Thấy gì sau vụ hành khách suýt bị đuổi xuống máy bay vì 'thả rông'
Từ người mẫu, bác sĩ cho đến nhà tạo mẫu tóc, ai ai cũng có thể gặp rắc rối với chuyến bay của mình chỉ vì đánh giá là 'mặc trang phục không phù hợp'.
Động thái đầu tiên của những hành khách này là đưa ra lời phàn nàn trên mạng xã hội.
Đó là những gì Aurora Culpo đã làm vào năm 2022 khi chị gái Olivia Culpo (người mẫu, cựu Hoa hậu Hoàn vũ) phải che áo ngực thể thao màu đen và quần biker (mẫu quần legging ngắn trên đầu gối - PV) bằng hoodie trước khi lên chuyến bay của American Airlines đến Cabo San Lucas (Mexico).
Tương tự, bác sĩ Tisha Rowe ở Houston (Mỹ) cũng công khai chỉ trích hãng hàng không trên hồi tháng 7/2019 khi cô bị yêu cầu che chắn bộ trang phục hoa (bị che là) “quá hở hang” của mình bằng một chiếc chăn trên chuyến bay từ Jamaica đến Miami.
Một sự cố khác của Alaska Airlines xảy ra vào tháng 8/2021. Cảnh sát khi ấy đưa hành khách tên Ray Lin Howard (rapper, nhà tạo mẫu tóc) mặc quần short đen và áo croptop ra khỏi máy bay ngay khi hạ cánh. Video trên TikTok ghi lại cảnh cô bị chính quyền thẩm vấn đã thu hút 1,5 triệu lượt thích và 10.000 lượt chia sẻ.
Mới đây, Lisa Archbold - nữ DJ với nghệ danh Djette Kiwi - bày tỏ bức xúc khi hãng hàng không Delta Airlines (Mỹ) dọa đuổi cô xuống máy bay vì không mặc áo ngực, New York Post đưa tin hôm 7/2. Khi ấy, Archbold cho biết mình bị "đối xử như tội phạm" và chỉ được phép bay nếu mặc sơ mi bên ngoài trang phục “hở” của mình.
Delta Airlines sau đó đã xin lỗi Archbold nhưng "chưa thừa nhận bất cứ sai phạm nào". "Quy định về trang phục cực kỳ chủ quan. Các chính sách chủ quan rất dễ bị lạm dụng dẫn đến phân biệt đối xử và quấy rối hành khách. Hãy làm cho mọi người an toàn hơn", nữ DJ góp ý với hy vọng hãng sẽ sửa đổi theo hướng quan tâm đến sự an toàn của hành khách hơn là lời xin lỗi.
Trên đây là một số sự việc điển hình làm dấy lên tranh cãi về chính sách trang phục sân bay còn cảm tính và chưa rõ ràng của các hãng hàng không.
Sự thoải mái lên ngôi
Trước Đạo luật bãi bỏ quy định hàng không năm 1978, phong cách thời trang sân bay của hành khách ở Mỹ thường là suit 3 mảnh (suit cơ bản nhưng có thêm áo gile - PV), váy và giày cao gót.
Ngày nay, sự thoải mái là trên hết, cùng với chuẩn mực văn hóa và xu hướng đang thay đổi như phong cách athleisure ưu tiên các trang phục thể thao đơn giản, năng động. Đó là lý do mà hầu hết khoang hạng phổ thông thời hiện đại đều có hành khách mặc quần jeans, áo phông, hoodie, dép xỏ ngón, thậm chí cả đồ ngủ.
Tuy nhiên, ngay cả khi xem xét chuẩn mực mới về ăn mặc lịch sự, xung đột thời trang vẫn có thể xảy ra giữa hành khách và nhân viên hàng không một phần do chính sách mơ hồ.
Khi mua vé máy bay trực tuyến, hành khách cũng đồng ý tuân thủ hợp đồng vận tải. Đó là tài liệu pháp lý nêu rõ các chính sách của hãng hàng không. Tuy nhiên, một số hãng không đặt ra quy định chính thức về trang phục. Thay vào đó, ẩn trong hợp đồng vận tải là 1, 2 dòng nêu những gì bị cấm, ví dụ như đi chân trần.
