Thấy gì từ hiện tượng cuồng các 'anh trai'? - Bài 5: Khát vọng vươn tầm quốc tế
Gameshow (trò chơi truyền hình) kèm concert (hòa nhạc) thúc đẩy kinh tế, văn hóa khiến các nhà tổ chức 'truyền thống' cũng phải xem lại mình bấy lâu nay đã thực sự đáp ứng nhu cầu của khán giả hay chưa. Tiếng nói của người trong cuộc dự báo tới đây sẽ có nhiều thay đổi ở lĩnh vực tổ chức biểu diễn thời gameshow làm bá chủ cả trong và ngoài màn ảnh.
Không kịp sắp xếp thời gian, do cận Tết nên Yeah1 đành nợ các Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa 1 một buổi concert. Rút kinh nghiệm ngay khi họp bàn ý tưởng cho gameshow Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG), nhà tổ chức đã có kế hoạch tổ chức concert. Bà Ngô Thị Vân Hạnh- giám đốc điều hành YeaH1 cho biết: “Ngay từ những ngày đầu họp bàn ý tưởng chương trình ATVNCG, chúng tôi đã bàn đến bài nào sẽ diễn trong concert”.
Bà Hạnh cam kết sẽ tiếp tục phát huy và đầu tư những nội dung phù hợp để các nghệ sĩ đi ra từ chương trình có nhiều hoạt động nghề nghiệp hơn, cũng như “có cơ hội chia sẻ những tinh hoa mình có được trong sự nghiệp với thế hệ tiếp nối”. Bà cũng tin tưởng đơn vị của mình sẽ góp phần vào việc chuyên nghiệp hóa công nghiệp biểu diễn trong nước và “đào tạo được những nghệ sĩ vươn tầm quốc tế”.
Đào tạo có thể nói là một khâu quan trọng, quyết định thành công bền vững của công nghiệp giải trí và biểu diễn. YeaH1 hay VieON với kinh nghiệm tổ chức các gameshow như hiện nay hoàn toàn có lợi thế để bước sang đào tạo. Bản thân họ cũng đang trở thành các công ty quản lý cho các ban nhạc hình thành từ gameshow. Tuy nhiên các điều khoản như thời hạn hợp đồng, thời hạn ra sản phẩm… chưa được tiết lộ.
“Liveshow truyền thống sẽ vẫn tiếp tục tồn tại, song sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có phong cách riêng. Khi khán giả tập trung hết vào sân khấu của các gameshow. Thậm chí có người xem ở Sài Gòn rồi vẫn ra Hà Nội xem tiếp. Thị trường ca nhạc đang ấm hơn do khán giả bây giờ có điều kiện kinh tế hơn. Phụ huynh sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng cho con đi xem concert vì đây cũng là thú giải trí lành mạnh. Phải có kinh tế thì văn hóa mới phát triển. Và giờ là lúc văn hóa quay trở lại tác động tích cực vào hàng không, du lịch, khách sạn…”
Ông Tạ Thành Công, nhà tổ chức biểu diễn
Về lý thuyết, bất cứ nhóm nghệ sĩ nào thấy hợp nhau trong quá trình tham gia gameshow đều có thể có lợi thế nhận diện để lập ban nhạc. Nhưng ban nhạc nào do chính nhà tổ chức thành lập và đầu tư sẽ có tiềm lực mạnh để đi đường dài, và biết đâu có thể vượt biên giới. Còn ở trong nước, gây dựng và quản lý ban nhạc nói chung vẫn là lĩnh vực đầu tư khá mạo hiểm. Những ban Vpop còn tồn tại hiện nay vẫn tự điều hành.
Nói không với "chiêu trò"
Anh trai say hi (ATSH) và ATVNCG khi mới xuất hiện ít nhiều có sự đụng độ về format. Do vài điểm giống nhau như giới tính và số lượng người chơi. Điểm khác biệt lớn nhất là ATSH tự nghĩ ra format (định dạng chương trình), còn ATVNCG mua của Trung Quốc.
Bà Hạnh cho hay YeaH1 cần thêm thời gian để có thể tự sản xuất chương trình bao gồm format. “Thời điểm này, chúng tôi chưa đủ nguồn lực và tự tin để viết được một format tốt”, bà nói. “Lựa chọn tốt nhất là mua những format đã thành công và Việt hóa. Mua format gốc sẽ an toàn vì đã có sự kiểm chứng về chất lượng, có những tiêu chí rõ ràng để đảm bảo mình có chương trình hay, để dựa vào đó làm nhiều thứ mà không bị chới với”.
Bà cho biết thêm, tất cả những đơn vị sở hữu format gốc là Mango TV (Trung Quốc) chưa từng từ chối những đề xuất thay đổi nội dung, cấu trúc format để phù hợp với thị trường Việt Nam. Theo bà, format gốc của ATVNCG (Call me by fire) đã quá hay, quá xúc động nên để Việt hóa, về cơ bản chỉ cần đưa yếu tố văn hóa Việt vào. Đó là xuất phát điểm cho sự ra đời của những tiết mục kết hợp dân ca các vùng miền và những câu chuyện lịch sử được kể qua những bài hát kinh điển. Đây cũng được coi là điểm làm nên sự khác biệt của ATVNCG so với ATSH- thiên về nhạc thời trang, chủ yếu đáp ứng thị hiếu khán giả trẻ.
