Thấy gì sau lời chê 'bắp tay to' của Phương Trinh Jolie

Trong khi nhận thức về sự đa dạng của cơ thể và sự phản đối tiêu chuẩn đẹp độc hại ngày càng tăng, chuyện miệt thị ngoại hình người khác dường như chưa bao giờ dừng lại.

Phương Trinh Jolie đang trở thành tâm điểm chỉ trích khi cô vừa livestream vừa bình phẩm chê bai ngoại hình của nhiều người mẫu trên sàn catwalk trong show thời trang của nhà thiết kế Đỗ Long tối 26/5.

"Chê nha. Bắp tay này phải đi tập lại nha. Bắp tay to hơn mẹ 2 con. Người mẫu phải thon thả, không được như vậy", Phương Trinh Jolie bình luận khi đến phần trình diễn của Hương Ly - Á hậu 1 Miss Universe Vietnam 2023.

Trước khi xin lỗi vào ngày 27/5, Phương Trinh Jolie còn đáp trả dân mạng bằng lập luận: "Tôi bị body shaming (miệt thị ngoại hình - PV) hoài và thấy điều đó rất bình thường. Nếu đã đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội nên xác định có người khen, người chê".

Thực tế, rất nhiều người có cùng quan điểm sai lầm giống Phương Trinh. Theo Vogue, người nổi tiếng luôn là mục tiêu dễ dàng của body shaming. Điều đó thậm chí còn được coi là "cái giá phải trả" khi họ tồn tại trong mắt công chúng. Trong khi đa số hành vi miệt thị ngoại hình là "chê béo", nhiều người nổi tiếng - đa số là sao nữ - còn bị chỉ trích nếu họ giảm cân, quá gầy, bụng mỡ, chân to hoặc cơ bắp.

Body shaming không chỉ phổ biến trong giới nghệ sĩ, người nổi tiếng. Trong khi các phong trào chống tiêu chuẩn độc hại về cái đẹp và nhận thức về sự đa dạng của cơ thể ngày càng tăng, chuyện miệt thị ngoại hình người khác dường như chưa bao giờ dừng lại.

"Nếu có ý kiến về cơ thể tôi, đừng nói với tôi"

Theo Vogue, rất may mắn khi ngày càng có nhiều ngôi sao nổi tiếng thế giới sẵn sàng lên tiếng để chống lại miệt thị ngoại hình, tôn vinh sự đa dạng cơ thể, để thoát khỏi những tiêu chuẩn độc hại về vẻ đẹp.

Đầu tháng 4/2023, ca sĩ Ariana Grande đã phải lên tiếng khi dân mạng liên tục bàn tán về ngoại hình "gầy đến mức báo động" khi cô xuất hiện ở sự kiện tại London (Anh).

Cô thẳng thắn bày tỏ trong một video trên TikTok: "Mọi người đã bàn tán rất nhiều về cơ thể của tôi suốt cả thập kỷ, có khi còn lâu hơn thế, nên lần này tôi muốn nói ra quan điểm của mình".

"Cơ thể mà mọi người nghĩ là 'phiên bản tốt nhất' của tôi trong quá khứ, thứ các bạn đem ra so sánh với cơ thể hiện tại của tôi, thực ra không hề tốt. Lúc đó, tôi đã uống rất nhiều thuốc chống trầm cảm, ăn uống kém lành mạnh và ở trạng thái tồi tệ nhất cuộc đời. Thời điểm mà các bạn cho rằng trông tôi khỏe mạnh nhưng thực tế tôi không hề khỏe mạnh chút nào", giọng ca "Thank you, next" bày tỏ.

 Người nổi tiếng luôn là mục tiêu dễ dàng bị body shaming. Ảnh: Ariana Grande/Instagram.

Người nổi tiếng luôn là mục tiêu dễ dàng bị body shaming. Ảnh: Ariana Grande/Instagram.

Nữ ca sĩ nói thêm rằng bạn sẽ không bao giờ biết ai đó đã phải trải qua chuyện gì, vì vậy hãy dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng. Có nhiều cách để khen ai đó và có thể bỏ qua nếu bạn thấy không thích.

"Tôi nghĩ ai cũng rất đẹp. Bất kể bạn đang trải qua điều gì. Bất kể cân nặng thế nào, bất kể bạn thích trang điểm ra sao, bất kể bạn đã làm phẫu thuật thẩm mỹ lần nào hay chưa hay bất cứ điều gì khác", Ariana Grande chia sẻ, đồng thời hy vọng người hâm mộ không quá lo lắng cho mình.

