Thấy gì khi máy bay TQ bay qua không phận NATO, giao vũ khí cho Serbia?
Cuối tuần qua, có thông tin, Serbia đã bí mật nhận hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không do Trung Quốc sản xuất.
Truyền thông và các chuyên gia quân sự cho biết, 6 vận tải cơ Y-20 của Trung Quốc đã hạ cánh tại sân bay dân sự của Belgrade vào sáng sớm ngày 9/4, chở theo hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22, giao cho quân đội Serbia.
Hình ảnh những chiếc vận tải cơ quân đội Trung Quốc đã được ghi nhận tại sân bay Nikola Tesla của Belgrade.
Bộ Quốc phòng Serbia chưa phản hồi đề nghị bình luận từ hãng AP.
Theo các chuyên gia, việc máy bay quân sự của Trung Quốc bay qua không phận của ít nhất 2 nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria vào Siberia là minh chứng cho thấy Trung Quốc đang ngày càng vươn ra toàn cầu.
Tạp chí trực tuyến The Warzone nhận định: “Sự xuất hiện của những chiếc Y-20 gây bất ngờ vì chúng bay đồng loạt, chứ không phải mỗi chuyến một máy bay. Ngoài ra, việc Y-20 xuất hiện tại một số quốc gia cũng là một diễn biến mới đáng chú ý”.
Trung Quốc đã chứng minh sức mạnh của mình – ông Aleksandar Radic, một nhà phân tích quân sự của Serbia cho biết.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic không xác nhận thông tin, chỉ khẳng định sẽ trình diện “niềm tự hào mới nhất” của quân đội Serbia trong ngày mai (12/4) hoặc ngày kia (13/4).
Hệ thống tên lửa của Trung Quốc thường được so sánh với hệ thống tên lửa đất đối không Patriot (Mỹ) và S-300 (Nga) dù có tầm bắn ngắn hơn hệ thống S-300 tiên tiến.
Với lô hàng được giao bí mật vừa qua, Serbia sẽ là quốc gia đầu tiên tại châu Âu vận hành tên lửa của Trung Quốc.
Trước đó, Tổng thống Serbia từng phàn nàn vì các nước láng giềng của Serbia trong khối NATO đã từ chối cho phép các chuyến bay giao hệ thống tên lửa tầm trung của Trung Quốc đi qua lãnh thổ của họ giữa căng thẳng với Nga về vấn đề Ukraine.
Quay trở lại năm 2020, giới chức Mỹ từng cảnh báo Belgrade không nên mua hệ thống tên lửa chống máy bay HQ-22 (phiên bản để xuất khẩu được gọi là FK-3) của Trung Quốc. Mỹ và các nước đồng minh phương Tây cho rằng, nếu Serbia thực sự muốn gia nhập Liên minh châu Âu và các liên minh khác của phương Tây thì cần phải sử dụng thiết bị quân sự khớp với tiêu chuẩn phương Tây.
Serbia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập EU nhưng cũng tăng cường củng cố lực lượng vũ trang bằng vũ khí Nga và Trung Quốc như chiến cơ, xe tăng chiến đấu cùng một số trang thiết bị khác.
Năm 2020, Serbia cũng mua máy bay không người lái Chengdu Pterodactyl-1 của Trung Quốc. Đây là loại máy bay không người lái chiến đấu có thể tấn công mục tiêu bằng bom, tên lửa đồng thời có thể được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát.
Hiện tại, các nước phương Tây có quan ngại việc Serbia tăng cường sử dụng vũ khí Nga và Trung Quốc có thể khiến đất nước Balkan này tiến đến một cuộc chiến tranh khác, đặc biệt là chống lại Kosovo nơi từng thuộc Serbia nhưng đã tuyên bố độc lập từ năm 2008.
Cả Serbia, Nga và Trung Quốc đều không công nhận Kosovo trong khi Mỹ và hầu hết các nước phương Tây thì có.