Thấy gì từ chiến lược liên minh công nghệ của Mỹ?
Chính quyền Biden về cơ bản đã kế thừa truyền thống liên minh của Mỹ. Liên minh là biện pháp quan trọng để thực hiện chiến lược an ninh quốc gia và các mục tiêu khác của Mỹ. Đối với người đứng đầu Nhà Trắng, đó là nguồn sức mạnh to lớn, hay còn gọi là sức mạnh cấp số nhân.
Một chiến lược linh hoạt hơn
Liên minh công nghệ thường được thể hiện theo nhiều cách khác nhau trong lịch sử hậu chiến của Mỹ. Ví dụ trong Chiến hanh Lạnh, Mỹ đã đi đầu thành lập ủy ban điều phối kiểm soát xuất khẩu đa phương, ủy ban này chủ yếu kiểm soát hoạt động xuất khẩu các sản phẩm công nghệ sang Liên Xô và Đông Âu. Ở góc độ kiểm soát xuất khẩu, ủy ban này đã hoạt động khá tốt, tuy nhiên vẫn có lỗ hổng nên đã xảy ra sự cố Công ty Toshiba cung cấp máy phay chính xác điều khiển bằng máy tính cho Liên Xô.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực này, chủ đạo thành lập Hiệp định Wassenaar về kiểm soát xuất khẩu vũ khí thông thường, hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng, tiếp nối hoạt động của ủy ban điều phối kiểm soát xuất khẩu đa phương. Nhưng do tính tự chủ của các quốc gia thành viên cũng tương đối mạnh, đặc biệt là các nước tham gia hiệp định như Nga, nên Hiệp định Wassenaar quản lý lỏng hơn so với ủy ban, vì vậy Mỹ hầu như không sử dụng Hiệp định Wassenaar để xây dựng liên minh công nghệ ngày nay.
Giới ngoại giao và an ninh quốc gia Mỹ nhận thấy rằng, trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc ngày nay, Mỹ không thể xây dựng một liên minh toàn diện như NATO. Do đó, Mỹ sẽ áp dụng chiến lược linh hoạt hơn khi thiết lập quan hệ đồng minh. Mỹ sẽ không thành lập một liên minh lớn quản lý tất cả các vấn đề, mà tổ chức tập hợp các cơ quan đặc biệt giải quyết từng vấn đề cụ thể.
Đầu năm 2021, Ủy ban An ninh quốc gia về trí tuệ nhân tạo của Mỹ đã công bố báo cáo cho rằng, Mỹ nên lãnh đạo một liên minh công nghệ mới nổi và thành lập một tổ chức nghiên cứu trí tuệ nhân tạo đa phương, để nâng cao địa vị của Mỹ với tư cách là trung tâm nghiên cứu công nghệ mới nổi toàn cầu. Mỹ sẽ cùng với các nền dân chủ cùng chí hướng phát triển và bảo vệ chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng tin cậy. Do đó, Mỹ sẽ thành lập liên minh công nghệ với nhóm G7 làm nòng cốt, đồng thời kết nạp các quốc gia khác như Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Thụy Điển, Phần Lan... Liên minh này sẽ không có số lượng cụ thể và có thể bao gồm các quốc gia khác nhau, hoặc thậm chí các công ty khác nhau, căn cứ theo sự phát triển của công nghệ.
Quốc hội Mỹ cũng đã đưa ra các đề xuất trong lĩnh vực này. Đạo luật Đối tác công nghệ dân chủ do các nghị sĩ Mỹ đệ trình, nhấn mạnh chính sách của Mỹ là đi đầu thiết lập một khuôn khổ ngoại giao đa phương mới về chính sách công nghệ, bao gồm các nền dân chủ với trình độ phát triển công nghệ hàng đầu thế giới. Khái niệm này đã được đưa vào Đạo luật đổi mới và cạnh tranh năm 2021 của Mỹ được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 8/6/2021. Ngoài ra, chính sách liên minh công nghệ của Mỹ cũng bao gồm hệ thống liên minh xuyên Đại Tây Dương, với việc thành lập Hội đồng thương mại và công nghệ Liên minh châu Âu (EU)-Mỹ (TTC), được EU và Mỹ nhất trí vào tháng 6/2021.
Ngày 30/9/2021, TTC đã tổ chức hội nghị lần thứ nhất tại Pittsburgh, bang Pennsylvania của Mỹ. Hội đồng thành lập tổng cộng 10 nhóm công tác chịu trách nhiệm định ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, an ninh cho chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ truyền thông thế hệ mới. Điểm đáng chú ý là hai bên có nhận thức chung là tập trung vào sàng lọc đầu tư nước ngoài và kiểm soát xuất khẩu, trọng điểm là kiểm tra giám sát các vấn đề an ninh liên quan đến công nghệ nhạy cảm và dữ liệu số.
Cốt lõi của chiến lược
Thứ nhất, chiến lược dẫn dắt việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy phạm kỹ thuật quốc tế. Việc nắm được quyền định ra các tiêu chuẩn và quy phạm công nghệ tương lai được Mỹ coi là ưu tiên hàng đầu, chỉ có nắm quyền định ra các tiêu chuẩn mới có thể giành được địa vị chủ đạo trong phát triển công nghệ tương lai. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng, xu hướng và hậu quả của cách mạng công nghệ hiện nay vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là các công nghệ mới nổi phần lớn vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của luật pháp và quy định. Do đó, việc định ra các tiêu chuẩn quy phạm kỹ thuật hiện vẫn đang được quan tâm hàng đầu. Để giảm bớt bất ổn, Mỹ quyết tâm phải nắm quyền định ra các tiêu chuẩn công nghệ thông tin để nâng cao sức cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ, hơn nữa nhất định phải tránh để Trung Quốc và Nga định ra các quy tắc cạnh tranh cho kỷ nguyên số.
