Thấy gì từ việc doanh nghiệp 'đại hạ giá' gạo xuất khẩu?

Giá bỏ thầu bao nhiêu là quyền doanh nghiệp, nhưng nếu quá thấp sẽ phá giá gạo ảnh hưởng tới thương hiệu của cả ngành hàng.

Gần đây, câu chuyện mà nhiều người quan tâm tới ngành hàng lúa gạo của Việt Nam không phải là xô đổ kỷ lục về giá như năm 2023 mà về vấn đề hạt gạo Việt Nam đang bị một vài doanh nghiệp tự hạ giá khi bỏ thầu, ảnh hưởng tới giá trị thương hiệu. Mặc dù nhu cầu thị trường được nhận định vẫn lớn.

Bất ngờ khi giá gạo Việt Nam thấp hơn các nước

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 28/5, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với Thái lan, Pakistan. Cụ thể, giá gạo Việt Nam đạt 582 USD/tấn, trong khi Thái Lan bán với giá 621 USD/tấn (thấp hơn 39 USD/tấn), Pakistan bán 595 USD/tấn (13 USD/tấn).

Lộc Trời là một trong 2 DN bán gạo với giá khá thấp sang thị trường Indonesia.

Lộc Trời là một trong 2 DN bán gạo với giá khá thấp sang thị trường Indonesia.

Nhiều người đặt dấu hỏi lý do gì khiến giá gạo Việt Nam tuột mất vị trí đứng đầu thế giới, điều mà chúng ta đã làm được trong năm ngoái. Trong khi đó, những ngày gần đây, câu chuyện khiến cả ngành này xôn xao là một số doanh nghiệp (DN) trúng thầu gạo với giá khá thấp.

Cụ thể, cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả mở thầu tháng 5, với số lượng trúng thầu 150.000 tấn, thấp hơn một nửa so với số lượng chào thầu (300.000 tấn). Nguyên nhân là do Bulog đã trả giá quá thấp, nhiều DN xuất khẩu tham gia thầu không đồng ý, buộc phải đàm phán lại giá.

Trong số 150.000 tấn trúng thầu có 90.000 tấn đến từ các DN Việt Nam, phần còn lại thuộc về các DN quốc tế sử dụng nguồn gạo từ Pakistan và Myanmar.

Về phía Việt Nam, Công ty Lộc Trời trúng thầu 2 lô, số lượng 60.000 tấn, với mức giá 563 USD/tấn, giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn. Công ty còn lại là Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn, chào giá thấp nhất trong số các DN dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn.

Trong khi đó, các DN quốc tế trúng thầu với giá thấp nhất 621,5 USD/tấn - cũng là giá chào ban đầu. Còn giá gạo trúng thầu cao nhất tới 629 USD/tấn, chỉ giảm 4 USD/tấn so với giá chào thầu. Giá trúng thầu này cao hơn giá của Công ty Lộc Trời và Thuận Minh gần 70 USD/tấn.

Cùng với đó, có 3 DN Việt Nam tham gia dự thầu 3 lô, mỗi lô 20.000 tấn với giá chào từ 579 - 582 USD/tấn. Các đơn vị này và Bulog tiếp tục thương lượng lại về giá.

Đáng chú ý, các DN xuất khẩu gạo Thái Lan cũng tham gia chào thầu 3 lô mỗi lô 30.000 tấn với các mức giá thấp nhất là 649 USD/tấn. Các mức giá còn lại là 656,58 và 658,5 USD/tấn. Các DN Thái kiên quyết không giảm giá và Bulog sẽ phải mời lại thầu trong thời gian tới.

Một trong 2 đơn vị trúng thầu gạo sang Indonesia có phân trần rằng bán giá thấp vì gặp áp lực về tài chính nhưng cam kết luôn đảm bảo “bán giá nào” cũng không ảnh hưởng tới bà con nông dân.

Có ý kiến nhìn nhận quyết định mức giá bỏ thầu như thế nào là quyền của DN. Nếu giá trúng thầu thấp quá mà mặt bằng trong nước khá cao, DN sẽ lỗ. Nhưng một số DN trong ngành lại tỏ ra bức xúc vì điều này có thể khiến họ phải cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng giá trị của gạo Việt Nam.

