Thấy gì từ việc 'ma men' lái xe bị phạt tăng đột biến?
Việc xử phạt chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất là làm thế nào để tất cả mọi người đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe.
Theo thống kê, trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người, bị thương 111 người.
So với cùng kỳ 7 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, số vụ tai nạn năm nay đã giảm 12 vụ, giảm 3 người chết và tăng 8 người bị thương.
Cũng trong 7 ngày Tết có hơn 26.400 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông (tăng 13,5%).
Đáng chú ý, lực lượng CSGT các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 21.990 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 50 tỷ đồng; tước 4.950 giấy phép lái xe các loại. Riêng về nồng độ cồn, cảnh sát đã xử phạt 7.726 trường hợp vi phạm (chiếm 35% tổng số vi phạm giao thông), tăng hơn 6.600 người so với Tết năm trước, tăng 598%.
Nhìn vào con số thống kê trên, có thể thấy số vi phạm nồng độ cồn tăng đột biến. Nếu như dịp Tết năm ngoái chỉ có hơn 1.100 trường hợp bị xử phạt thì năm nay con số này lên tới hơn 7.700 trường hợp. Đây có lẽ không phải là con số phản ánh đúng thực tế, bởi số người vi phạm thoát xử phạt có thể còn rất nhiều nữa, song không phải lực lượng CSGT lúc nào cũng có thể có mặt mọi lúc, mọi nơi để kiểm tra, xử lý.
Theo thống kê trước đó, riêng từ ngày 15/12/2022 đến 12/1/2023, thời điểm các cơ quan, doanh nghiệp tổng kết, tổ chức tiệc cuối năm, có 40.590 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt. Trong đó tài xế xe mô tô bị phạt nhiều nhất với gần 76.000 trường hợp, ôtô 4-7 chỗ 3.600, xe tải 290, xe khách 49, xe container 34 trường hợp…
Câu hỏi được đặt ra là với quy định rất nghiêm, mức phạt rất nặng, đã có rất nhiều vụ TNGT thương tâm do liên quan đến rượu bia, vì sao nhiều người vẫn cố tình uống rượu bia lái xe?
Trước hết, có thể thấy việc xử lý vi phạm nồng độ cồn tăng 598% so với dịp Tết năm trước là do sự ra quân kiểm soát, xử lý quyết liệt của lực lượng CSGT toàn quốc. Tại nhiều nơi, CSGT đã có những cách làm sáng tạo, kết hợp lập chốt với việc tuần tra xử lý lưu động, khiến “ma men” khó có thể trốn tránh.
Tuy nhiên, con số thống kê đáng báo động cũng một lần nữa cho thấy tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết của người dân Việt Nam đã khiến vi phạm nồng độ cồn trở nên phổ biến.
Dù biết nếu bị kiểm tra sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vẫn sẵn sàng ham vui, cả nể, với tâm lý “Tết mà”. Và rồi họ vẫn uống và cố tình lái xe, bất chấp nguy cơ mất an toàn giao thông, bất chấp nguy cơ bản thân có thể gặp nguy hiểm bất cứ khi nào hay đe dọa tính mạng của những người tham gia giao thông khác.
Khách quan mà nói, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất là phải làm thế nào để tất cả mọi người đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe, từ đó hình thành được văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”. Bởi dù lực lượng chức năng có làm nghiêm đến đâu, có xử phạt nặng thế nào, đó cũng chỉ là câu chuyện xử lý khi “việc đã rồi”.
Những năm qua, với việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tăng cường, triển khai mạnh mẽ, ý thức của nhiều người đã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, công việc này vẫn cần phải được tiếp tục triển khai sâu rộng hơn, để suy nghĩ “đã uống không lái” thực sự trở thành văn hóa, trở thành nếp suy nghĩ đối với mỗi công dân.
Chỉ có vậy, những vụ TNGT thương tâm liên quan đến rượu bia mới được hạn chế, những cái chết oan nghiệt, không đáng có mới không còn xảy ra.
TS Phạm Quang Long (Phó chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam)