Thấy gì từ phản ứng của ông Biden và ông Trump sau vụ ám sát hụt

Lời kêu gọi 'hạ nhiệt căng thẳng trên chính trường' của ông Biden đã khẳng định quyền lực của một tổng thống Mỹ đương nhiệm, giữa lúc vị thế của hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng đều được cải thiện.

Trong khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nổi trội trong việc tạo ra những hình ảnh có sức ảnh hưởng và khiến mọi người nhắc tới nhiều trước công chúng “trên sân khấu”, thì ông Joe Biden, với tư cách tổng thống đương nhiệm, vẫn là "người chỉ huy sân khấu lớn nhất", tờ Guardian ví von.

Một ngày sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có hình ảnh mang tính biểu tượng trước công chúng - thể hiện sự thách thức với chiếc tai rớm máu sau khi thoát chết trong gang tấc, sự chú ý lại quay trở lại với đối thủ tranh cử của cựu tổng thống - ông Joe Biden. Vị tổng thống đương nhiệm vốn đang bị bủa vây bởi nhiều thách thức trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Tầm ảnh hưởng của tổng thống đương nhiệm

Vào hôm 14/7, ông Biden đã có bài phát biểu thứ ba từ Phòng Bầu dục trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Ông chỉ phát biểu tại đây hai lần trước đó, một lần là khi đạt được thỏa thuận nhằm tránh vi phạm trần nợ và bình luận về các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine.

Reuters cho biết đây là lần hiếm hoi ông Biden phát biểu từ Phòng Bầu dục, vốn thường được dùng để bình luận về các vấn đề quan trọng của nước Mỹ.

Động thái này giúp ông thể hiện quyền lực của một tổng thống đương nhiệm, đồng thời gửi thông điệp tới những đảng viên Dân chủ đang muốn gạt ông sang một bên trong cuộc tranh cử sắp tới. Họ lo ngại về việc liệu vị tổng thống 81 tuổi có thể đánh bại ông Trump.

 Ông Biden có bài phát biểu tại Phòng Bầu dục sau vụ ông Trump bị mưu sát. Ảnh: New York Times.

Ông Biden có bài phát biểu tại Phòng Bầu dục sau vụ ông Trump bị mưu sát. Ảnh: New York Times.

Khung cảnh quen thuộc của chiếc Bàn Kiên định, phía sau là ảnh gia đình, cửa sổ, cờ và rèm, cũng phản chiếu hình ảnh của ông Biden với tư cách là tổng thống Mỹ, chứ không phải là ứng cử viên, một chính khách kỳ cựu vượt lên trên những bất đồng để kêu gọi đoàn kết dân tộc sau khoảnh khắc gây bàng hoàng.

Đối với ông Biden, với kinh nghiệm 36 năm tại Thượng viện Mỹ, người đã đưa sự đồng thuận lưỡng đảng trở thành nền tảng cho bản sắc chính trị của mình, nhiệm vụ đầy trang trọng này là tương đối dễ dàng.

Với giọng nói bớt khàn hơn so với cuộc tranh luận gần đây, ông Biden khẳng định “cần phải hạ nhiệt căng thẳng trong nền chính trị Mỹ”. “Và hãy nhớ rằng, tuy chúng tôi có thể không đồng thuận về nhiều điều, chúng tôi không phải kẻ thù”, ông nói thêm.

Trong bài phát biểu của mình, ông Biden cũng khẳng định vụ ông Trump bị mưu sát “kêu gọi chúng ta lùi lại một bước”. Vị tổng thống cho biết rất may là Trump không bị thương nặng.

Bên cạnh đó, ông Biden cũng điểm qua một số vụ bạo lực chính trị ở Mỹ trong những năm gần đây, trong đó có vụ tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, vụ tấn công chồng của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, các quan chức bầu cử bị đe dọa, âm mưu bắt cóc Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer và âm mưu ám sát ông Trump.

