Thấy gì khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh?
Việc VN-Index đạt đỉnh lịch sử là một cột mốc đáng tự hào, nhưng đây cũng là lúc nhà đầu tư cần tỉnh táo và thận trọng hơn bao giờ hết.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua đã ghi một dấu mốc lịch sử mới, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.531 điểm - đây là mức điểm cao nhất của thị trường sau 25 năm thành lập. Khi thị trường đạt đỉnh, chúng ta cần lưu ý những gì?
Thứ nhất, đạt đỉnh không phải là hết cơ hội.
Một cột mốc lịch sử được chinh phục là một tín hiệu rất tích cực, cho thấy sức mạnh và niềm tin của thị trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa thị trường sẽ có một chiều đi lên. Sẽ luôn có những nhịp điều chỉnh, những phiên "rung lắc" để thị trường lấy lại cân bằng, đó chính là những cơ hội để các nhà đầu tư chưa kịp tham gia có thể "lên tàu".
Đặc biệt trong giai đoạn này còn rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh Quý II và nửa đầu năm, trong đó rất nhiều doanh nghiệp, ngân hàng lớn. Phía trước vẫn còn rất nhiều thông tin quan trọng có thể tác động đến giá cổ phiếu.
Đợt tăng điểm lần này có hai dấu hiệu nền tảng rất tích cực. Một là, chúng ta đã thiết lập được một mặt bằng thanh khoản mới, thường xuyên đạt trên 30.000 tỷ đồng mỗi phiên trên sàn HoSE. Điều này cho thấy dòng tiền trong thị trường đang rất dồi dào. Hai là, khối ngoại đã liên tục mua ròng trở lại, riêng trong tháng 7, tính đến cuối tuần trước, họ đã mua ròng hơn 11.100 tỷ đồng trên sàn HoSE, củng cố mạnh mẽ cho niềm tin của thị trường.
Thứ hai, dù tích cực, nhưng phải thận trọng.
Sự lạc quan là cần thiết, tuy nhiên, sự thận trọng càng quan trọng hơn. Đợt tăng điểm của thị trường vừa qua không thực sự đồng đều. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy đà tăng của chỉ số chung đang phụ thuộc khá nhiều vào một vài cổ phiếu vốn hóa lớn. Ví dụ, chỉ trong một tháng gần đây, hai cổ phiếu VIC của Vingroup và VHM của Vinhomes đã góp tới gần 40 điểm vào mức tăng chung của VN-Index. Rất nhiều cổ phiếu khác không những không tăng điểm, thậm chí giảm điểm trong thời gian qua. Tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng" này cho thấy không phải nhà đầu tư nào cũng đang được hưởng lợi từ đà tăng của thị trường.
Thứ ba, thị trường thường sẽ có những phiên rung lắc mạnh.
Lịch sử đã cho thấy, khi một chỉ số chứng khoán chinh phục các đỉnh cao mới thường sẽ đi kèm với những phiên biến động mạnh. Tâm lý chốt lời của những người đã mua ở vùng giá thấp sẽ xuất hiện, trong khi dòng tiền mới lại muốn tìm kiếm cơ hội. Sự giằng co sẽ tạo ra những phiên "rung lắc". Điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư lúc này là phải vững tâm, tránh đưa ra những quyết định mua bán vội vàng dựa trên cảm xúc nhất thời.
Thứ tư, hãy theo dõi sát sao những biến số vĩ mô.
Thị trường chứng khoán không bao giờ vận động một cách độc lập, luôn chịu sự tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô và cả địa chính trị trên thế giới. Trong thời gian tới, có những biến số mà chúng ta cần phải theo dõi sát sao. Ví dụ như những căng thẳng trong khu vực, như xung đột gần đây giữa Thái Lan và Campuchia. Hay quan trọng hơn là các mức thuế đối ứng mà Mỹ có thể đưa ra với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, theo thời hạn ngày 1/8 tới. Những sự kiện này, dù ở xa, đều có thể tác động đến nền kinh tế vĩ mô của nước ta, từ đó ảnh hưởng đến tâm lý và diễn biến của thị trường chứng khoán.
Tóm lại, việc VN-Index đạt đỉnh lịch sử là một cột mốc đáng tự hào. Nhưng đây cũng là lúc nhà đầu tư cần tỉnh táo và thận trọng hơn bao giờ hết. Cơ hội vẫn còn, tuy nhiên, rủi ro cũng luôn song hành.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/thay-gi-khi-thi-truong-chung-khoan-dat-dinh-349469.htm