Thấy gì từ Hội nghị thượng đỉnh năng lượng hạt nhân lần đầu tiên của thế giới?

Đầu tuần này, hơn 30 quốc gia, gồm Pháp, Bỉ, Mỹ và Trung Quốc, đã tề tựu tại Brussels để tham dự Hội nghị thượng đỉnh năng lượng hạt nhân lần đầu tiên, theo yêu cầu của Bỉ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Với mục tiêu là tăng gấp ba lần sản lượng điện hạt nhân vào năm 2050. Các quốc gia đã khẳng định tầm nhìn của họ về năng lượng hạt nhân như một nguồn năng lượng thiết yếu để đạt được mục tiêu khí hậu.

Những người tham gia chụp ảnh gia đình trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân của IAEA tại Brussels, Bỉ. Ảnh AFP

Những người tham gia chụp ảnh gia đình trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về năng lượng hạt nhân của IAEA tại Brussels, Bỉ. Ảnh AFP

Không có thông báo đột phá nào được đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, các nước tham gia đều đồng ý rằng năng lượng hạt nhân là một phần của giải pháp để giảm khí thải nhà kính. Quan điểm này được đưa ra bất chấp sự cố nhà máy Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 và lo ngại về nhà máy Zaporizhzhia ở Ukraine. Họ tin rằng những bài học đã được rút ra từ những tai nạn trong quá khứ.

Đối với người châu Âu, điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm phụ thuộc vào khí đốt và dầu mỏ của Nga. Cuộc họp mặt tại Brussels tượng trưng cho sự trở lại của năng lượng hạt nhân trên trường quốc tế. Dưới sự thúc đẩy của Paris, đặc biệt là sau những cuộc đàm phán dài, họ đã thành công trong việc đưa năng lượng hạt nhân vào danh sách các nguồn năng lượng chuyển tiếp của Liên minh Châu Âu, cùng với các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Vấn đề ở đây đó chình là việc xây dựng lò phản ứng mới thì cần có nguồn vốn khổng lồ. Chưa kể đến chi phí xây dựng các dự án lò phản ứng thế hệ mới đã tăng vọt, điển hình như ở Pháp. Do đó, các nước tham gia đang tìm kiếm những phương thức tài trợ mới và kêu gọi Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) cho phép các quốc gia muốn xây dựng lò phản ứng vay vốn.

Ý tưởng này không được các nhà hoạt động chống hạt nhân ủng hộ. Vào tuần trước họ đã biểu tình bên ngoài hội nghị yêu cầu tất cả ngân sách dành cho quá trình chuyển đổi năng lượng chỉ được sử dụng cho năng lượng tái tạo.

Nhà máy điện hạt nhân ở Philippsburg, Đức. Ảnh AFP

Nhà máy điện hạt nhân ở Philippsburg, Đức. Ảnh AFP

Bảo vệ các lò phản ứng module nhỏ

Trong số các dự án tiềm năng, các nước tham gia đã tận dụng cơ hội này để bảo vệ các lò phản ứng module nhỏ. Hiện tại, các lò phản ứng này đang gặp khó khăn trong việc chứng minh hiệu quả và lợi nhuận của chúng.

Nhiều công ty khởi nghiệp đang nỗ lực phát triển các lò phản ứng, chúng vốn có thể được sản xuất hàng loạt và sau đó kết hợp sử dụng với các nhà máy tiêu thụ nhiều năng lượng. Tuy nhiên, một số dự án gần đây đã phải hủy bỏ do thiếu nguồn tài trợ.

Nhưng, điều này không làm nản lòng Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron, cũng là người ủng hộ loại lò phản ứng module nhỏ: “Chúng ta đang ở thời điểm đổi mới, vì vậy khi đổi mới, chúng ta cần tìm ra sự trưởng thành về công nghệ và mô hình kinh doanh phù hợp. Điều này hoàn toàn bình thường và do đó chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư và đổi mới”.

Ông Chris Levesque, Giám đốc điều hành Terrapower, thừa nhận rằng điều này có thể khiến các nhà đầu tư e dè, nhất là khi công ty dự kiến sẽ cho ra mắt một lò phản ứng module nhỏ vào năm 2030. Tuy nhiên, ông cho biết mình không gặp vấn đề này vì công ty được điều hành bởi Bill Gates và cũng đã nhận được 2 tỷ USD tiền trợ cấp từ Mỹ: “Chúng tôi sẽ nộp đơn xin cấp phép lên Cơ quan Quản lý An toàn Hạt nhân của Mỹ vào tuần tới! Chúng tôi sẽ là nhà máy điện đầu tiên thuộc loại này được xây dựng tại Hoa Kỳ”.

Tham vọng xuất khẩu các lò phản ứng này khiến các nhà hoạt động chống hạt nhân lo ngại về viễn cảnh trước mắt, họ cho rằng nó sẽ làm gia tăng lượng chất thải và nguy cơ tai nạn. Những người phản đối các dự án này cũng lo ngại về nguy cơ phổ biến của vũ khí hạt nhân.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thay-gi-tu-hoi-nghi-thuong-dinh-nang-luong-hat-nhan-lan-dau-tien-cua-the-gioi-708157.html