“Chúng ta không thể cho phép bình thường hóa loại bạo lực này. Tình hình chính trị đã trở nên rất nóng. Đã đến lúc làm nguội nó. Chúng ta đều có trách nhiệm phải làm điều này”, ông khẳng định.

Ông Trump nắm bắt khoảnh khắc

Tổng thống Biden, đảm nhận vai trò là người hàn gắn những chia rẽ và tìm kiếm sự thống nhất, đã đưa ra lời kêu gọi: “Ở Mỹ, chúng ta giải quyết những khác biệt của mình bằng hòm phiếu, không phải bằng đạn. Quyền thay đổi nước Mỹ phải luôn nằm trong tay người dân, chứ không phải trong tay một sát thủ”.

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng lưu ý rằng đại hội đảng Cộng hòa sẽ bắt đầu vào ngày 15/7 và nêu bật những nỗ lực trong chiến dịch tranh cử của chính ông.

Tuy nhiên, ông Biden vẫn gặp phải một số lỗi nhỏ. Trong khi ông Biden thể hiện tinh thần hào sảng khi nói rằng đã gọi điện cho đối thủ và cầu nguyện cho ông, ông lại nhắc đến “cựu Trump” thay vì “cựu Tổng thống Trump”.

Guardian nhận định thực tế phũ phàng là vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump đã củng cố thế mạnh của cả hai ứng cử viên tổng thống. Trước đó, ông Biden đã cố gắng xoa dịu tình hình sau cuộc tranh luận, và điều đó đã xảy đến, nhưng theo cách mà ông không mong muốn.

 Ông Trump bị ám sát hụt ngày 13/7. Ảnh: New York Times.

Ông Trump bị ám sát hụt ngày 13/7. Ảnh: New York Times.

Một số đảng viên Dân chủ đã thừa nhận đây không phải là lúc để thách thức sự lãnh đạo của ông Biden, khi họ lo ngại về sự an toàn của đội ngũ của mình. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của cử tri, hình ảnh ông Biden với những vấn đề về cả thể chất lẫn tinh thần có thể vẫn còn tồn tại.

Ông Trump còn hưởng lợi lớn hơn. Vụ ám sát hụt hôm 13/7 đã trở thành câu châm ngôn cũ - điều không giết ta khiến ta mạnh mẽ hơn - theo đúng nghĩa đen. Ông Trump - một bậc thầy truyền thông - đã rất tỉnh táo, giơ nắm đấm và hét lên “Chiến đấu!” với những người ủng hộ, tạo ra một bức ảnh mọi thời đại.

Tuần này ánh đèn sân khấu sẽ quay trở lại ông Trump. Vào ngày 18/7, thay vì khung cảnh trang nghiêm của Phòng Bầu dục, ông Trump sẽ có một bài phát biểu hoành tráng vào giờ vàng tại đại hội đảng Cộng hòa.

Theo Guardian, cựu Tổng thống Trump có thể làm điều mang tính lịch sử bằng việc lặp lại bài phát biểu của ông Biden, nhấn mạnh rằng bạo lực không có chỗ trong chính trị, chấp nhận rằng việc thoát chết gang tấc của chính ông là một "khoảnh khắc thanh tẩy" và giờ đây nước Mỹ phải hành động để tránh khỏi tình thế nguy cấp đang có nguy cơ leo thang.

Giới bình luận có thể cho rằng ông Trump đã trở thành “tổng thống” và tất nhiên, nhận thức đó có thể sẽ không kéo dài lâu. Ông Biden, với cương vị tổng thống đương nhiệm, có thẩm quyền và nền tảng để lên tiếng lan tỏa thông điệp tới công chúng, nhưng ông Trump vẫn là đối thủ nặng ký và đáng gờm.

Ông Trump tới New Jersey Khoảng 6 giờ sau vụ xả súng ở Pennsylvania, cựu Tổng thống Donald Trump được nhìn thấy bước xuống chiếc máy bay hạ cánh ở Newark, bang New Jersey.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thay-gi-tu-phan-ung-cua-ong-biden-va-ong-trump-sau-vu-am-sat-hut-post1486429.html