Thấy gì từ chất lượng quản trị trên HNX?

Mặc dù đã có sự phát triển về lượng nhưng dường như 'chất' của sàn HNX vẫn 'nhẹ' hơn hẳn so với sàn HoSE, nhất là khi chất lượng quản trị trên HNX đang 'vắng mặt' nhiều doanh nghiệp lớn.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố danh sách các doanh nghiệp công bố thông tin minh bạch và quản trị tốt nhất trên sàn năm 2021 – 2022. Theo đó, điểm trung bình về công bố thông tin và minh bạch đạt 59,21%, giảm 4,51% so với năm 2021.

Vắng nhiều doanh nghiệp lớn

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm về công bố thông tin định kỳ và bất thường của các doanh nghiệp trên HNX trong năm 2021 và 10 tháng năm 2022 có xu hướng tăng.

Chất lượng quản trị trên HNX đang “vắng mặt” nhiều doanh nghiệp lớn.

Chất lượng quản trị trên HNX đang “vắng mặt” nhiều doanh nghiệp lớn.

Theo HNX, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động, người phụ trách công bố thông tin bị cách ly đột xuất, một phần do các quy định về công bố của Bộ Tài chính được nâng lên, chặt chẽ hơn.

Thống kê cho thấy, trong danh sách 10 doanh nghiệp niêm yết quản trị công ty tốt nhất năm 2021-2022 trên HNX thiếu vắng nhiều doanh nghiệp lớn/nổi tiếng như: Thaiholdings (THD); Chứng khoán SHS; Nhựa Tiền Phong (NTP); Chứng khoán MBS; Tập đoàn C.E.O (CEO); Tasco (HUT),...

Cũng theo HNX, trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường chứng khoán toàn cầu khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Tính đến 31/10/2022, vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết HNX giảm 48,42% so với cuối năm 2021, thanh khoản sụt giảm mạnh xuống mức 963 tỷ đồng/phiên, giảm 72,48% so với năm 2021.

Còn nhớ, hồi cuối năm 2020, trong khi sàn HoSE “dở khóc dở cười” với sự cố nghẽn mạng, Vn - Index gặp khó tại ngưỡng 1.200 điểm, trong khi đó chỉ số HNX-Index lại liên tục tăng lên ngưỡng 275 điểm (tương đương gần 40% so với cuối năm 2020).

Cùng với đó, yếu tố thanh khoản, giá trị giao dịch của HNX cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh, nhất là từ tháng 11/2020. Còn trên HoSE, giá trị giao dịch bình quân trong năm 2020 tăng thấp hơn với 55,6% so với năm trước đó.

Thời điểm đó, quy mô cung cầu trên HNX có sự tăng mạnh làm cho thị trường nghĩ rằng dòng tiền đang có sự chuyển dịch từ sàn HoSE sang HNX, bởi dù sao từ trước đến nay cơ hội sinh lời của HNX cũng hấp dẫn hơn với biên độ giao dịch cao hơn trên sàn HoSE.

Dù vậy, xét chung, tỷ trọng giao dịch trên sàn HNX có tăng về lượng nhưng so với HoSE thì vẫn khá nhỏ bé bởi lượng giao dịch trên sàn HoSE vẫn chiếm tới hơn 80% giao dịch toàn thị trường. Chưa kể, thực tế cho thấy, đến nay “chất” ở trên sàn HNX vẫn là vấn đề đáng lưu tâm.

Khó “vượt mặt” HoSE?

Theo quy định tại Nghị định 58/2012/NĐ-CP, điều kiện một tổ chức cổ phần niêm yết chứng khoán trên HoSE phải có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên, trong khi mức vốn này ở sàn HNX chỉ từ mức 30 tỷ đồng.

Công ty niêm yết trên sàn HoSE phải có ít nhất 2 năm liền kề có lãi và không nợ quá hạn trên một năm, không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết, tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính. Trong khi đó, chỉ số này trên sàn HNX chỉ yêu cầu công ty không nợ quá hạn một năm, và không yêu cầu phải có ít nhất 2 năm có lãi như HoSE.

