Thấy gì sau vụ chồng rủ hàng chục người lạ về cưỡng hiếp vợ ở Pháp

Theo CNN, phiên tòa xử vụ hiếp dâm bà Gisèle mang tính bước ngoặt, làm đảo lộn xã hội Pháp và thúc đẩy sự tự vấn sâu sắc về bạo lực tình dục cũng như sự đồng thuận.

Hôm 19/12, hàng trăm người đã đổ về tòa án Avignon ở Đông Nam nước Pháp để nghe phán quyết về số phận của Dominique Pelicot và các bị cáo khác, những người có hành vi không chỉ thay đổi cuộc sống của bà Gisèle và gia đình mà còn thay đổi cả nước Pháp, theo CNN.

Phiên tòa lịch sử

49 người đàn ông bị kết tội hiếp dâm. Hai người bị kết tội tấn công tình dục. Bốn người bị kết tội tàng trữ hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em.

Những người đàn ông này, tuổi từ 26 đến 74, không phải tội phạm chuyên nghiệp mà có công việc từ điều dưỡng, quân nhân, phóng viên đến làm việc trong trại giam.

Tuy nhiên, bất chấp những bằng chứng rất rõ ràng với hàng trăm video ghi lại cảnh tượng hiếp dâm và hàng nghìn tin nhắn vạch trần kế hoạch của những kẻ này, chỉ có khoảng chục người thừa nhận tội lỗi. Nhiều người trong số đó nói việc nhận được sự đồng ý của Dominique - không phải Gisèle - là đủ để mình thực hiện tội ác.

 Bà Gisèle Pelicot bên ngoài tòa án ở Avignon, Pháp, nơi chồng cũ của bà là Dominique, cùng 50 người đàn ông khác, bị xét xử vì tội hiếp dâm. Ảnh: Reuters.

Bà Gisèle Pelicot bên ngoài tòa án ở Avignon, Pháp, nơi chồng cũ của bà là Dominique, cùng 50 người đàn ông khác, bị xét xử vì tội hiếp dâm. Ảnh: Reuters.

Sự kinh hoàng của những tội ác, nhất là khi chúng được thực hiện bởi những người đàn ông "bình thường điển hình", đã thúc đẩy một cuộc thảo luận trên khắp nước Pháp về việc hành vi tấn công tình dục bị bình thường hóa.

Dominique Pelicot bị kết án 20 năm tù, mức án tối đa cho tội ác của mình. Những người đàn ông khác nhận án tù từ 3 đến 15 năm. Trong khi đó, một số người được hưởng án treo.

Nhiều người cho rằng bản án không đủ răn đe, không tính đến sự kinh hoàng của tội ác. Và mặc dù có bản án tù, nhưng không có bất kỳ thay đổi cụ thể nào, những người phụ nữ ở Mazan - ngôi làng miền Nam nước Pháp nơi xảy ra tội ác - cho biết chúng vẫn có thể xảy ra lần nữa vào ngày mai.

“Điều gì thực sự đã thay đổi? Tâm lý không thay đổi và luật pháp cũng vậy, mọi thứ vẫn như thế và đó là lý do chúng tôi không cảm thấy an toàn”, Nedeljka Macan, một cư dân của Mazan, cho biết.

Thay đổi

Gisèle hy vọng rằng bằng cách từ bỏ quyền ẩn danh, mở phiên tòa công khai, bà sẽ giúp thay đổi văn hóa hiếp dâm, bất kể việc phải xem lại bằng chứng về việc bà bị lạm dụng đau đớn đến đâu.

"Bà ấy đã lựa chọn công khai. Và bà ấy làm điều đó để giúp những người phụ nữ khác", Sarah McGrath, từ tổ chức Women for Women France, nói.

Bà McGrath cho biết thêm: “Thông thường, trên trường quốc tế, Pháp có thể có tiếng là quốc gia tiến bộ khi nói đến quyền của phụ nữ. Ví dụ như vừa qua, Pháp có bước tiến lớn khi là nước đầu tiên đưa quyền phá thai vào hiến pháp. Tuy nhiên khi nói đến bạo lực tình dục và phân biệt giới tính, Pháp thực sự tụt hậu so với các nước láng giềng châu Âu khác".

 Dominique Pelicot (71 tuổi) bị kết án 20 năm tù vì rủ hàng chục người lạ lạm dụng vợ. Ảnh: Reuters.

Dominique Pelicot (71 tuổi) bị kết án 20 năm tù vì rủ hàng chục người lạ lạm dụng vợ. Ảnh: Reuters.

Theo thành viên của tổ chức Women for Women France, dữ liệu cho thấy những người là nạn nhân bạo lực tình dục ở Pháp thường chọn không lên tiếng. Chỉ có 10% nạn nhân bị hiếp dâm báo cáo tội ác với hệ thống tư pháp. Và trong số những vụ được báo cáo đó, chỉ có 1 đến 4% bị kết án.

Gisèle Pelicot hiện đã truyền cảm hứng cho chính những nạn nhân này để họ đứng lên và thúc đẩy sự thay đổi. Ba tháng qua, nhiều người trên khắp nước Pháp đã tự vấn và xem xét xem "sự đồng thuận" là gì. Phiên tòa của bà Gisèle đã buộc họ phải thảo luận về văn hóa hiếp dâm và cách thay đổi nó.

Mặc dù phiên tòa sẽ đi vào lịch sử ở Pháp, song những nhà vận động và luật sư nhấn mạnh rằng nó sẽ không đánh dấu sự kết thúc của một chương xấu xí trong lịch sử; mà là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nơi "sự đồng thuận" được dạy trong trường học và được đưa vào bộ luật hình sự.

Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cũng đang hưởng ứng lời kêu gọi hành động và sự lạc quan của bà Gisèle.

Khi rời tòa án vào hôm 19/12, bà cho biết phiên tòa đã cho bà thấy rằng "một tương lai mà phụ nữ và đàn ông có thể chung sống hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau" thực sự có thể đạt được. Điều có còn tùy thuộc vào việc nước Pháp nắm bắt thời cơ này và biến nó thành hiện thực.

Mai An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-sau-vu-chong-ru-hang-chuc-nguoi-la-ve-cuong-hiep-vo-o-phap-post1519343.html