Nữ diễn viên Jennifer Lawrence từng chia sẻ về việc mình bị miệt thị ngoại hình trong một bài phỏng vấn với Elle vào năm 2012: "Ở Hollywood, tôi bị coi là một diễn viên béo".

Lawrence đã đáp trả lời chê bai bằng cách tập luyện chăm chỉ để trông khỏe mạnh và cân đối cho các vai diễn trong Hunger Games, đồng thời lên tiếng để nâng cao nhận thức về những gì diễn ra ở hậu trường ở Hollywood.

Nhưng về sau, thái độ của nữ diễn viên đã thay đổi, không còn chịu đựng những lời miệt thị. Cô nói với Harper's Bazaar UK rằng: "Nếu bây giờ ai đó thì thầm vào tai bảo tôi 'nên ăn kiêng đi', tôi sẽ trả lời họ rằng 'bạn đúng là đồ chết tiệt'".

 Jennifer Lawrence từng là nạn nhân bị miệt thị ngoại hình, nhưng bây giờ cô không chấp nhận các định kiến độc hại nữa. Ảnh: @1jnnf/Instagram.

Jennifer Lawrence từng là nạn nhân bị miệt thị ngoại hình, nhưng bây giờ cô không chấp nhận các định kiến độc hại nữa. Ảnh: @1jnnf/Instagram.

Tháng 1/2022, Nicola Coughlan - ngôi sao của series Netflix Bridgerton - cũng kêu gọi người hâm mộ ngừng bình luận về cân nặng của cô. "Chỉ cần nhớ một điều thôi, nếu bạn có ý kiến về cơ thể của tôi, đừng có nói với tôi", nữ diễn viên viết trên Instagram.

Trong cuốn hồi ký "The Women in Me" xuất bản năm 2023, ca sĩ Britney Spears đã mở lòng về việc từng bị cả thế giới và chính cha mình body shaming. Cô viết trong một đoạn trích: "Khi lớn lên tôi đã bị mọi người để mắt tới, nhìn từ trên xuống dưới, nói cho tôi biết họ nghĩ gì về cơ thể của tôi kể từ khi tôi còn là một thiếu niên".

Áp lực đó quá lớn và đến năm 2007, nữ ca sĩ quyết định cạo đầu như một hành động phản kháng. Nhưng nỗi đau bị truyền thông chỉ trích không thể nặng nề hơn việc Britney bị chính cha mình chê bai. "Ông ấy liên tục nói với tôi rằng tôi trông béo và rằng tôi sẽ phải làm gì đó để giải quyết vấn đề".

Tuy nhiên, vì nằm dưới dự bảo hộ của cha nên cô không thể phản kháng. "Tôi phải nuôi tóc dài và lấy lại vóc dáng. Tôi phải uống bất kỳ loại thuốc nào họ bảo tôi uống".

Trở lại năm 2017, sau màn trình diễn của Lady Gaga tại Super Bowl, nhiều dân mạng bắt đầu có những lời chê bai về cơ thể của cô.

Nhưng giọng ca Bad Romance đã lập tức đáp trả trên Instagram bằng những lời thẳng thắn.

"Tôi nghe nói cơ thể mình đang là chủ đề bàn tán, nên tôi muốn nói rằng tôi tự hào về cơ thể này và bạn cũng nên tự hào về cơ thể của bạn. Bất kể bạn là ai hay làm gì. Tôi có thể cho bạn hàng triệu lý do tại sao bạn không cần phục vụ bất cứ ai hay bất cứ điều gì để thành công. Hãy là bạn và không ngừng là bạn. Đó là phẩm chất của những nhà vô địch. Cảm ơn mọi người rất nhiều vì đã ủng hộ mình", cô viết.

Tiêu chuẩn độc hại về ngoại hình

Trong một bài viết trên The New York Times, nhà văn Alexandra D’Amour (Mỹ) đã chia sẻ về cách những tiêu chuẩn hạn hẹp về vẻ đẹp ngoại hình đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.