Đặc biệt, HoSE yêu cầu các công ty niêm yết phải công khai các khoản nợ đối với thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc, cổ đông lớn và những người liên quan; trong khi đó HNX không quy định công khai yêu cầu này. HoSE cũng yêu cầu số lượng 300 cổ đông (không bao gồm cổ đông lớn) nắm giữ ít nhất 20% số cổ phiếu có quyền biểu quyết; sàn HNX chỉ yêu cầu 100 cổ đông nắm giữ 15% số cổ phần biểu quyết của công ty niêm yết…

Nếu công ty niêm yết trên sàn HoSE vi phạm các quy định công khai thông tin bốn lần trở lên sẽ bị HoSE nhắc nhở và cổ phiếu niêm yết trên sàn HoSE bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt khi công ty niêm yết vi phạm các quy định như một số các chỉ tiêu trình bày ở trên. Tuy nhiên, sự khác biệt còn nằm ở chỗ cổ phiếu của công ty niêm yết không đáp ứng được các chỉ số như vốn điều lệ, lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu và các điều kiện công khai minh bạch thông tin sẽ bị HoSE hủy giao dịch.

Những so sánh trên cho thấy, chất lượng công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán là hoàn toàn khác biệt, nhất là chỉ số vốn điều lệ và lợi nhuận cao mà các chỉ số về minh bạch thông tin đối với một tổ chức niêm yết trên sàn HoSE cao hơn hẳn so với sàn HNX, và quy mô thị trường rộng lớn của sàn HoSE là cơ hội cho các cổ phiếu muốn kêu gọi nhà đầu tư quốc tế.

Đặc biệt, sự tham gia các cổ phiếu quỹ của các mã chứng khoán niêm yết trên sàn HoSE còn làm tăng giá trị cổ phiếu trên sàn này. Hơn nữa, cách tính rổ cổ phiếu VN30 là một lợi thế không thể đo đếm trước mắt đối với những mã chứng khoán của các tổ chức niêm yết trên sàn HoSE…

Đây cũng là lý do mà hầu hết các ngân hàng, thậm chí các ngân hàng không phải chịu áp lực pháp lý vì đã niêm yết trên sàn HNX như Sahabank (SHB), ngân hàng Á Châu (ACB) hoặc giao dịch trên UPCoM như ngân hàng quốc tế (VIB), LienVietPostBank (LPB) cũng chuyển sang niêm yết trên HoSE, bất chấp thời điểm lên kế hoạch chuyển sàn các điều kiện thị trường bất lợi do Covid-19.

“Niêm yết trên HoSE có thể mang lại nhiều lợi ích, trong đó cơ hội tăng vốn là lợi ích nổi bật nhất”, Chứng khoán SSI nhận định.

Cụ thể, niêm yết trên HoSE sẽ giúp các ngân hàng đủ điều kiện để giao dịch ký quỹ, qua đó cải thiện tính thanh khoản của cổ phiếu. Đồng thời, khiến nhà đầu tư đón nhận tốt hơn bởi giúp tăng tính minh bạch, cũng như độ tin cậy của thông tin doanh nghiệp công bố trên HoSE.

Bên cạnh đó, niêm yết trên HoSE còn giúp các ngân hàng thu hút đầu tư từ các quỹ lớn, bởi một số quỹ không được phép đầu tư vào cổ phiếu UPCoM.

Nhìn chung, sàn HNX sẽ hạn chế sự lựa chọn cổ phiếu cơ bản, thanh khoản cao, bởi những mã tạo thanh khoản chính cho sàn HNX đã lần lượt chuyển hết sang HoSE. Ngoài ra cũng hạn chế phân khúc nhà đầu tư bởi nhà đầu tư có quy mô vốn trung bình từ 500 triệu đến dưới 3 tỷ đồng sẽ khó “mua hàng” nếu lựa chọn HNX. Trong khi đó, với bối cảnh hiện nay, nhiều vụ việc liên quan tới sự không minh bạch trên thị trường đã khiến nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu có phần “khắt khe” hơn trước nữa.

Một số nhà đầu tư cho biết, khi trao đổi với nhau về lựa chọn cổ phiếu, họ sẽ chỉ nói chuyện thẳng về mã cổ phiếu chứ hiếm khi hỏi mã đó ở sàn nào. Do đó, yếu tố tiên quyết để hấp dẫn dòng tiền chính là chất lượng hàng hóa chứ không phải năng lực của sàn giao dịch. Và đây được đánh giá là cơ hội hút tiền cho sàn HNX trong điều kiện chất lượng các doanh nghiệp trên sàn ngày càng nâng cao.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/thay-gi-tu-chat-luong-quan-tri-tren-hnx-1089625.html