Đường sá đìu hiu, hàng quán ế ẩm, khách ngoại hủy tour là cảnh thường thấy tại đây trong giai đoạn này. Tuy nhiên, nhìn theo hướng tích cực, dịch Covid-19 đã "trả lại" cho người dân một Hội An yên bình như khoảng 10 năm trước.

Về phía chính quyền, chia sẻ với Tri Thức - Znews, đại diện UBND TP Hội An cho rằng những năm đại dịch bùng phát cũng là lúc cơ quan “rảnh tay” để nghiền ngẫm, soi xét, chiêm nghiệm về du lịch trên địa bàn.

Đông đảo khách ngoại dạo chơi Hội An dịp 30/4/2023. Ảnh: Thanh Đức.

Đông đảo khách ngoại dạo chơi Hội An dịp 30/4/2023. Ảnh: Thanh Đức.

Đến 2022, chính sách biên giới được nới lỏng, khách du lịch quốc tế quay trở lại Hội An "nhỏ giọt". Năm này, phố Hội đón 614.000 lượt khách quốc tế. Con số này chưa thể so sánh với những năm trước đó, nhưng phần nào chứng minh địa phương vẫn còn sức hút trong mắt du khách quốc tế.

Nếu xem 4 triệu lượt khách quốc tế đến Hội An năm 2019 là điểm đích, thì năm 2023, thành phố di sản của Việt Nam đã gần hoàn thành quỹ đạo phục hồi với 3 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 327,63% so với cùng kỳ. Xét riêng về doanh thu vé vào phố cổ, 195 tỷ đồng là con số thành phố thu về trong năm 2023, tăng 200% so với năm 2021.

Bước nhảy vọt từ 614.000 lên 3 triệu lượt khách chỉ trong vòng một năm (2022-2023) được đánh giá là con số rất ấn tượng. Song, địa phương vẫn đặt mục tiêu khá khiêm tốn vào năm 2024. Cụ thể, chính quyền thành phố hy vọng đón 3,2 triệu lượt khách ngoại vào năm 2024, tăng 8,6% với cùng kỳ.

'Nhẵn mặt' khách Hàn

Từ năm 2019, Hội An cho thấy sức hút đặc biệt đối với du khách Hàn Quốc. Theo báo cáo công bố ngày 2/4 về các điểm đến hàng đầu Việt Nam được khách Hàn Quốc ưa chuộng dựa trên số liệu đặt phòng của nền tảng du lịch kỹ thuật Agoda, Hội An đứng đầu danh sách. Tiếp theo đó là Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc và TP.HCM.

Trước đó, theo số liệu từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Nam, vào tháng 1, Hàn Quốc cũng là thị trường gửi khách lớn nhất tới Hội An với 21% tổng lượng khách ngoại đến phố Hội. Tiếp theo đó là các thị trường quen thuộc như Đài Loan (Trung Quốc) với 13%, Australia với 8%…

Khách từ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha cũng chiếm thị phần cao. Đặc biệt, khách đi theo đoàn đến từ châu Âu có sự gia tăng vào những tháng cuối năm, song chưa nổi trội so với bức tranh tổng thể.

Hội An cũng ghi nhận sự tăng nhanh từ các nước thị trường gần, thuộc khối ASEAN, như Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, đặc biệt là du khách Malaysia đứng vị thứ 5 trong những nước đưa khách đến Hội An.

Lee Byung Hun (đeo kính), ông chủ BH Entertainment, đưa công ty cùng đồng nghiệp tham quan Hội An. Diễn viên Jung Chae-yeon, Roh Jeong Eui và ca sĩ Karina (aespa) cũng từng check-in tại thành phố du lịch sầm uất nhất Quảng Nam. Ảnh: @J_chaeyeoni, @Hanhyojoo222, @Haesoopark_official.

Lee Byung Hun (đeo kính), ông chủ BH Entertainment, đưa công ty cùng đồng nghiệp tham quan Hội An. Diễn viên Jung Chae-yeon, Roh Jeong Eui và ca sĩ Karina (aespa) cũng từng check-in tại thành phố du lịch sầm uất nhất Quảng Nam. Ảnh: @J_chaeyeoni, @Hanhyojoo222, @Haesoopark_official.

Dễ thấy nhất, hình ảnh các ngôi sao, nghệ sĩ xứ kim chi check-in tại Hội An trở nên quen thuộc trong vài năm qua.

