Thấy gì từ việc Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi LHQ hỗ trợ Đài Loan?
Xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến Đài Loan đang leo thang, với việc Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ Đài Bắc tham gia vào các cơ quan quốc tế.
Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Trung Quốc trở thành thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) thế chỗ Đài Loan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 26.10 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Đài Bắc gia nhập thêm nhiều tổ chức của LHQ, đồng thời nhấn mạnh sự tham gia của Đài Loan không liên quan đến chính trị mà là vấn đề thiết thực.
Theo ông Blinken, Đài Loan đã trở thành một câu chuyện thành công về nền dân chủ. Mô hình của họ thúc đẩy sự minh bạch, tôn trọng quyền con người và quy tắc của pháp luật và những giá trị này nhất quán với các giá trị của LHQ.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên LHQ cùng chúng tôi hỗ trợ sự tham gia mạnh mẽ, có ý nghĩa của Đài Loan trong toàn bộ hệ thống LHQ và trong cộng đồng quốc tế”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken - Ảnh: Reuters
Blinken cho biết việc cho phép Đài Loan tham gia vào các cơ quan quốc tế là phù hợp với chính sách một Trung Quốc của Mỹ. Ông cho biết việc Đài Loan bị loại trừ làm suy yếu công việc quan trọng của LHQ và các cơ quan liên quan, trích dẫn ví dụ rằng Đài Loan không có đại diện tại Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế hoặc Đại hội đồng Y tế Thế giới.
“Đài Loan rất quan trọng đối với nền kinh tế công nghệ cao toàn cầu và cũng là một trung tâm cho du lịch, văn hóa và giáo dục. Chúng tôi là một trong những nước thành viên LHQ xem Đài Loan là đối tác quan trọng và người bạn đáng tin cậy", ông nói.
Khi nói về tình hình quốc tế, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh, đa số thời gian trong 50 năm qua Đài Loan đã tích cực tham gia vào một số cơ quan chuyên môn của LHQ, điều này chứng tỏ xem trọng của cộng đồng quốc tế với đóng góp của Đài Loan. Tuy nhiên gần đây Đài Loan đã không được phép đóng góp cho các nỗ lực của LHQ.
Phản ứng trước các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, Bắc Kinh đã nói rằng chúng sẽ dẫn đến sự gián đoạn lớn trong quan hệ Trung - Mỹ.
"Mỹ đã tiếp tục mắc sai lầm trong lời nói và việc làm đối với vấn đề Đài Loan". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết nếu Mỹ tiếp tục chơi "bài Đài Loan’" điều đó chắc chắn sẽ gây ra ảnh hưởng phá vỡ rất lớn đối với quan hệ Trung - Mỹ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết những bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken là "không thể chấp nhận được".
"Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ lập trường vững chắc và nghiêm khắc rằng mọi việc liên quan đến Đài Loan là một vấn đề chính trị và không mang bất kỳ giá trị nào khác. Bằng cách thổi phồng chúng lên, phía Mỹ chỉ đang cố tình xuyên tạc vấn đề này và gây hiểu lầm cho dư luận", đại sứ quán Trung Quốc cho biết.
Tuyên bố của đại sứ quán Trung Quốc cho rằng Đài Loan đã không ngừng nỗ lực để mở rộng "không gian quốc tế" của mình với sự hỗ trợ của Mỹ. Theo đó, "đây là mối đe dọa thực sự… lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan và là lý do cơ bản khiến Đài Loan không thể tham gia vào các hoạt động của các tổ chức đa phương".
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25.10 đã chỉ trích Mỹ đang "dìu dắt" Đài Loan tại LHQ, đồng thời kêu gọi bảo vệ hiện trạng trật tự quốc tế, phản đối Mỹ tìm cách đưa Đài Loan tham gia sâu hơn vào LHQ.
"Mọi quốc gia trên thế giới nên duy trì hệ thống quốc tế với nòng cốt là LHQ, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế được quy định trong Hiến chương LHQ", ông Tập phát biểu trong sự kiện kỷ niệm 50 năm Trung Quốc gia nhập LHQ.
Chủ tịch Trung Quốc khẳng định ủng hộ hợp tác hơn đối đầu, đồng thời phản đối "bất cứ loại hình chủ nghĩa bá quyền, chính trị quyền lực, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ".
Các nhà quan sát cho biết tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Blinken không nhất thiết cho thấy một sự thay đổi chính sách lớn vì những người tiền nhiệm của ông - bao gồm Mike Pompeo và John Kerry - cũng đã kêu gọi sự tham gia của Đài Loan trong các cơ quan quốc tế như vậy. Tuy nhiên họ cho rằng nhận xét của Ngoại trưởng Mỹ là một dấu hiệu cho thấy Washington tăng cường hỗ trợ cho Đài Loan.
Zhu Songling, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đài Loan tại Đại học Liên hợp Bắc Kinh, cho biết gần đây Mỹ đã "khôn khéo" hơn khi đề cập đến Đài Loan. "Trung Quốc coi vấn đề Đài Loan tham gia quốc tế là vấn đề nội bộ. Bất cứ khi nào Mỹ có ý định can thiệp, Bắc Kinh sẽ cảm thấy khó chịu", ông nói.
Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết việc khuyến khích Đài Loan tham gia vào hệ thống LHQ là một bước tiến mới trong việc hỗ trợ Đài Loan của Washington.
"Mặc dù Mỹ không công nhận Đài Loan là một quốc gia nhưng họ vẫn ủng hộ hòn đảo này từng chút một. Tầm quan trọng của chính sách một Trung Quốc đang thu hẹp lại và nó đang trở thành một cái vỏ rỗng", ông nói.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan không phải là mới, nhưng các cuộc tranh luận gần đây đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu cả hai quốc gia có đang thực hiện các bước có thể dẫn đến đối đầu hay không.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ quyết hỗ trợ phòng thủ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc đại lục tấn công, làm dấy lên sự bối rối về việc liệu Washington có đang thay đổi "sự mơ hồ chiến lược" lâu nay hay không.
Li Da-jung, giáo sư quan hệ quốc tế và nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang ở Đài Bắc, cho biết Mỹ từ lâu đã ủng hộ “sự tham gia có ý nghĩa” của Đài Loan vào LHQ. “Sự ủng hộ mạnh mẽ hơn một phần là do sự trỗi dậy của Trung Quốc đại lục về kinh tế và quân sự, điều này đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Mỹ", Li nói.