Thấy gì từ việc nhiều tỉnh thành 'hái ra tiền' dịp Tết?
Kỳ nghỉ dài, đường sá thuận lợi, thời tiết đẹp trở thành những yếu tố chính khiến thị trường du lịch sôi động trong dịp Tết Nguyên đán.
Tín hiệu khởi sắc của du lịch Việt
Trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, Cục Du lịch quốc gia cho biết có 10,5 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 17% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, khoảng 3,5 triệu trong số này là khách lưu trú, tương ứng mức tăng 75%. Công suất phòng trung bình ước đạt 45-50%.
Ông Bùi Thanh Tú - đại diện công ty lữ hành Best Price - cho biết với kỳ nghỉ dài ngày, tổng lượng khách nội địa, khách quốc tế về Việt Nam (inbound) tăng gấp đôi so với năm ngoái trong khoảng thời gian từ 28 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng. Người dân đổ xô đi du lịch khiến doanh thu tăng hơn 200%.
Đại diện công ty Vietfoot Travel cũng ghi nhận lượng khách nội địa dịp Tết đạt kỳ vọng. Do nắm bắt sớm nhu cầu của người dân, công ty này mở các sản phẩm tour dài ngày từ TPHCM tới các tỉnh miền bắc để tham quan. Điều này giúp doanh nghiệp có doanh số và "săn" được giá vé máy bay giá hấp dẫn bởi di chuyển ngược với đám đông.
Theo các doanh nghiệp lữ hành, hệ thống đường sá được hoàn thiện giúp du lịch nội địa "bay cao" trong dịp Tết. Hiện nay, các tuyến cao tốc khiến tuyến đường Hà Nội - Sapa chỉ mất khoảng 6 giờ chạy ô tô. Du khách chỉ cần lái xe chưa đến 3 giờ để đi từ TPHCM - Phan Thiết, Vũng Tàu.
Thời tiết thuận lợi trở thành yếu tố khiến du lịch nội địa tăng trưởng đột biến. Theo ông Bùi Thanh Tú, lượng khách đặt lịch gấp bùng nổ vào dịp nghỉ lễ. "Sau khi đón giao thừa, nhận thấy thời tiết khô ráo, ấm áp, nhiều du khách nổi hứng liền tự lái ô tô đi du lịch. Mặc dù hết khách sạn 4-5 sao, du khách vẫn chấp nhận ở homestay, các khách sạn ở xa điểm đến hơn", đại diện Best Price chia sẻ.
Ngoài ra, người Việt đi du lịch nước ngoài có xu hướng tìm tới các sản phẩm trung, cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Vào dịp Tết này, các nước và khu vực kể trên vẫn đang trong thời kỳ giá lạnh. Do đó, lượng lớn du khách trong nước quan tâm tới khu trượt tuyết, hoạt động mà ở Việt Nam chưa bao giờ có.
Đòn bẩy cho ngành du lịch
Lượng khách nội địa, quốc tế và doanh thu tăng mạnh trong Tết Âm lịch vừa qua khiến ngành du lịch nước nhà tự tin với những mục tiêu cho năm nay.
Các điểm đến trong nước làm rất tốt việc đổi mới sản phẩm. Điển hình, nhiều hình ảnh về núi Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh được chia sẻ trong thời gian vừa qua khiến danh tiếng nơi đây được nhiều bạn trẻ quan tâm hơn. Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) khai trương chợ đêm mới khiến không khí về đêm trở nên tấp nập.
Sự kiện gần 300 du khách Đài Loan - Trung Quốc bị "bỏ rơi" ở Phú Quốc có thể về nhà an toàn tiếp tục chỉ ra người làm du lịch ở Việt Nam luôn có tinh thần thân thiện hỗ trợ hết sức có thể. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo hoạt động ổn định, doanh nghiệp lữ hành khi phối hợp với đối tác quốc tế trong quá trình điều phối khách inbound nên cẩn trọng, luôn có văn bản đầy đủ pháp lý cho từng sự việc riêng biệt để dễ dàng xử lý khi xảy ra tranh chấp.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng vẫn còn một số điểm cần cải thiện nhằm nâng tầm chất lượng của du lịch nước nhà.
Ông Phạm Duy Nghĩa - Tổng Thư ký Hội Lữ hành Hà Nội - cho biết: "Trong dịp Tết năm nay, giá vé máy bay vẫn rất cao, dù biết là nhu cầu về quê ăn Tết dồn dập khiến các hãng hàng không phải căng mình.
Ngay sau dịp Tết, Chính Phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đề xuất chính sách mở rộng miễn thị thực cho công dân một số nước phù hợp với tình hình mới và quan hệ hợp tác song phương. Ông Phạm Duy Nghĩa chia sẻ rằng mong muốn Nhà nước, Chính phủ nới lỏng hơn nữa danh sách các quốc gia được miễn thị thực, nhất là các nước đã và đang phát triển.
Điều này tạo nên kênh kích thích về tiêu dùng, quan hệ ngoại giao. Đồng ý với ý kiến này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết việc mở rộng miễn thị thực sẽ hút nhiều du khách quốc tế hơn đến Việt Nam, nhưng đồng thời phải đẩy mạnh hoạt động quảng bá tới cộng đồng quốc tế. Nếu chỉ đơn giản là miễn thị thực thì vẫn chưa thực sự hấp dẫn.
Tập trung du lịch đêm trở thành yếu tố khiến các doanh nghiệp lữ hành quan tâm. Cho đến nay, các địa danh nổi tiếng ở Việt Nam hầu hết chưa phát triển lĩnh vực này. Dù đã có nhiều chương trình mới như các buổi biểu diễn buổi tối ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò... nhưng các hoạt động kể trên cũng chỉ kết thúc vào khoảng 22 giờ. Nhằm kích thích triệt để chi tiêu của du khách, những khu vực "không ngủ" như phố Tạ Hiện - Hà Nội, phố Bùi Viện - TPHCM cần được nhân rộng ở các địa phương.