Thấy gì từ 5 điểm nổi bật trong biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VIAC và MCBA?

Sự hợp tác giữa VIAC và Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá sẽ đem lại những giá trị thiết thực, giá trị bền vững cho cả hai bên.

5 điểm nhấn quan trọng

Ngày 21/7, tại TP.Cần Thơ đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là sự kiện được đánh giá là rất quan trọng đối với VIAC và cả Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (MCBA).

Theo đó, VIAC là tổ chức trọng tài quy chế lâu đời nhất tại Việt Nam, được thành lập từ năm 1993 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. VIAC độc lập thực hiện chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án khác (Alternative Dispute Resolution - ADR) theo các quy định của pháp luật. Một trong các mục tiêu lớn của VIAC là thúc đẩy sự phát triển của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và các phương thức ADR khác tại Việt Nam, đóng góp vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

 Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa VIAC và MCBA được tổ chức tại Cần Thơ.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa VIAC và MCBA được tổ chức tại Cần Thơ.

Trong khi đó, Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long là một tổ chức tự nguyện tập hợp các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội ngành nghề trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhằm mục đích liên kết giữa các Hội, Hiệp hội trong vùng trên cơ sở gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau phát triển; Tạo ra tiếng nói chung trong việc tham mưu, kiến nghị đến các cơ quan chức năng, chính quyền từ trung ương đến địa phương về những chính sách của Nhà nước liên quan đến doanh nghiệp; Thúc đẩy việc cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh trong Vùng thông qua các hoạt động của các Hội, Hiệp hội; Làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Đảng, Đoàn thể, chính quyền địa phương trong vùng; Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL trong việc phản ánh, kiến nghị chính sách phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh và cho sự phát triển chung của khu vực; Tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hướng tới các hoạt động hỗ trợ gần gũi, thiết thực hơn với doanh nghiệp trong vùng.

 TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC (bên trái) và TS. Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch MCBA ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC (bên trái) và TS. Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch MCBA ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

 Đây là sự kiện quan trọng đối với cả VIAC và MCBA.

Đây là sự kiện quan trọng đối với cả VIAC và MCBA.

Theo đó, nội dung biên bản ký kết gồm các nội dung chính: Thứ nhất, VIAC sẽ hỗ trợ pháp lý, tham gia giải quyết các khiếu nại, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện, khả năng của mỗi bên. Hàng năm, hai Bên phối hợp tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý, giải quyết khiếu nại, tranh chấp cho doanh nghiệp trong năm.

Thứ hai, phối hợp thực hiện phản biện, góp ý kiến về pháp luật, chính sách liên quan đến lĩnh vực và hoạt động của doanh nghiệp hội viên của MCBA hỗ trợ, tạo điều kiện để VIAC tiếp cận các hội viên Hiệp hội trong quá trình xử lý, giải quyết các tranh chấp và phối hợp trong các đề xuất, kiến nghị cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ ba, phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, các khóa đào tạo, tập huấn trao đổi kinh nghiệm về đàm phán, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng; xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và những nội dung cần thiết khác theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Thứ tư, phối hợp biên soạn và giới thiệu các ấn phẩm, chuyên đề, bài viết, thông tin phù hợp với hoạt động của hai bên trên website của VIAC và trên Tạp chí, website của MCBA nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho Hội viên của VIAC và MCBA;

Thứ 5, phối hợp, chia sẻ thông tin trong các hoạt động hợp tác quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.

Hợp tác thiết thực mang lại giá trị bền vững

Trao đổi với Phóng viên bên lề buổi lễ ký kết, TS. Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ: “Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, việc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) ký bản ghi nhớ với Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long là một sự kiện quan trọng, vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt, VIAC là một tổ chức được thành lập 30 năm, có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp kinh tế, đóng góp vào việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam”.

 Các đại biểu tham dự lễ ký kết.

Các đại biểu tham dự lễ ký kết.

Theo TS. Trần Khắc Tâm, hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực rất năng động và có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển kinh tế, xã hội. Không ít các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại đây đã khẳng định được vị thế của mình không chỉ ở trong nước mà trên trường quốc tế. Những năm qua, Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL luôn thể hiện tốt vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL trong việc phản ánh, kiến nghị chính sách phát triển kinh tế, môi trường kinh doanh và cho sự phát triển chung của khu vực. Tuy nhiên, chắc hẳn, một số vấn đề liên quan đến pháp lý chuyên sâu thì Hội đồng các Hiệp hội không thể nào nghiên cứu kỹ lưỡng như VIAC.

Thực tế cho thấy, trên thương trường thường nảy sinh rất nhiều các vấn đề tranh chấp về kinh tế, hợp đồng kinh tế. Chúng ta đều hiểu rằng, việc đưa ra tòa án đối với những tranh chấp về kinh tế thể hiện sự văn minh và thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn, có điều kiện kinh tế, tự trang bị cho mình đội ngũ pháp chế để thể tham vấn, nghiên cứu hợp đồng hoặc đưa ra những căn cứ pháp lý khi ra tòa. Nhưng, không ít doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ không có đội ngũ pháp chế. Vì thế, việc VIAC hỗ trợ pháp lý, tham gia giải quyết các khiếu nại, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng, quản lý thực hiện hợp đồng, xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng là điều hết sức cần thiết. Ngoài ra, khi đã có VIAC tư vấn, các doanh nghiệp trong Hiệp hội cũng có một kênh tham vấn đáng tin cậy trước khi ký hợp tác với các đối tác kể cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, lâu nay, là đại diện của doanh nghiệp, Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL đã có những văn bản, ý kiến phản biện chính sách để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với bản ghi nhớ này, các doanh nghiệp trong Hiệp hội sẽ có thêm một kênh nữa đó là chính là VIAC. VIAC sẽ phối hợp thực hiện phản biện, góp ý kiến về pháp luật, chính sách liên quan đến lĩnh vực và hoạt động của doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội. Ngoài giải quyết các tranh chấp, VIAC sẽ phối hợp, kiến nghị cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, VIAC sẽ trao đổi kinh nghiêm về đàm phán, giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cao sự cạnh tranh trên thương trường. Đây là vấn đề mà Hiệp hội nói chung, các doanh nghiệp thành viên rất cần thiết.

“Tôi tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa VIAC và Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đem lại những giá trị thiết thực, giá trị bền vững cho cả hai bên. Đó sẽ là nền móng cho những hợp tác lâu dài sau này”, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh.

Văn Chương

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thay-gi-tu-5-diem-noi-bat-trong-bien-ban-ghi-nho-hop-tac-giua-viac-va-mcba-79110.html