Thấy gì từ Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế lần thứ 10 - Army 2024
Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự quốc tế lần thứ 10 (Army 2024) diễn ra trong các ngày từ 12-14/8 tại trung tâm triển lãm và hội nghị Patriot ở ngoại ô Moskva luôn thu hút đông đảo sự quan tâm vào các sản phẩm kỹ thuật quân sự của Liên bang Nga cũng như của các nước khác.
Năm nay, hàng trăm doanh nghiệp quốc phòng tham gia triển lãm giới thiệu khoảng 28.000 mẫu sản phẩm tại hơn 160.000 m2 các khu trưng bày trong nhà và ngoài trời.
Trong khuôn khổ Army 2024, công ty cổ phần xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport (thuộc tập đoàn công nghệ quốc doanh khổng lồ Rostec) giới thiệu hơn 700 mẫu sản phẩm quân sự, công dụng kép và dân sự cho các đối tác nước ngoài.
Đáng chú ý trong số này là tổ hợp thiết bị bay không người lái (UAV) Lancet-E - bản xuất khẩu của UAV tấn công Lancet nổi tiếng do Công ty cổ phần Aeroscan phát triển và sản xuất. Tổ hợp này chủ yếu làm bằng nhựa, với động cơ, cụm trinh sát Z-16-E cùng 2 kiểu đạn dẫn đường “Izdeliye 51-E” và “Izdeliye 52-E”có tầm hoạt động và trọng lượng khác nhau.
Tại gian hàng của Tổng công ty “Các Tổ hợp Chính xác cao”, sản phẩm đáng chú ý là phiên bản cải tiến mới của hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-SMD-E, được thiết kế để bảo vệ các cơ sở công nghiệp và hành chính trước các cuộc tấn công quy mô lớn của UAV.
Tổ hợp này nay không còn các cụm hỏa lực cao xạ, chỉ một trắc thủ cũng có thể điều khiển và ngắm bắn mục tiêu và có thể mang tới 48 tên lửa phòng không tầm ngắn để đối phó với cuộc tấn công UAV bầy đàn.
Cũng tại khu vực trưng bày ngoài trời này, khách tham quan có thể tìm hiểu về hệ thống tên lửa chống tăng (ATGM) mới phát triển Kornet-EM thế hệ thứ ba, có thể tấn công không chỉ nhiều mục tiêu trên mặt đất có bọc thép và không bọc thép khác nhau mà còn cả các vật thể bay khác nhau. Hệ thống tên lửa chống tăng Kornets đã nổi tiếng từ lâu trên thế giới. Nó có khả năng xuyên thủng lớp thép dày hơn 1m, và được xem như “sát thủ” của mọi loại xe tăng.
Tại các khu vực ngoài trời, ta có thể thấy tất cả các xe tăng, xe bọc thép hay thậm chí ôtô bọc thép, xe tải chở quân hiện đều được trang bị thêm các tấm chắn thép để đối phó với UAV kamikaze. Điều này cũng cho thấy UAV ngày nay là vũ khí đáng sợ trên chiến trường và có khả năng cao tiêu diệt các khí tài cũng như binh lực đối phương.
Tại khu trưng bày và giới thiệu của “Tổng công ty đóng tàu Thống nhất” (USC) là hàng loạt các mẫu tàu chiến, tàu ngầm cũng như tàu cứu hộ, rà phá thủy lôi. Trong số này đáng chú ý là tàu chống thủy lôi thuộc Dự án 12701.
Để đối phó với thủy lôi, vỏ tàu được làm bằng vật liệu composite kết hợp với một lớp chân không để có thể tìm kiếm và vô hiệu hóa bất kỳ loại thủy lôi nào ở khoảng cách an toàn. Tàu dài 61,6 m, rộng 10,3 m, thủy thủ đoàn gồm 44 người và có tầm hoạt động 1.500 hải lý, có thể hoạt động độc lập trên biển 10 ngày.
Mẫu tàu đáng chú ý thứ hai là tàu cứu hộ khẩn cấp tàu ngầm Dự án 21301. Tàu này có khả năng thực hiện toàn bộ công việc để giải cứu thủy thủ đoàn tàu ngầm, bao gồm tìm kiếm tàu ngầm bị chìm, duy trì sự sống của thủy thủ và thực hiện công việc kỹ thuật dưới nước thông qua thợ lặn, hoặc sử dụng các phương tiện dưới nước có người lái và không người lái trên tàu để mở nắp tàu ngầm, cứu hộ thủy thủ.
Tại gian trưng bày của Cục thiết kế Rubin, bạn có thể tìm hiểu các sản phẩm mới nhất của Cục thiết kế danh tiếng này. Đó là tầu ngầm Amur- 950 với các bệ phóng tên lửa thẳng đứng vốn là thương hiệu của Rubin. Tiếng ồn thấp và hệ thống thủy âm có độ nhận biết cao giúp tàu ngầm thích hợp cho hoạt động trinh sát và giám sát bí mật. Tàu có thể hoạt động độc lập 30 ngày trên biển, với tầm hoạt động 1000 hải lý tính từ bờ biển, tốc độ khi lặn là 20 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn gồm 19 người, lượng giãn nước khoảng 1.000 tấn.
Ngoài ra còn có sản phẩm tàu lặn không người lái (AUV) Argus-D có thể lặn khoảng 20 giờ với tốc độ 3 hải lý/giờ phục vụ các hoạt động thăm dò đáy biển và nghiên cứu khoa học. Tốc độ tối đa của Argus-D là 6 hải lý/giờ. Thiết bị dài 8,9 m, đường kính 1 m, trọng lượng trong không khí khoảng 5,5 tấn.
Một phát triển mới khác là ý tưởng trạm dưới nước không người ở "Octavis" nhằm đảm bảo hoạt động lâu dài của các AUV. Sau khi cập trạm Octavis, các AUV sẽ có thể sạc pin hoặc lưu lại trạm chờ nhiệm vụ tiếp theo. Octavis sẽ phân tích tình trạng kỹ thuật cũng như phần mềm của thiết bị. Nó cũng có thể hoạt động như một trung tâm lưu trữ tạm và sau đó truyền thông tin do AUV thu thập đến trung tâm ven biển hoặc các thiết bị khác.
Tại khu trưng bày ngoài trời của tổng công ty chế tạo các hệ thống phòng không danh tiếng Almaz-Antey, hai sản phẩm đáng chú ý là hệ thống phòng không tầm xa Antey-4000 phục vụ xuất khẩu. Hệ thống Antey-4000 gồm xe phóng 9A83M-2E, xe phóng và nạp đạn 9A84M-1E, radar dẫn đường tên lửa đa kênh, radar giám sát, trạm chỉ huy, và tên lửa đất đối khống (SAM) 9M83ME thu nhỏ.
Sản phẩm nữa là hệ thống phòng không Tor-E2 - phiên bản sửa đổi mới nhất của hệ thống phòng không Tor, kết hợp tất cả các ưu điểm của các sửa đổi trước đó và được phân biệt bởi một số đặc tính kỹ-chiến thuật cải tiến.
Tor-E2 được thiết kế để tiêu diệt máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình, chống radar và các tên lửa dẫn đường khác, bom lượn và dẫn đường cũng như UAV. Điểm đặc biệt của hệ thống là tính cơ động, có thể tìm mục tiêu khi đang di chuyển với vận tốc 20 km/h. Tor-E2 gồm 16 quả tên lửa và có thể phóng 4 tên lửa cùng lúc.