Thấy gì từ mô hình Phong trào Bình dân học AI ở Thái Nguyên

Một phong trào học tập mới đang làm thay đổi Thái Nguyên - nơi trí tuệ nhân tạo (AI) không còn xa vời mà đã trở thành công cụ thiết thực trong tay người dân. 'Bình dân học AI' đang mở ra cánh cửa tri thức số cho hàng chục nghìn người dân xứ trà, đồng thời trở thành hình mẫu để các địa phương khác như Bắc Kạn nghiên cứu và học tập.

Từ tinh thần “Bình dân học vụ” đến cách mạng AI cho toàn dân

Từng là nơi khởi nguồn phong trào “Bình dân học vụ” xóa mù chữ năm 1945, Thái Nguyên giờ đây tiếp tục tiên phong trong đổi mới giáo dục cộng đồng với “Bình dân học AI”. Khởi động từ tháng 11/2024, phong trào đặt mục tiêu chuyển đổi nhận thức và thói quen sử dụng công nghệ trong toàn dân, với khẩu hiệu "Mỗi người dân là một học viên AI".

Người học được phân chia theo nhóm như cán bộ công chức, nông dân, thanh niên, học sinh... Chương trình đào tạo thiết kế thành 5 cấp độ, từ kỹ năng cơ bản như gõ văn bản bằng giọng nói, tìm kiếm thông tin thông minh, cho đến các ứng dụng chuyên sâu như phân tích dữ liệu, tự động hóa báo cáo, phát triển sản phẩm số. Phương châm "Học nhanh - Học thật - Ứng dụng ngay" giúp AI trở nên gần gũi, dễ tiếp cận và thực sự hữu ích.

 Lớp tập huấn Bình dân học AI cho hội viên phụ nữ tỉnh Thái Nguyên (ngày 21/4/2025).

Lớp tập huấn Bình dân học AI cho hội viên phụ nữ tỉnh Thái Nguyên (ngày 21/4/2025).

Điểm đặc biệt là mỗi bài học chỉ kéo dài khoảng 15 phút, người dân có thể học bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính, thực hành ngay và nhận phản hồi tức thì. Chương trình cũng áp dụng mô hình “học và lan tỏa”, mỗi học viên nòng cốt hướng dẫn lại cho ít nhất 1.500 người, nhân rộng phong trào một cách bền vững.

Tại Hội nghị sơ kết sau 55 ngày triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: "Lớp học AI không chỉ là khóa đào tạo, mà còn là biểu tượng cho sự đổi mới và quyết tâm chuyển đổi số. Học không chỉ để biết, mà để làm, để lan tỏa và dẫn dắt cộng đồng".

Từ cán bộ xã, nông dân trồng chè, chủ tiệm tạp hóa đến học sinh phổ thông, ai cũng có thể áp dụng AI vào công việc. Một nông dân dùng ChatGPT ghi nhật ký mùa vụ; một học sinh ôn tập lịch sử bằng AI; cán bộ xã sử dụng phần mềm tổng hợp văn bản bằng giọng nói... Những ví dụ này cho thấy AI thực sự đã bước vào đời sống thường nhật.

Tính lan tỏa mạnh mẽ và bài học thực tiễn cho tỉnh Bắc Kạn

 Các xã, phường của Thành phố Thái Nguyên đang đẩy mạnh phong trào Bình dân học AI.

Các xã, phường của Thành phố Thái Nguyên đang đẩy mạnh phong trào Bình dân học AI.

Chỉ sau hơn hai tháng, phong trào đã có hơn 10.000 người tham gia ở các mức độ khác nhau. Các hội, đoàn thể lớn như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ… đều tổ chức tập huấn, chia sẻ kiến thức AI cho hội viên, gắn với nhu cầu thực tiễn.

Điều này gợi mở nhiều bài học cho Bắc Kạn - tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân là chìa khóa quan trọng.

Bắc Kạn có thể bắt đầu bằng việc xây dựng mạng lưới hướng dẫn viên AI cấp huyện, xã - những người am hiểu công nghệ và gắn bó với cộng đồng. Đồng thời, phát động phong trào học AI trên mạng xã hội, tổ chức các cuộc thi như “Ứng dụng AI vào công việc hằng ngày” để tạo động lực cho cả cán bộ lẫn người dân tham gia.

Phương pháp học ngắn gọn, linh hoạt của Thái Nguyên cũng rất phù hợp với điều kiện vùng cao như Bắc Kạn, nơi hạ tầng công nghệ còn hạn chế. Chỉ cần điện thoại thông minh và kết nối internet, người dân có thể học cách sử dụng AI để soạn thảo văn bản, quản lý tài chính gia đình, hay tra cứu chính sách Nhà nước thông minh hơn.

“Bình dân học AI” của Thái Nguyên cho thấy: Chuyển đổi số bền vững phải bắt đầu từ chuyển đổi con người. Khi mỗi người dân hiểu và biết dùng AI, đó chính là từng viên gạch xây dựng nên xã hội số hiện đại và nhân văn. Phong trào "Bình dân học AI" nếu được triển khai đúng cách sẽ không chỉ nâng cao năng lực số cho cán bộ và người dân Bắc Kạn, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế số nông thôn, chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến - những mục tiêu Bắc Kạn đặt ra trong giai đoạn 2025-2030./.

Thu Hiền (Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/thay-gi-tu-mo-hinh-phong-trao-binh-dan-hoc-ai-o-thai-nguyen-post70434.html