Thứ hai, chiến lược đảm bảo an ninh cho các chuỗi cung ứng quan trọng ở Mỹ. Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu xem xét lại chuỗi cung ứng của Mỹ. Đặc biệt đối với chất bán dẫn, Mỹ đã có nhiều hành động mạnh tay, tổ chức 3 cuộc họp về chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn tại Nhà Trắng. Gần đây, các công ty sản xuất chất bán dẫn như Samsung và TSMC được yêu cầu gửi dữ liệu quan trọng cho Mỹ.
Có thể nói, việc kiểm tra, giám sát an ninh của chuỗi cung ứng là một nội hàm quan trọng trong chiến lược liên minh công nghệ. Việc kiểm tra, giám sát như vậy nhằm đảm bảo rằng Mỹ, các đồng minh và ít nhất là các nước đối tác sẽ cung cấp các công nghệ và sản phẩm công nghệ chủ chốt, không để các quốc gia như Trung Quốc cung cấp bất kỳ sản phẩm nào cho các lĩnh vực kỹ thuật quan trọng của Mỹ.
Thứ ba, chiến lược đảm bảo địa vị dẫn đầu của Mỹ và các đồng minh trong lĩnh vực công nghệ mới nổi. Mỹ đã liệt kê các công nghệ là trọng điểm hợp tác với các đồng minh, bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ mạng 5G, công nghệ mạng không dây tiên tiến khác, sản xuất chất bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ sinh trắc học và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như cáp quang. Thứ tư, chiến lược thúc đẩy sự phối họp của các thành viên liên minh trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, sàng lọc đầu tư và tiếp cận thị trường, cốt lõi của việc đánh giá chuyển giao công nghệ nằm ở việc thu thập, phân tích dữ liệu.
Do đó, việc thu thập và phân tích dữ liệu khoa học là nhằm nâng cao nhận thức của các quốc gia thành viên trong liên minh công nghệ và công chúng về cái gọi là cưỡng bức hành động chuyển giao công nghệ bất họp pháp của Trung Quốc, hình thành và củng cố cái gọi là thuyết về mối đe dọa đến từ Trung Quốc trong các nước thành viên liên minh.
EU mong muốn thiết lập một liên minh công nghệ với Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc thống trị kinh tế trong lĩnh vực này.
Ảnh hưởng của chiến lược đối với Trung Quốc
Thứ nhất, chiến lược liên minh công nghệ làm cho Trung Quốc phải đối mặt với một hệ thống bá quyền công nghệ lớn hơn và do Mỹ dẫn đầu. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư với những thay đổi lớn chưa từng có trong 100 năm qua, được Mỹ nhìn nhận là sự thay đổi quan trọng dẫn đến những thay đổi cục diện quốc tế trong tương lai. Do đó, xây dựng vị thế bá chủ về công nghệ là trụ cột nòng cốt để Mỹ duy trì hệ thống bá quyền. Hơn nữa, các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay về cơ bản đều nằm trong tay Mỹ và các đồng minh, vì vậy liên minh công nghệ chắc chắn là biện pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất để Mỹ đạt được vị thế bá chủ về công nghệ.
Liên minh công nghệ này chắc chắn khiến cho Trung Quốc phải đối mặt với một hệ thống bá quyền công nghệ lớn hơn, có hệ thống hơn. Hệ thống này không chỉ bao gồm các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu, mà còn các chủ thể phi nhà nước như các tập đoàn đa quốc gia.
Thứ hai, hệ thống quản trị công nghệ mới nổi trong liên minh công nghệ này có thể có tác động nghiêm trọng hơn đối với Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc có thể bị loại khỏi cuộc chơi đổi mới toàn cầu và hệ thống quản trị công nghệ mới nổi. Ngoài ra, liên minh công nghệ do Mỹ chủ đạo cũng sẽ loại Trung Quốc khỏi hệ thống xây dựng và quản trị quy tắc quốc tế liên quan đến công nghệ, ngăn cản các nước hình thành sức mạnh chung để quản lý công nghệ mới nổi.
Trên thực tế, sự phát triển của các công nghệ mới nổi đã kéo theo những vấn đề khó khăn mà một mình Mỹ không thể giải quyết được, hay chỉ dựa vào các liên minh công nghệ phương Tây, mà cần có sự tham gia của các nước khác như Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, nếu liên minh công nghệ loại bỏ Trung Quốc thì quản lý công nghệ khó có thể trờ thành một hệ thống quản trị mang tính toàn cầu.
Thứ ba, một số công ty công nghệ Trung Quốc đã bị loại khỏi chuỗi cung ứng trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, điều này cũng sẽ gây trở ngại lớn cho việc thực hiện chiến lược Con đường tơ lụa kỹ thuật số của Trung Quốc. Đồng thời, liên minh công nghệ cũng sẽ thúc đẩy liên kết với các liên minh khác của Mỹ, làm cho tình hình chính trị, kinh tế và quân sự mà Trung Quốc phải đối mặt trở nên phức tạp hơn. Bất luận là liên minh xuyên Đại Tây Dương hay hội nghị thượng đỉnh dân chủ toàn cầu đều bao gồm các yếu tố chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Qua đó, có thể thấy việc liên kết với các liên minh khác của Mỹ do liên minh công nghệ gây ra hiện đã có hiệu quả.