Các hãng hàng không cũng có thể thiết lập tiêu chí liên quan đến hình thức bên ngoài. Chẳng hạn, Delta cho biết khi "tư cách, trang phục, vệ sinh hoặc mùi của một hành khách gây khó chịu hoặc xúc phạm hành khách khác” thì họ có thể bị đưa ra khỏi máy bay.
Trong khi đó, American Airlines và Spirit Airlines đơn thuần tuyên bố hành khách của mình phải “ăn mặc phù hợp, không đi chân trần hoặc mặc quần áo phản cảm".
Trong số các hãng hàng không Mỹ mà CNN Travel đánh giá, Hawaiian Airlines là hãng đặt ra chính sách chi tiết nhất. Theo Quy tắc 13: Từ chối vận chuyển, Hawaiian nêu rõ những gì không được xuất hiện trên máy bay: quần bikini, Speedo (thương hiệu đồ bơi nổi tiếng với kiểu quần ôm sát cơ thể - PV), chân trần, cùng với quần áo "hớ hênh và xúc phạm người khác".
Quy định còn nêu rõ quần áo phải “che phần thân trên”, nhưng hành khách được phép mặc áo ba lỗ, áo ống và áo dây (cũng như quần đùi, nhưng không có thông số kỹ thuật về độ dài).
Hành khách bay theo diện khách mời hoặc nhân viên - hiểu nôm na là diện "phi doanh thu" (miễn phí hoặc chỉ trả một phần tiền vé) sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn về trang phục. Trường hợp điển hình là vào năm 2017, một nhân viên của United Airlines đã cấm 2 cô gái tuổi teen lên máy bay vì họ mặc quần legging. Đây là quyết định mà hãng hàng không bảo vệ trên mạng xã hội nhưng lại dẫn đến làn sóng truyền thông xấu đối với hình ảnh của hãng.
"Vấn đề thời trang tập trung vào giới tính"
Khía cạnh khó hiểu nhất của hầu hết chính sách là sự mơ hồ cố hữu xung quanh một số thuật ngữ như “thích hợp”, “dâm dục” và “xúc phạm”, khiến nhân viên hàng không mất nhiều thời gian trong việc xác định những đối tượng được phép bay.
Nick Leighton, một chuyên gia về phép xã giao tại Manhattan (Mỹ) và là người đồng sáng lập podcast Were You Raised by Wolves? (tạm dịch Bạn có được nuôi dưỡng bởi bầy sói không?), lưu ý rằng những gì được coi là phù hợp, chấp nhận được sẽ có sự khác nhau đáng kể giữa các khu vực địa lý mà hãng hàng không phục vụ.
“Các hãng hàng không có quyền quyết định chính sách của họ, nhưng đó là tiêu chuẩn văn hóa gì? Có phải trụ sở chính của Delta ở Atlanta sẽ khác với Provence hay Los Angeles không?”, Leighton nói với CNN Travel.
Những khác biệt đó - chưa kể đến sự khác biệt lớn về văn hóa, nền tảng - có thể khiến một số hành khách dễ trở thành mục tiêu hơn những người khác. Điển hình là phụ nữ chiếm phần lớn trong các vụ việc được công bố rộng rãi.
Mary Jo Manzanares, một người viết về du lịch ở Seattle và từng làm tiếp viên hàng không ở Mỹ trong 33 năm, thừa nhận "có khá nhiều sự miệt thị ngoại hình" trong các sự cố mà cô thấy trên phương tiện truyền thông.
“Điều này liên quan đến việc ăn mặc thiếu vải và thường tập trung vào phụ nữ. Dù công bằng mà nói, đàn ông mặc chiếc Speedo có thể gây ra phản ứng tương tự. Nhưng không còn nghi ngờ gì nữa - đó là vấn đề thời trang tập trung vào giới tính. Tôi ước gì điều đó không xảy ra", cô bày tỏ.
Trong bức thư gửi chủ tịch của Delta, luật sư được Lisa Archbold ủy quyền là Gloria Allred nhấn mạnh sự thiếu cân bằng, trích dẫn hợp đồng vận tải của hãng hàng không nêu rõ "không được từ chối cung cấp dịch vụ vận chuyển dựa trên… giới". Như vậy, bằng việc từ chối quyền được bay của cô Archbold trong chiếc áo phông hoàn toàn phù hợp, Delta đã phân biệt đối xử dựa trên giới tính.
