Thấy gì từ 'cuộc đua' khắc nghiệt trên thị trường giao nhận trực tuyến?

Nhìn vào câu chuyện hãng giao đồ ăn Baemin thu hẹp hoạt động tại Việt Nam sẽ thấy phần nào sức ép cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giao nhận với giá trị hàng tỷ USD. Trong cuộc đua khắc nghiệt này, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận biết và dự đoán những thay đổi trên thị trường, đồng thời xoay chuyển chiến lược một cách phù hợp để tiếp tục ở lại cuộc chơi.

Theo dữ liệu từ Reputra vào tháng 9/2023 cho thấy, trong 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) ở lĩnh vực giao nhận thực phẩm và đồ uống phổ biến trên mạng xã hội tại Việt Nam thì ShopeeFood đang chiếm vị trí thứ nhất, GrabFood xếp thứ hai, còn thứ ba là Baemin, thứ tư là Loship.

Từ chuyện Baemin thu hẹp hoạt động

Tuy Baemin (hãng giao đồ ăn của Hàn Quốc, được vận hành bởi Công Ty TNHH Woowa Brothers Việt Nam) xếp ở vị trí thứ ba, nhưng theo thống kê hồi năm 2022 của Momentum Works thì công ty này chỉ nắm 12% thị phần giao đồ ăn tại Việt Nam.

Việc thu hẹp hoạt động của Baemin đang cho thấy mức độ khắc nghiệt trong cuộc đua cạnh tranh trên thị trường giao đồ ăn trực tuyến.

Việc thu hẹp hoạt động của Baemin đang cho thấy mức độ khắc nghiệt trong cuộc đua cạnh tranh trên thị trường giao đồ ăn trực tuyến.

Lãnh đạo của Baemin gần đây có chia sẻ với Reuters là hoạt động của họ tại Việt Nam không có lãi bởi thị trường giao đồ ăn ở đây vẫn đầy thách thức, trong khi triển vọng kinh doanh tại các thị trường khác ở châu Á vẫn rất tích cực.

Mới đây nhất, từ chỗ là ứng dụng giao đồ ăn có độ phủ địa lý lớn nhất khi có mặt tại 21 tỉnh thành, vào cuối tháng 9/2023, Baemin đã quyết định thu hẹp hoạt động (đơn cử như dừng hoạt động tại Hội An, Thái Nguyên, Bắc Ninh), sa thải một số nhân sự tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng chuyện thu hẹp hoạt động của hãng giao nhận đến từ Hàn Quốc là điều dễ hiểu khi họ không thể vượt qua cuộc đua cạnh tranh với hai đối thủ lớn là ShopeeFood và GrabFood với tổng thị phần hơn 85%.

Chẳng hạn như giao diện của Baemin không dễ dùng như GrabFood và ShopeeFood, nhân viên xử lý chậm chạp, dịch vụ tệ, lại ít lựa chọn, ít khuyến mãi, còn đối thủ cạnh tranh lại có khuyến mãi nhiều nên lâu dài thâu tóm thị trường. Thanh toán qua ví điện tử liên kết trên Baemin cũng mất nhiều thời gian so với đối thủ…

Quan sát chuyện này, đứng ở góc độ của một chuyên gia tiếp thị số (digital marketing), Ts. Hoàng Ái Phương (Đại học RMIT) cho rằng tham gia thị trường với mức chiết khấu lớn ban đầu là bước đi phù hợp của Baemin, nhưng doanh nghiệp (DN) đã gặp phải khó khăn khi thị trường bắt đầu thay đổi, đặc biệt là sau Covid-19. Nhất là đối diện với nhiều “siêu ứng dụng” có khả năng làm mọi thứ, có lẽ việc Baemin chỉ tập trung vào dịch vụ giao đồ ăn đã khiến họ rơi vào tình thế khó khăn.

Trong khi đó, sức hấp dẫn của thị trường giao đồ ăn trực tuyến ở Việt Nam là điều thấy rõ, với doanh thu dự kiến đạt 1,93 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn 29,5% so với năm 2022, và CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) giai đoạn 2023 – 2027 là 15,29%, tương đương mức doanh thu 3,41 tỷ USD vào năm 2027. Với thị trường “tỷ đô” như vậy càng làm cho cuộc đua cạnh tranh trở nên khắc nghiệt.

Theo Ts. Phương, hành trình “tàu lượn siêu tốc” của Baemin tại Việt Nam, với những đỉnh cao hoành tráng và những thời điểm khó khăn, mang đến bài học vô giá cho các DN trong không gian số hiện nay.

