Thấy gì qua tăng trưởng năm 2021
Thông tin thống kê đã được luật hóa là phải đáp ứng các nguyên tắc cơ bản 'trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời'…, để giúp các nhà hoạch định chính sách phân tích, điều hành chính sách vĩ mô phù hợp, hiệu quả.
Xin thử chỉ ra một vài số liệu trong bản Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2021 của Tổng cục Thống kê so với chính những số liệu tương ứng trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2020 với mong muốn góp ý mang tính xây dựng.
Đầu tư tăng bao nhiêu
Trước tiên, xin chép ra đây mục Đầu tư phát triển năm 2021: “Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2021 đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước. Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 713,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng vốn và giảm 2,9% so với năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 1.720,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% và tăng 7,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 458,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% và giảm 1,1%”.
Và mục Đầu tư phát triển năm 2020: “Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2020 đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP. Trong đó vốn khu vực nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5% so với năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%”.
Thử so sánh vài số liệu tương ứng trên:
Thứ nhất, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2021 (2.891,9 nghìn tỷ đồng) so với năm 2020 (2.164,5 nghìn tỷ đồng) tăng tới 33,6% chứ không chỉ 3,2%.
Thứ hai, vốn khu vực ngoài nhà nước năm 2021 (1.720,2 nghìn tỷ đồng) so với năm 2020 (972,2 nghìn tỷ đồng) tăng tới 76,9% chứ không chỉ tăng 7,2%.
Như vậy, cần thực hiện trách nhiệm giải trình về số đầu tư tư nhân tăng tới 76,9% trong bối cảnh 23 tỉnh thành trong cả nước phong tỏa theo Chỉ thị 16 suốt cả quý 3 năm 2021, quý có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm 6,02% - thấp nhất kể từ khi có thống kê quý. Cũng như vậy là tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao tới 33,6%.
Xin bổ sung đánh giá từ báo cáo năm 2021 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thấy cả việc thành lập DN và vốn đăng ký khó khăn như thế nào: “Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài liên tiếp (đặc biệt là quý 3/2021) đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm qua.
Trong năm 2021 có 116.839 DN ra đời, giảm 13,4% so với năm 2020, là mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay. Số vốn đăng ký thành lập trong năm 2021 cũng chỉ đạt 1.611.109 tỷ đồng, giảm 27,9% so với năm 2020”.
Như vậy, kể cả số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, cả tình hình DN đình đốn do phong tỏa đều cho thấy, thật khó để khu vực kinh tế ngoài nhà nước lại tăng đầu tư cao đến vậy trong năm 2021.
Vì sao tiêu dùng của người dân tăng?
Tốc độ tăng trưởng luôn gắn với chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong liên tục các tháng qua, sức mua luôn giảm sâu. Tháng 7 giảm 19,8%; tháng 8 giảm 31,3%; tháng 9 giảm 28,4%; tháng 10 giảm 19,5%; tháng 11 giảm 12,2%, và tháng 12 tăng chỉ 1,1%, đều so cùng kỳ. Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 6,2% so với năm trước (năm 2020 giảm 3%).
Bên cạnh đó, theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, ước tính thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2021 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020.
Điều này cho thấy có sự giảm sút rất nghiêm trọng về cầu tiêu dùng do người dân phải thắt lưng buộc bụng vì mất việc, giảm việc, giảm thu nhập. Có tới 28,2% lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch.
Tuy nhiên Tổng cục Thống kê tính toán, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,09% so với năm 2020, là một trong những nhân tố giúp tăng trưởng. Điều gì khiến tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng mạnh trong khi thu nhập bị sút giảm?
GDP được tính thế nào
GDP năm 2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 9 triệu tỷ đồng sau khi được Tổng cục Thống kê đánh giá lại, điều chỉnh tăng 25%, trong khi GDP năm 2020 trước khi được điều chỉnh chỉ là 6,3 triệu tỷ đồng (làm tròn). Các chỉ tiêu này đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội trong báo cáo số 530/BC-CP ngày 16/10/2020.
Tuy nhiên, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2021 của Tổng cục không thấy làm rõ ý, liệu số liệu đã được điều chỉnh hay chưa.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dưới 23% tổng thu ngân sách nhà nước, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.
Tất cả các nghĩa vụ nợ như vậy đã trở nên rất đẹp đẽ so với các chỉ số tương ứng trong nhiều năm trước, theo luật Ngân sách nhà nước.
Tăng trưởng GDP trong 2 năm qua là thấp nhất trong vòng 30 năm. Người ta tính toán, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong kế hoạch 5 năm tới, thì tăng trưởng trung bình hàng năm của 4 năm còn lại phải là hơn 7,5%.
Tuy vậy, sau nhiều tính toán, Quốc hội cũng chỉ đặt ra mục tiêu 6,5% cho 2022. Nói vậy để thấy, việc hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030 gặp áp lực rất lớn sau khi tốc độ GDP đã chậm lại nhất trong 2 năm qua.
Tốc độ đó lẽ ra cần được gia tăng trên thực tế với việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để Nhà nước, DN đầu tư thuận lợi, hiệu quả, người dân tin tưởng bỏ tiền ra kinh doanh, làm ăn và chi tiêu…