Thấy gì qua vụ bầu Thụy 'gán' trụ sở để vay bầu Hiển 700 tỷ đồng?
Thaiholdings của bầu Thụy liên tục huy động vốn 'khủng' để đẩy mạnh kinh doanh, mới nhất là vụ thế chấp trụ sở cho ngân hàng của bầu Hiển để vay 700 tỷ đồng.
Vay 1.200 tỷ đồng kinh doanh thực phẩm
Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty CP Thaiholdings (mã CK: THD) vừa thông qua việc vay vốn, mở L/C (Letter of credit: vay bằng tín dụng thư – PV) và sử dụng dịch vụ tại ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) theo hình thức cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn tối đa 700 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng, với mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Để bảo lãnh khoản vay, Thaiholdings sử dụng bất động sản tại số 210 Trần Quang Khải và 17 Tông Đản (Hà Nội). Đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của công ty CP Tôn Đản Hà Nội mà Thaiholdings đang nắm giữ 19,52% vốn.
Như vậy là chỉ trong vòng 1 tháng, HĐQT Thaiholdings đã thông qua việc vay tới 1.200 tỷ đồng từ ngân hàng để phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm.
Trước đó, ngày 19/10/2020, HĐQT doanh nghiệp (DN) này cũng thông qua việc vay tối đa 500 tỷ đồng tại ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) để bổ sung vốn lưu động phục vụ mục đích trên.
Đối với khoản vay này, Thaiholdings sử dụng gần 820 nghìn cổ phiếu của công ty CP Du lịch Kim Liên để bảo lãnh. Được biết, Thaiholdings đang sở hữu gần 1,2 triệu cổ phần (tương đương 17,2% vốn) tại Du lịch Kim Liên.
Tăng trưởng nhờ... vốn vay?
Kết thúc quý 3/2020, Thaiholdings ghi nhận doanh thu thuần lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.155 tỷ đồng, lãi sau thuế 71 tỷ đồng, tăng lần lượt gấp ba và gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên kết quả này mới chỉ đạt 33% kế hoạch doanh thu và 20% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm mà DN đề ra trước đó.
Tại thời điểm ngày 30/9/2020, tổng tài sản của Thaiholdings đạt 1.672 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với thời điểm đầu năm, tuy nhiên phần lớn tài sản nằm trong các khoản nợ phải thu ngắn hạn từ khách hàng (688,5 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần) và hàng tồn kho (hơn 45 tỷ đồng).
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, trong tổng nguồn vốn của DN thì có tới 60% là nợ phải trả, ở mức 993 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn, với 683 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần, chủ yếu là nợ nhà cung cấp.
Trong một diễn biến liên quan, thời điểm cuối năm 2019, công ty CP Tập đoàn Thaigroup – DN chủ chốt trong cơ nghiệp của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) – đối mặt với nguy cơ lỡ hẹn niêm yết sàn chứng khoán năm 2020 do lỗ lũy kế tới 350 tỷ đồng .
Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” ấy đã buộc bầu Thụy phải có “cú lội ngược dòng” bằng cách cho Thaigroup (thời điểm đó là công ty mẹ, sở hữu 74% vốn Thaiholdings) thoái toàn bộ vốn sang Thaiholdings. Sau khi đảo ngược vị trí: Thaigroup từ công ty mẹ trở thành công ty con của Thaiholdings, khắc phục việc chưa đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết của Thaigroup, bầu Thụy đã đưa Thaiholdings lên sàn.
Cụ thể, ngày 19/6/2020, Thaiholdings chào sàn chứng khoán với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp. Và chỉ sau chưa đầy 2 tháng niêm yết, cổ phiếu THD của Thaiholdings đã gây chú ý khi tăng vọt lên trên 70.000 đồng/cp.
Bầu Thụy và hệ sinh thái doanh nghiệp nghìn tỷ
Đến nay, Thaigroup và Thaiholdings là 2 DN chủ chốt trong hệ sinh thái doanh nghiệp của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy. Vị doanh nhân sinh năm 1976 hiện là cổ đông lớn nhất của cả Thaigroup lẫn Thaiholdings, với tỉ lệ cổ phần nắm giữ lần lượt là 33,2% và 20% vốn điều lệ.
Hoạt động kinh doanh chính của Thaigroup là kinh doanh than nhập khẩu làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy xi măng tại Hà Nam. Năm 2020, doanh thu từ than của Thaigroup ước đạt 900 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ước đạt 120 tỷ đồng.
Đây là DN nổi tiếng ở thủ đô vì “ngồi trên đống tài sản”, vì nắm giữ tới 52,43% cổ phần của công ty CP Du lịch Kim Liên (chủ khách sạn Kim Liên tại phố Đào Duy Anh); 80,45% cổ phần công ty CP Tôn Đản Hà Nội (chủ sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower 17 Tông Đản) và 98% cổ phần công ty CP Enclave Phú Quốc (đơn vị triển khai dự án Khu đô thị và phức hợp 352 ha tại Bãi Thơm).
Bên cạnh những tài sản trên, Thaigroup còn nắm giữ một loạt tài sản lớn khác dự kiến sẽ chuyển nhượng trong năm nay: Nhà máy xi măng Quảng Nam (giá trị chuyển nhượng khoảng 2.550 tỷ đồng, kèm lãi gộp thu về 850 tỷ đồng ); khu đất 2,7 ha đô thị tại KĐT Xuân Thành (Ninh Bình) trị giá hơn 1.000 tỷ đồng; khu đất 18,7 ha tại Cảng Ninh Phúc (kèm khoản lãi gộp 120 tỷ đồng).
Năm 2020, doanh thu thuần dự kiến của Thaigroup khoảng 2.100 tỷ đồng, doanh thu từ việc chuyển nhượng tài sản khoảng 2.800 tỷ đồng. Lãi gộp các hoạt động này đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Lãi sau thuế ước đạt 800 tỷ đồng. Sau khi trừ đi phần lỗ lũy kế 350 tỷ đồng hiện tại, lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2020 dự kiến của Thaigroup vẫn đạt khoảng 450 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, Thaiholdings và Du lịch Kim Liên sẽ bắt tay thực hiện dự án Khu phức hợp tại vị trí “đất vàng” 5-7 Đào Duy Anh mà khách sạn Kim Liên đang tọa lạc.
Trước đó, tháng 5/2020, các cổ đông của Du lịch Kim Liên đã không thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ lên 2.768 tỷ đồng, nhằm đối ứng cho việc triển khai Dự án Khu phức hợp Kim Liên tại số 5-7 Đào Duy Anh. Dù vậy Du lịch Kim Liên cho biết vẫn thông qua việc hợp tác đầu tư để triển khai dự án này.
Tên tuổi của bầu Thụy gắn liền với khách sạn Kim Liên kể từ năm 2015, sau khi ông bầu này bất ngờ trả mức giá 1.000 tỷ đồng, vượt qua một loạt doanh nghiệp lớn khác, để mua lại thành công 52% cổ phần (tương đương 274.200 đồng/cp) của Du lịch Kim Liên – đơn vị triển khai dự án quy mô 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội. Đây được coi là một trong những mảnh “đất vàng” lớn nhất còn sót lại của 4 quận nội thành Hà Nội nên luôn có sức hút với rất nhiều nhà đầu tư.
Hiện nay, ngoài công ty mẹ là tập đoàn ThaiGroup, các cổ đông còn lại của khách sạn này gồm Thaiholdings, GP Bank, công ty Tư vấn Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình, PTF…