Manzanares cảm thấy may mắn khi chỉ đối mặt với số ít sự cố liên quan đến trang phục trong nhiều thập kỷ làm tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, cô thấy nhiều hành khách không nhận thức được nguy cơ rắc rối trên chuyến bay đến từ một khẩu hiệu tưởng chừng vô hại trên quần áo. Đó là lý do các nhân viên mặt đất và tiếp viên hàng không luôn cố gắng giải quyết mọi vấn đề tiềm ẩn trước khi máy bay cất cánh, theo Manzanares.
Không ai muốn trở thành "cảnh sát thời trang"
Khi nghiên cứu vấn đề, CNN Travel đã liên hệ bộ phận truyền thông của gần chục hãng hàng không lớn ở Mỹ và quốc tế, bao gồm những hãng liên quan đến các sự cố được công bố rộng rãi về trang phục hành khách, để nhận xét về chính sách trang phục của họ và cách họ phản hồi khiếu nại.
Chỉ có 2 người phản hồi, một trong số đó là người phát ngôn của KLM và Air France đã từ chối bình luận. Người còn lại đại diện cho Southwest đã nói với CNN qua email rằng hãng không có quy định chính thức về trang phục. Thay vào đó, nhân viên của Southwest có trách nhiệm sử dụng phán đoán của mình để đảm bảo sự thoải mái, an toàn cho mọi người khi tuân theo hợp đồng vận tải. Về ngoại hình và vệ sinh cá nhân, hợp đồng chỉ quy định rằng việc vận chuyển có thể bị từ chối đối với hành khách đi chân trần và những người có “mùi khó chịu”.
Không ngạc nhiên khi nhiệm vụ giám sát trang phục của hành khách và yêu cầu họ che chắn nếu cần thiết là một nhiệm vụ chẳng mấy dễ chịu đối với các tiếp viên hàng không. Manzanares nói: “Điều sau cùng chúng tôi muốn làm là trở thành 'cảnh sát thời trang"".
Việc giám sát như vậy không chỉ gây phiền toái cho mỗi khách hàng mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm người khác khi chuyến bay bị chậm trễ; tất cả nhân viên (bao gồm cơ trưởng) phải dành thời gian giải quyết.
Những hành khách cảm thấy mình bị đối xử bất công luôn có thể nộp đơn khiếu nại lên hãng hàng không hoặc Bộ Giao thông vận tải, song không đảm bảo về việc bồi thường hoặc hoàn tiền. Nói cách khác, những hành khách bị từ chối lên máy bay với lý do trang phục xem như "lỗ" tiền vé chưa sử dụng, có nguy cơ tốn tiền đặt lại vé mà không được bảo hiểm du lịch chi trả. Trong một vụ việc được đăng trên X hôm 1/4, một hành khách của American Airlines đã mất trắng 2.000 USD cho vé hạng nhất chỉ vì mặc trang phục phản cảm.
Từ đây, Kristy Alpert, một nhà văn chuyên viết về du lịch ở châu Âu và có cha là cựu phi công Delta, gợi ý mọi người thay đổi tư duy để đối diện với vấn đề nhẹ nhàng hơn. "Việc tôi không mặc quần short siêu ngắn hay đeo logo mà tôi biết sẽ vô tình xúc phạm ai đó không có nghĩa tôi từ bỏ quyền tự do ăn mặc theo cách mình muốn, mà là tôi thể hiện sự tử tế với người khác", Alpert bày tỏ.
Đồng quan điểm, Leighton, chuyên gia về phép xã giao, bổ sung rằng phần lớn rắc rối có thể tránh được nếu hành khách lưu ý đến an toàn cá nhân khi chọn trang phục sân bay - cụ thể hơn là quần áo, giày dép có tác dụng ra sao trong tình huống khẩn cấp như sơ tán khỏi máy bay, chạy trốn trên đường băng...
Mặt khác, Leighton khuyên mọi người xung quanh nên sống trong thế giới riêng mà không can thiệp quá mức vào chuyện của người khác - "giả vờ như chuyện này không xảy ra". Nếu chẳng may con bạn đọc được cụm từ tục tĩu trên quần áo của một hành khách, chuyên gia lưu ý cha mẹ hãy nhân cơ hội này để trao đổi với con.