Vị chuyên gia của RMIT cũng nhấn mạnh điều quan trọng cần ghi nhớ là mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng trong thế giới kỹ thuật số. Khi cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn, các DN trong lĩnh vực này cần phải tái định hình phạm vi kinh doanh. Thành công lâu dài sẽ đòi hỏi một sự cân bằng giữa việc mở rộng phạm vi kinh doanh và giữ vững lợi thế cốt lõi.

Đến xoay chuyển chiến lược phù hợp để ở lại cuộc chơi

Ngoài cạnh tranh khắc nghiệt ở lĩnh vực giao đồ ăn trực tuyến nói riêng thì với thị trường giao nhận trực tuyến nói chung ở Việt Nam hiện nay cũng được nhận định là cuộc đua đầy khốc liệt. Nhất là những dự báo gần đây cho thấy, doanh thu TMĐT Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt hơn 20 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD, tăng 25% so với năm trước, tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế hiện nay. Và tốc độ tăng trưởng trung bình của TMĐT từ nay đến năm 2025 ở Việt Nam được dự báo là 29%, và tới năm 2025 sẽ đạt quy mô 52 tỷ USD.

Đó là lý do mà thời gian qua ở Việt Nam đã nở rộ các công ty giao hàng nhắm vào thị trường TMĐT bằng cách tiếp cận tập trung vào công nghệ và có sự hỗ trợ tài chính lớn từ các nhà đầu tư. Có những công ty sẵn sàng chịu lỗ trong một vài năm để đổi lấy việc giành thị phần trên thị trường giao hàng trực tuyến.

Thách thức lớn cho các DN tham gia vào thị trường giao nhận trực tuyến là mức độ cạnh tranh cao. Trong đó, riêng thị trường chuyển phát đang có khoảng 800 DN tham gia. Trong sự phát triển các hoạt động giao nhận chuyển phát, hoạt động giao hàng chặng cuối đang phát triển mạnh nhờ sự bùng nổ của TMĐT. Để chiếm giữ thị phần, nhiều DN đang đầu tư mạnh vào công nghệ, đẩy mạnh số hóa, ứng dụng dữ liệu để cung cấp dịch vụ nhằm giảm thời gian giao hàng, tăng tốc độ vận chuyển và giá cả cạnh tranh hơn.

Xét về xu hướng của thị trường giao hàng trực tuyến tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027, theo Statista, phân khúc chiếm tỉ trọng lớn nhất của thị trường này là phân khúc giao hàng tạp hóa với khối lượng thị trường dự kiến là 1,39 tỷ USD trong năm 2023 (cao hơn 35% so với cùng kỳ năm trước) và sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu 27,3% vào năm 2024.

Tỷ lệ thâm nhập dự kiến của người dùng trong phân khúc giao hàng tạp hóa trực tuyến là 14% vào năm 2023, và đến năm 2027, số lượng người dùng khoảng 19,8 triệu người.

Trong phân khúc giao hàng tạp hóa, mảng Retail Delivery (giao hàng bán lẻ) sẽ chiếm tỉ trọng lớn nhất với giá trị thị trường dự kiến là 0.86 tỷ USD trong năm 2023, tương đương 61,9% tổng doanh thu, tiếp theo mảng Quick Commerce (thương mại nhanh) với tỉ trọng 37,8%, còn lại là doanh thu từ mảng Meal Kit Delivery (giao hàng thực phẩm sơ chế).

Nhìn chung, với triển vọng tăng trưởng mạnh của thị trường giao nhận trực tuyến, việc tranh giành “miếng bánh” thị phần của các “ông lớn” trong lĩnh vực này là lẽ đương nhiên và cũng khó tránh khỏi quy luật đào thải, rút khỏi cuộc chơi, thu hẹp hoạt động của những DN có tiềm lực yếu hơn.

Bên cạnh đó, như lưu ý của Ts. Hoàng Ái Phương, thị trường Việt Nam đầy rẫy câu chuyện về những thương hiệu tỏa sáng rực rỡ để rồi sau đó phải đối mặt với thử thách. Các DN phải nhận biết và dự đoán các thay đổi trên thị trường, cần liên tục đổi mới, tận dụng hệ sinh thái và hiệu ứng mạng (‘network effect’ - hiện tượng giá trị của một hàng hóa hoặc dịch vụ tăng khi càng nhiều người sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó). Đồng thời xoay chuyển chiến lược một cách phù hợp để tiếp tục ở lại cuộc chơi.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-tu-cuoc-dua-khac-nghiet-tren-thi-truong-giao-nhan-truc-tuyen-1095832.html