Lo ảnh hưởng tới thương hiệu

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) nhấn mạnh ngành lúa gạo muốn phát triển cần văn hóa thương mại của các DN gạo Việt Nam. Ông phản đối việc các DN hạ giá gạo xuống để chào mời khách hàng. “Giờ nhu cầu thị trường cao tại sao phải làm vậy”, ông nói.

Ông Bình đề nghị các bộ, ngành vào cuộc ngăn chặn tình trạng này, tránh làm mất tiền của quốc gia và nông dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế cấm xuất khẩu gạo do Elnino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Dù vậy, ông cũng nêu một số thông tin khiến ngành lúa gạo “mất vui” vì DN nợ tiền lúa nông dân, hay việc DN xuất khẩu gạo cạnh tranh không lành mạnh về giá.

“Do tồn kho nhiều nên phải bán giá thấp nhưng vì lý do gì đi nữa cũng không thể chấp nhận bán thấp hơn các nước. Giá thấp thì DN sẽ lỗ nhưng còn ảnh hưởng tới cả ngành hàng”, ông Nam nói. Đồng thời đề nghị Liên Bộ Công Thương - NN&PTNT và Hiệp hội chỉ đạo rốt ráo xử lý vấn đề này.

Theo một số DN, khi trúng thầu thấp ở thị trường Indonesia, nhiều quốc gia khác cũng sẽ lấy mức giá trên làm căn cứ để buộc DN Việt Nam phải bán giá thấp, điều này sẽ ảnh hưởng tới thương hiệu gạo Việt Nam. Điều mà đáng lẽ ra sẽ được xây dựng một cách tốt nhất trong thời điểm này.

Trước tình trạng DN không đi cùng nhau, vẫn còn sự cạnh tranh về giá, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu sản phẩm của một DN chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của DN.

Nhìn thẳng vào sự yếu kém trong khâu hợp tác, liên kết, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng: Khi chúng tôi đi hội chợ quốc tế, các bạn Trung Quốc trưng bày là cả 1 không gian, nhưng với Việt Nam, có những DN vẫn thuê riêng 1 góc ngoài chứ không đi chung với Hiệp hội hay bộ, ngành. Rõ ràng, nếu bản thân các DN không thay đổi thì thì sẽ không thể đi xa được.

“Cần phải nhấn mạnh việc chúng ta xuất khẩu gạo Việt Nam, nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo Trung An, hay một DN gạo nào khác. Có như vậy, nông sản Việt mới có thể lớn lên được”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Khi và chỉ khi DN, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác, khi đó, mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế.

Ông Nguyễn Hồng Diên

Bộ trưởng Bộ Công Thương

Cần chủ động theo dõi thị trường, nắm bắt diễn biến thị trường nông sản, hướng dẫn hiệp hội, DN, người sản xuất để tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và ổn định giá thị trường. Trong trường hợp các DN không tuân thủ, bán phá giá thì sẽ có chế tài xử phạt. Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, hướng dẫn Hiệp hội ngành hàng rà soát, xây dựng điều lệ, quy chế hoạt động theo hướng kiện toàn các quy định cần thiết để đảm bảo doanh nghiệp hội viên tuân thủ quy định của pháp luật và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành hàng, từ đó nâng cao uy tín, phát triển thương hiệu Quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng

Đoàn Hưng Yên

Xuất khẩu gạo đạt được kỷ lục nhưng cần tiếp tục có giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đối với những DN nằm trong chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo khi gặp rủi ro có nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì các tổ chức tín dụng cần quan tâm cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời cho vay mới để tháo gỡ khó khăn và khôi phục sản xuất, kinh doanh cho DN.

Bà Bùi Thanh Tâm

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1)

Hiện nay, DN có thể tự do đấu thầu theo cơ chế mở, tự quyết định giá thầu, nhưng giá thấp sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường, gây thiệt hại cho người nông dân, đất nước và chính DN. Vậy phải chăng cần có chế tài với DN khi đi dự thầu. Đồng thời, cần phát huy vai trò của các hiệp hội trong vấn đề này. Đối với hội viên thuộc hiệp hội nào thì cần phân tích tình hình, DN sai phạm thì báo cáo, và có chế tài.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thay-gi-tu-viec-doanh-nghiep-dai-ha-gia-gao-xuat-khau-1100079.html