"Thế hệ của chúng tôi trưởng thành trong nền văn hóa ăn kiêng độc hại của thập niên 90. Millennials được dạy phải sợ béo. Khi chứng kiến các thiên thần Victoria's Secret bước đi trên sàn catwalk, chúng tôi cảm thấy ghê tởm chính mình. Rối loạn ăn uống có thể là một vấn đề tâm thần, nhưng nó cũng là triệu chứng của một vấn đề xã hội", D’Amour viết.

Trong nghiên cứu khoa học có tên "The mass marketing of disordered eating and Eating Disorders: The social psychology of women, thinness and culture", các nhà nghiên cứu đã chỉ ra văn hóa Mỹ gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến phụ nữ rằng chỉ những người đẹp và gầy mới được coi trọng và yêu mến.

 Nhận thức tích cực về sự đa dạng cơ thể có tác động đến sức khỏe thể chất, tinh thần, sự tự tin của mỗi người. Ảnh: Pexels.

Nhận thức tích cực về sự đa dạng cơ thể có tác động đến sức khỏe thể chất, tinh thần, sự tự tin của mỗi người. Ảnh: Pexels.

Từ đó thúc đẩy lý tưởng của người Mỹ về hình ảnh cơ thể phụ nữ trong đó gầy là dấu hiệu của sự thành công, sức khỏe và khả năng làm chủ cuộc sống. Sự gầy gò hứa hẹn với phụ nữ những "điều tốt đẹp" mà cuộc sống mang lại.

"Gầy, trắng, trẻ" cũng là những tiêu chuẩn đẹp bị cho là độc hại nhưng đặc biệt phổ biến ở các quốc gia châu Á.

Saachi Shetty (21 tuổi, Ấn Độ), một nữ sinh viên Y khoa và là cây viết tự do, cũng là chịu ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn sắc đẹp độc hại trong nền văn hóa mà cô lớn lên - nơi các cô gái thường xuyên bị miệt thị về ngoại hình, ảnh hưởng đến sự tự tin cho đến khi họ trưởng thành.

"Thật không may, nền văn hóa duy trì sự xấu hổ về cơ thể dường như không bao giờ biến mất, nó bắt nguồn ngay từ ngôi nhà của chúng ta. Ngay cả khi những cuộc trò chuyện về tính tích cực và sự đa dạng cơ thể ngày càng gia tăng, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để chấm dứt hành vi body shaming", Shetty viết trên ấn phẩm Assembly.

Shetty cũng phỏng vấn nhiều bạn bè của mình - những cô gái trẻ bị miệt thị vì quá béo, quá gầy hay có lông cơ thể.

"Sau ngần ấy năm, tôi tin rằng những người chê bai người khác thường đang có vấn đề với chính cơ thể họ. Nhưng đôi khi, tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại quan tâm nhiều đến cân nặng của ai đó, kích cỡ họ mặc hoặc tại sao bụng họ không phẳng", cô nhấn mạnh.

Theo Marissa Del Mistro, biên tập viên và là người có bằng thạc sĩ về Nhân quyền, chúng ta bị "tấn công" bởi hàng loạt thông điệp trên truyền thông rằng những người "da trắng, gầy và khỏe khoắn" được đề cao hơn. Tuy nhiên, không thể có tiêu chuẩn nào là đúng với tất cả, bởi vậy sự đa dạng về cơ thể rất quan trọng.

"Nếu không có sự đa dạng về cơ thể, tiêu chuẩn sắc đẹp sẽ trở thành một khuôn khổ hạn hẹp, theo kiểu 'một cỡ cho tất cả', bỏ qua sự thật về con người và sự đa dạng của họ. Khi ý tưởng này được thúc đẩy, bạn rất dễ tin rằng cơ thể mình xấu xí, rằng bạn sai và điều này gây tổn hại sâu sắc về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Nội tâm hóa điều này có thể dẫn đến kém tự tin, phát triển chứng rối loạn ăn uống, tâm trạng chán nản và lo lắng", Mistro phân tích.

Chấp nhận sự đa dạng của cơ thể sẽ giúp bạn nhìn thế giới một cách khác biệt, nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng cá nhân.

"Cơ thể mỗi người là duy nhất và nếu mọi người đều tập luyện giống nhau, ăn những thứ giống nhau thì họ vẫn sẽ rất khác nhau. Mọi kích cỡ cơ thể đều xứng đáng được yêu thương", Mistro bày tỏ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-sau-loi-che-bap-tay-to-cua-phuong-trinh-jolie-post1477759.html