Tháng 1, Danielle và Hanni (thành viên nhóm nhạc nữ NewJeans), ca sĩ Ailee cùng được nhận ra khi tham quan phố cổ.

Trước đó, tháng 5/2023, diễn viên Han Hyo Joo thăm thú Hội An, thả hoa đăng trên sông Hoài cùng nhân viên công ty. "Biểu tượng đáng yêu" Park Bo Young, ca sĩ, diễn viên Jung Chae Yeon (cựu thành viên nhóm DIA) cũng yêu thích hoạt động này.

Ngoài ra, Lee Byung Hun, ông chủ BH Entertainment, tổ chức team building cùng các đồng nghiệp dạo phố cổ, trong đó có Lee Jin Wook, Lee Ji Ah, Park Hae Soo, Jung Woo, Kim Go Eun, Lee Hee Joon vào năm ngoái.

Đâu là lời giải?

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, nhận định thế mạnh lớn nhất của du lịch địa phương có thể khái quát là hội đủ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

"Tức là sự bảo tồn và phát huy tốt tài nguyên văn hóa (di sản văn hóa và văn hóa sáng tạo), sinh thái (đa dạng sinh học của biển đảo, ruộng đồng, sông nước, làng quê, làng nghề...), cộng đồng (nếp sống văn hóa, nhân tình thuần hậu, không gian sinh tồn thân thiện)… tất cả được thể hiện trong mỗi chương trình, sản phẩm, dịch vụ để cố gắng 'vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi'. Từ đó mới có nhiều giải thưởng, danh hiệu mà Hội An được bạn bè bình chọn, vinh danh", ông Lanh nói.

Cuối tháng 7/2023, lãnh đạo TP Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung có tham vọng đưa Hội An vươn tầm quốc tế theo hướng du lịch xanh và bền vững dựa trên tài nguyên văn hóa và sinh thái, tính cộng đồng và tầm nhìn một thành phố sáng tạo toàn cầu.

Song, tiến sĩ Vũ Triết Minh, giảng viên bộ môn Du lịch, Khoa tiếng Pháp, Đại học Sư Phạm TP.HCM, nhận định Hội An là thành phố di sản nên địa phương cần đảm bảo cân bằng tất cả nguồn du khách, bởi khách trong nước mới là dòng khách ổn định. Khách ngoại có mức chi tiêu cao hơn, song tệp khách này dễ bị ảnh hưởng.

"Quan điểm chỉ tập trung vào một dòng khách nhất định sẽ đi ngược lại với góc nhìn phát triển du lịch xét về mặt nhân văn. Hội An không chỉ là di sản của quốc gia mà còn là Di sản Văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận. Theo tôi, đã là di sản của nhân loại thì cần được bảo tồn và đảm bảo mọi cá nhân được quyền thụ hưởng chúng", ông Minh nói với Znews.

 Chùa Cầu vừa trùng tu là một trong những điểm đến thu hút du khách tại Hội An. Ảnh chụp chùa Cầu hôm 3/8 - ngày khánh thành công trình sau 1,5 năm tu sửa. Ảnh: Phạm Toàn.

Chùa Cầu vừa trùng tu là một trong những điểm đến thu hút du khách tại Hội An. Ảnh chụp chùa Cầu hôm 3/8 - ngày khánh thành công trình sau 1,5 năm tu sửa. Ảnh: Phạm Toàn.

Trong khi đó, dựa trên góc nhìn doanh nghiệp, bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Vietluxtour, nhận định một điểm đến tốt phải duy trì được sự cân bằng giữa các nguồn khách tham quan để đa dạng hệ sinh thái văn hóa, cảnh quan và kinh tế du lịch...

Việc phụ thuộc vào chỉ một nguồn khách có thể dẫn đến rủi ro khi nguồn này phải mất đi hoặc bị gián đoạn đột ngột.

Đồng quan điểm, ông Bùi Thanh Tú, Giám Đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice, cho rằng việc tập trung cho khách nội địa hay quốc tế tùy thuộc vào mục tiêu đón khách của từng địa phương.

Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ quên vai trò của tệp du khách nội địa. Ví dụ, dòng khách này là cứu cánh cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19, khi nguồn khách ngoại giảm gần về 0.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-khi-khach-ngoai-den-hoi-an-gap-6-lan-phu-quoc-post1489948.html