Những bê bối gắn với gameshow luôn là con dao hai lưỡi có thể giúp gây chú ý nhưng cũng khiến nhiều khán giả dị ứng, quay lưng. Cho đến lúc này, chưa thấy có lùm xùm đáng kể nào về nghệ sĩ hay về tổ chức liên quan đến ATVNCG hay Chị đẹp. Dù cả hai chương trình đều có sự tham gia của đông đảo người nổi tiếng, song theo bà Hạnh: “Về cơ bản, họ đã là những người dày dạn kinh nghiệm, thâm niên hoạt động nghệ thuật. Họ đủ bản lĩnh để ý thức được việc bảo vệ hình ảnh cá nhân, không tạo ra những ảnh hưởng xấu đến danh tiếng bản thân và chương trình”. Một bí quyết nữa là sự cam kết của nhà sản xuất và nghệ sĩ để đồng hành cùng nhau “bằng sự tử tế, và chân thành, nói không với chiêu trò”.
Chung sống với gameshow
Ông Tạ Thành Công, Cty Media Max- đơn vị có thâm niên trong tổ chức liveshow ở Hà Nội khẳng định, thành công của các concert hậu gameshow là tín hiệu tốt cho ngành kinh doanh biểu diễn. Thực tế trong Vpop chỉ có vài ngôi sao đủ tầm để tự làm concert, số nhiều hơn làm được liveshow cỡ vài nghìn khán giả. Nhưng ông Công chỉ ra: “Các liveshow thường không thực chất, không phản ánh đúng thị trường, không thu tiền bằng bán vé cho khán giả, vẫn phải nhờ nhà tài trợ bao thầu”. Thành công của các concert hậu gameshow vì thế càng thêm ấn tượng vì đã bắt mạch được số đông khán giả, đáp ứng đúng nhu cầu của họ. “Ai mà nghĩ ATSH bán vé hơn cả BlackPink chỉ sau một năm”, ông Công cảm thán.
Tuy nhiên ông cũng dự báo xu hướng tổ chức concert dựa vào gameshow có thể sẽ không bền. Vì tài năng nghệ sĩ là chất liệu đặc thù cần thời gian để kết tụ. Theo ông: “Chỉ có thể kéo dài một thời gian thôi, chứ 3-5 năm nữa lấy đâu ra nghệ sĩ để làm chương trình. Các ngôi sao tái xuất trong gameshow làm sao mà hot được. Mà nhân tố mới lấy đâu ra năm nào cũng có”.
Đây là điều hoàn toàn có cơ sở. Nhìn lại những gameshow ca nhạc khi mới xuất hiện thường tạo tiếng vang cả về nghệ thuật và hiệu ứng khán giả. Nhưng càng về sau mức độ thành công càng giảm dần. Đó là lý do vì sao các nhà tổ chức phải không ngừng tung ra những format mới. Ngay như Chị đẹp mùa 2 dù hội tụ lượng nghệ sĩ hùng hậu không kém mùa đầu nhưng vẫn bị kêu kém hấp dẫn. Format chương trình dù có nâng cấp so với mùa trước đó thì vẫn là thứ mà khán giả biết rồi, sẽ không thể nào gây tò mò nhiều như mùa đầu.
Ông Công cũng đồng ý là chương trình kiểu này có thể đẩy nghệ sĩ thành sao nhưng với điều kiện họ phải có tố chất và “cũng là sao đang nhú rồi”. Và khi rời khỏi gameshow, họ sẽ phải quay về với quy trình hoạt động thường nhật của showbiz bao gồm tổ chức những liveshow, concert bình thường không có sự hậu thuẫn của gameshow. Nếu tham gia gameshow nhiều quá, tất hình ảnh của họ sẽ bị nhàm chán, trừ phi ở những vai trò khác như giám khảo, cố vấn- như Mỹ Linh, Thu Phương đang làm ở Chị đẹp mùa 2.
Đương nhiên khi các anh tài, chị đẹp đang tung hoành thì liveshow truyền thống cũng phải nhường thị phần. Nhưng đây cũng là cơ hội để liveshow có thể tận dụng sức nóng từ gameshow. Đại diện Media Max đã lên lịch tổ chức hai đêm diễn quy mô phòng trà cho Jun Phạm và Thanh Duy. Như một bước thử nghiệm với hy vọng có thể cùng các anh tài hợp tác trong những liveshow. Ở đó tất nhiên họ sẽ thể hiện những khía cạnh khác phù hợp với khán giả liveshow chứ không chỉ nhảy múa tưng bừng, phục sức rườm rà như ở concert ATVNCG.
Nhìn lại con đường tiến hóa chung của gameshow ca nhạc từ Idol, The Voice tới The Masked Singer… có thể thấy sau mỗi lần biến đổi format, các chương trình này càng tiến gần đến thị trường biểu diễn. Cho đến ATVNCG hay ATSH, gameshow không chỉ chiếm sóng truyền hình mà còn chiếm luôn chỗ của liveshow, concert truyền thống. Điều này sẽ buộc các công ty thuần tổ chức biểu diễn phải có sự thay đổi về định dạng chương trình gồm cả trực tiếp và trực tuyến để có thể thích nghi và phát triển.